Huyện Như Thanh phát huy dân chủ tạo sự đồng thuận trong nhân dân

Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể của huyện Như Thanh xác định thực hiện tốt quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở không chỉ khơi dậy sức dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, mà còn góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội ở địa phương.

Người dân xã Cán Khê thu hoạch riềng.

Khác hẳn với hình dung của chúng tôi về một xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn - Cán Khê hôm nay đã khoác lên mình “tấm áo” mới. Những con đường bê tông phẳng lì, công sở, trường học, cổng làng khang trang, đồng bào các dân tộc sống chan hòa, đoàn kết. Có được thành quả ấy là nhờ cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội xã đã thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Hàng năm, cấp ủy, chính quyền xã công khai, thông báo để nhân dân biết các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, những chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc ở khu vực miền núi, việc sử dụng các khoản huy động đóng góp của nhân dân, bằng hình thức niêm yết tại trụ sở UBND xã, qua hệ thống loa truyền thanh, họp khu dân cư, hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Trên cơ sở nắm bắt thông tin, người dân được tham gia bàn bạc, quyết định những công việc quan trọng, thiết thực gắn với lợi ích của mình. Đáng chú ý, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức xã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm thường xuyên gần gũi, lắng nghe tâm tư, tình cảm, đề xuất, kiến nghị của nhân dân trong giải quyết các vụ việc phát sinh từ cơ sở. Năm 2011, thời điểm xã bắt đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, hệ thống đường giao thông vẫn chủ yếu đường là đất, nhiều thôn chưa có nhà văn hóa, giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất của người dân thiếu đồng bộ. Trên tinh thần người dân là “chủ thể” trong xây dựng nông thôn mới và phát huy dân chủ ở cơ sở, đảng ủy, chính quyền xã đã đưa công tác đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn ra bàn bạc với nhân dân để tạo sự đồng thuận, thống nhất. Đồng thời, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội của xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng tạo điều kiện thuận lợi để nhà thầu thi công các công trình. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, xã Cán Khê đầu tư làm mới hơn 43 km đường giao thông nông thôn, 4 km đường giao thông nội đồng, nâng cấp 9 công trình hồ đập, xây dựng mới 2 trạm biến áp, các nhà văn hóa thôn, trạm y tế xã được sửa chữa, xây mới khang trang... phục vụ hiệu quả hoạt động sản xuất, đời sống của người dân. Nhờ sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân, cuối năm 2017 xã Cán Khê đã về đích nông thôn mới. Kết quả trên đang là nền tảng, động lực để cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong xã bước vào chặng đường xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Không chỉ ở xã Cán Khê, việc thực hiện QCDC theo Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn” đều được các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Như Thanh thực hiện hiệu quả. Những nội dung của Pháp lệnh 34 đã được các cấp chính quyền và MTTQ gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị... Nổi bật, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở thông qua nhiều hình thức đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh. Thông qua MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhân dân trong huyện đã đóng góp gần 800 lượt ý kiến cho cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và 2.015 ý kiến tham gia góp ý vào các văn bản dự thảo sửa đổi một số luật. Ngoài ra, MTTQ 27 xã, thị trấn trong huyện tổ chức tốt các hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền với nhân dân. Các hội nghị đối thoại đã thu hút 1.157 người tham dự, với 220 lượt ý kiến. Trong đó, có 188 ý kiến được giải quyết trực tiếp tại hội nghị, 32 ý kiến được người đứng đầu chính quyền các xã, thị trấn tiếp thu. Phát huy dân chủ trong nhân dân tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí, ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư cộng đồng ở 17 xã, thị trấn đã được thành lập, với 153 thành viên. Hoạt động của các ban thanh tra nhân dân đã từng bước phát huy vai trò trong việc phát hiện, phòng ngừa các sai phạm và giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử ở cơ sở. Đồng thời, ban giám sát đầu tư cộng đồng tích cực tham gia giám sát các công trình ở thôn, làng và những khoản thu đóng góp của nhân dân, từ đó, kịp thời có kiến nghị đề xuất với chính quyền xem xét giải quyết những bất cập, hạn chế.

Hòa Bình

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/huyen-nhu-thanh-phat-huy-dan-chu-tao-su-dong-thuan-trong-nhan-dan/101265.htm