Huyện Như Xuân khai thác tiềm năng phát triển du lịch

Như Xuân là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái, Mường, Kinh và Thổ với nhiều phong tục, truyền thống văn hóa, ẩm thực, lễ hội và nhiều trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc.

Thác Cổng Trời.

Trên địa bàn huyện Như Xuân có 23 di tích, trong đó 4 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh, gồm: Di tích lịch sử văn hóa Đình Thi, danh lam thắng cảnh thác Đồng Quan, di tích lịch sử văn hóa đền Chín Gian và danh lam thắng cảnh thác Cổng Trời. Bên cạnh đó, điều kiện cảnh quan thiên nhiên đa dạng cùng với những khung cảnh của núi rừng, sông hồ, hang động... là nguồn tài nguyên giá trị để huyện đẩy mạnh phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng.

Lễ hội Đình Thi, một lễ hội nổi tiếng của đồng bào dân tộc Thổ ở thôn Trung Thành, xã Yên Lễ được tổ chức hàng năm vào ngày 16-3 âm lịch để tri ân, tưởng nhớ công đức danh tướng Lê Phúc Thành - người có công lớn giúp Lê Lợi đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh. Đặc biệt, cứ 5 năm một lần lễ hội được tổ chức đại lễ (có tế trâu). Lễ hội đã trở thành điểm đến tâm linh, nơi giao lưu văn hóa, văn nghệ cùng các trò chơi, trò diễn dân gian hấp dẫn.

Du khách đến Như Xuân không thể bỏ qua đền Chín Gian tọa lạc trên đỉnh đồi Pú Pỏm, xã Thanh Quân. Ngôi đền trước đây có kiến trúc 9 gian thờ trời và các vị tổ họ người Thái có công lập Mường, đồng thời cũng là nơi diễn ra lễ hội, tế lễ hiến trâu của người Thái. Lễ hội đền Chín Gian đã một thời là nơi diễn ra và lưu giữ những hoạt động văn hóa truyền thống tốt đẹp về đời sống tâm linh, là nơi người Thái gặp gỡ, hiến dâng những vật phẩm được làm ra từ bàn tay, khối óc của mình để cầu mong trời đất, tổ tiên làm cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, đồng thời là nơi con người được sống cởi mở chan hòa để bày tỏ tấm lòng biết ơn đối với tổ tiên và hướng về nguồn cội. Lễ hội đền Chín Gian là nơi hội tụ, gắn kết tình cảm của con người với cộng đồng và môi trường tự nhiên, là điểm sáng về bản sắc văn hóa của người Thái nói riêng và của cả dân tộc nói chung. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, sau khi nghiên cứu xem xét, UBND tỉnh đã đồng ý cho khôi phục lại lễ hội “Dâng trâu tế trời” của dân tộc Thái trong “Đề án bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”. Đền Chín Gian cũng đã được đầu tư xây dựng tu bổ khang trang bằng nguồn xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân và du khách.

Bên cạnh các điểm du lịch tâm linh, du khách còn được hòa mình vào thiên thiên với thác Đồng Quan, xã Hóa Quỳ. Thác được bắt nguồn từ đỉnh núi Bù Mùn cao hơn 1.000m so với mực nước biển, chảy qua các lũng núi tạo thành dòng chảy không ngừng. Nhất là vào mùa hè du khách sẽ cảm nhận được không khí trong lành, đắm mình trong làn nước mát và không gian rừng nguyên sinh tràn ngập màu xanh. Thác Đồng Quan nằm trong khu vực cư trú của đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Thổ, nơi đây các bản làng còn bảo tồn được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc như các phong tục tập quán, làn điệu dân ca, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực, trang phục truyền thống... Năm 2015, thác Đồng Quan đã được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Huyện Như Xuân đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng di tích danh lam thắng cảnh thác Đồng Quan trở thành một điểm du lịch lý thú, cho những ai thích khám phá, như: Xây dựng bể bơi, trồng cây hoa hai bên đường đi vào thác, xây dựng cầu, làm đường lên thác, xây dựng máng trượt, khu ăn uống ẩm thực... Ngoài được chiêm ngưỡng cảnh quan, đắm mình trong dòng nước mát, du khách còn được thưởng thức các món ăn dân tộc từ nguyên liệu sẵn có ở địa phương.

Còn đến với thác Cổng Trời, xã Xuân Quỳ, du khách sẽ lạc vào chốn sơn thủy hữu tình với rừng nguyên sinh, thác nước trắng phau từ trên cao dội xuống giữa chốn đại ngàn. Từ đỉnh núi Bù Mùn, những dòng nước len lỏi qua những khe sâu, vách đá, những thảm thực vật rậm rì, rồi hòa vào nhau, tạo nên dòng thác hùng vĩ. Từ trên đỉnh thác, du khách tha hồ phóng tầm mắt chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên tươi đẹp với những thác nước, rừng nguyên sinh bạt ngàn. Ngoài hệ thống thác nước hùng vĩ, nơi đây còn thu hút du khách bởi thảm thực vật và động vật phong phú với nhiều loài phong lan, cây thuốc, cây gỗ quý, nhiều loài thú, bò sát, loài chim, động vật lưỡng cư... Để đưa khu du lịch sinh thái thác Cổng Trời vào hoạt động, UBND huyện Như Xuân đã đầu tư một phần kinh phí, tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, đồng thời huy động hàng ngàn ngày công lao động của cán bộ, công chức, đoàn viên thanh niên các xã, thị trấn và người dân địa phương để san lấp, mở đường vào khu du lịch. Từ tháng 8-2017, đường bê tông, đường đi bộ, cầu qua suối, hồ trữ nước, hệ thống nhà chòi, khu du lịch sinh thái thác Cổng Trời đã chính thức đi vào hoạt động, là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến với Như Xuân.

Những năm gần đây, một số khu du lịch, điểm du lịch đã được hình thành và đi vào kinh doanh khai thác bước đầu tạo ra hiệu quả trong phát triển du lịch của huyện. Chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác giáo dục tuyên truyền nội dung của Luật Di sản văn hóa đến với mọi tầng lớp nhân dân, để nhân dân trực tiếp tham gia bảo vệ, góp phần vào bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tại địa phương. Hàng năm các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện đều kiện toàn ban quản lý di tích, kèm theo ban hành nội quy, quy chế quản lý và bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh ở địa phương. Triển khai và tuyên truyền, hướng dẫn ban quản lý các di tích thực hiện phương án bảo vệ các di tích, chú trọng việc bảo quản nguyên trạng các di tích và di vật gốc. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể như thuần phong mỹ tục trong nếp sống, lối sống, lễ hội, nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực. Tăng cường tuyên truyền giới thiệu và đưa nội dung của các di tích vào giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ ở địa phương.

Tuy nhiên, hiện các hoạt động du lịch, sản phẩm du lịch của huyện đang ở giai đoạn hình thành, mới chủ yếu dựa trên các giá trị thiên nhiên sẵn có. Đối tượng khách du lịch chủ yếu là khách trong huyện với nhu cầu tham quan giải trí trong ngày. Do nguồn kinh phí hỗ trợ hàng năm hạn hẹp nên công tác đầu tư phát triển du lịch còn gặp nhiều khó khăn, việc thu hút các nhà đầu tư vào phát triển du lịch địa phương còn chưa hiệu quả. Thiếu cán bộ có kinh nghiệm và kiến thức đầy đủ về phát triển du lịch, nhất là trong lĩnh vực du lịch cộng đồng. Công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh về du lịch huyện còn hạn chế, chưa có điều kiện quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ông Đàm Văn Thông, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Như Xuân, cho biết: Để khai thác tiềm năng phát triển du lịch, huyện đã chỉ đạo các ngành có liên quan tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện các văn bản của tỉnh, của huyện nhằm quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Bên cạnh sự hỗ trợ các nguồn vốn của tỉnh, trung ương, các tổ chức doanh nghiệp để phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cấp di tích và các dịch vụ du lịch khác, huyện cũng tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá để thu hút các nhà đầu tư vào du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh và làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện. Để thực hiện được các giải pháp đó, huyện cũng đề nghị với các cấp, ngành tạo điều kiện cho huyện tiếp cận với các nguồn vốn từ chương trình đề án quốc gia về phát triển du lịch ở các huyện miền núi. Hỗ trợ xúc tiến, kêu gọi, thu hút đầu tư nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Như Xuân”. Hàng năm bố trí ngân sách của tỉnh hỗ trợ kinh phí cho huyện tiếp tục xây dựng các công trình, hạng mục đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh. Tạo điều kiện để địa phương phát huy các thế mạnh vốn có của vùng, tạo dựng các liên kết trong phát triển sản phẩm, chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của địa phương. Đầu tư kinh phí chống xuống cấp hàng năm đối với các di tích, thắng cảnh đã được công nhận để địa phương tu sửa các hạng mục xuống cấp. Hỗ trợ kinh phí, mở lớp tập huấn bồi dưỡng đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ hướng dẫn du lịch.

Được biết, từ nay đến năm 2019, huyện Như Xuân sẽ triển khai hoàn thiện hồ sơ công nhận danh lam thắng cảnh cấp tỉnh đối với thác Mồng (xã Thanh Quân), thác Mơ (xã Thanh Lâm), đình Phắt (xã Cát Vân); xây dựng các công trình phụ đạt chuẩn tại thác Cổng Trời và đền Chín Gian; thực hiện “Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Như Xuân”... Với hy vọng thêm nhiều di tích, danh thắng được công nhận sẽ thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát huy và bảo tồn các giá trị truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện.

Bài và ảnh: Ngọc Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/sj4elx/new-article.aspx