Huyện Như Xuân đẩy mạnh phát triển nghề chế biến lâm sản

Xác định công nghiệp là khâu đột phá, tạo động lực cho kinh tế phát triển, trong những năm qua, huyện Như Xuân đã thực hiện nhiều chính sách nhằm thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương nhằm đẩy mạnh phát triển nghề chế biến lâm sản.

Công nhân Công ty Gỗ Trường Sơn, xã Xuân Hòa trong ca sản xuất.

Trong tổng số hơn 72 nghìn ha đất tự nhiên toàn huyện Như Xuân thì diện tích đất lâm nghiệp chiếm gần 53 nghìn ha, trong đó rừng sản xuất là 32 nghìn ha, hàng năm cung cấp 160 nghìn m3 gỗ. Đây chính là nguồn nguyên liệu quan trọng để phục vụ cho nghề chế biến lâm sản trên địa bàn. Đối với huyện Như Xuân, chế biến lâm sản là ngành đã và đang có nhiều triển vọng, góp phần tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động và nâng cao thu nhập cho người dân. Được biết, trên địa bàn huyện có 6 doanh nghiệp chế biến lâm sản đang hoạt động tại các cụm công nghiệp (CCN), là: Bãi Trành, Yên Cát, Xuân Hòa. Những năm gần đây, được sự quan tâm, tạo điều kiện của UBND huyện, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, xây dựng nhà xưởng đồng bộ tại các CCN, đổi mới công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, đa dạng về mẫu mã không chỉ phục vụ nhu cầu của thị trường nội tỉnh, nội địa mà còn hướng tới xuất khẩu như: Công ty CP công nghiệp gỗ Trường Sơn, Công ty TNHH xây dựng và thương mại Thành Nam, Công ty CP Xuân Sơn... Trên địa bàn huyện còn có 10 HTX chế biến lâm sản và 140 cơ sở chế biến quy mô nhỏ, lẻ. Ông Nguyễn Quang Dự, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Như Xuân, cho biết: Xác định việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp là “đòn bẩy” phát triển nghề chế biến lâm sản, thời gian qua UBND huyện đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho các CCN, như: Đường giao thông, đường điện... Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm hồ sơ xin cấp phép xây dựng, hỗ trợ giải phóng mặt bằng nhanh chóng. Chủ trương của huyện là ưu tiên phát triển những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, như: Gỗ ván ép công nghiệp, ván ghép thanh, hàng mộc cao cấp... UBND huyện tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn lao động, nhất là lao động có tay nghề thông qua các lớp bỗi dưỡng, nâng cao tay nghề. Ngoài quy hoạch các CCN tập trung, đầu tư xây dựng cơ sỏ hạ tầng thì UBND huyện Như Xuân cũng tích cực tuyên truyền đến người dân trên địa bàn các xã thay đổi tập quán trồng rừng sản xuất nhằm xây dựng vùng nguyên liệu bền vững cho công nghiệp chế biến lâm sản, trong đó tăng cường trồng rừng gỗ lớn. Để các cơ sở chế biến lâm sản hoạt động theo đúng các quy định của Nhà nước, phòng kinh tế - hạ tầng thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các cơ sở chế biến lâm sản, yêu cầu các chủ cơ sở chế biến lâm sản thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn lao động cũng như cam kết bảo vệ môi trường.

Về những khó khăn trong quá trình phát triển nghề chế biến lâm sản, ông Nguyễn Quang Dự, cho biết: Nghề chế biến lâm sản ở huyện Như Xuân đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu. Các doanh nghiệp chưa chú trọng liên kết với người dân về việc phát triển vùng nguyên liệu, dẫn đến sự tranh giành nguyên liệu và thiếu nguyên liệu đạt chuẩn. Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn phải thu mua nguyên liệu ở những huyện khác, như: Như Thanh, Lang Chánh, Thường Xuân... Bên cạnh đó, các CCN gặp khó khăn về vốn để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là công trình bảo vệ môi trường. Ngoài ra, nhiều chủ cơ sở sản xuất muốn mở rộng quy mô nhưng không có quỹ đất hoặc vốn vay ưu đãi nên nhiều xưởng sản xuất vẫn chỉ ở quy mô nhỏ lẻ. Trên cơ sở định hướng phát triển của UBND huyện, để nghề chế biến lâm sản thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, cần có những định hướng, giải pháp cụ thể để điều tiết cũng như hỗ trợ, quản lý cho các cơ sở chế biến lâm sản phát triển ổn định. Bảo đảm được nguồn nguyên liệu phong phú, dồi dào; nâng cao hiệu quả của việc trồng rừng. Có chế tài hợp lý, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm bền vững, có sự đầu tư công nghệ chế biến sâu của các doanh nghiệp... thì nghề chế biến lâm sản của huyện Như Xuân nhất định sẽ đem lại hiệu quả tốt, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân phát triển kinh tế của địa phương.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/6p397q/new-article.aspx