Huyện Như Thanh: Bảo vệ rừng gắn với phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô hanh

Rừng trên địa bàn huyện Như Thanh được Chi cục Kiểm lâm tỉnh xác định là vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hanh, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Thanh phối hợp với chủ rừng kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại xã Xuân Thái.

Thời tiết khô hanh kéo dài; bà con xử lý thực bì để sản xuất nông - lâm nghiệp; một số người dân có tập quán vào rừng lấy củi, đốt ong; du khách đi lễ hội tại các đền, chùa trong vùng, một số người dân thiếu ý thức dùng lửa,... là những hoạt động tiềm ẩn nguy cơ gây cháy rừng, phá rừng.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Như Thanh Nguyễn Văn Bảo, cho biết: Để bảo vệ rừng (BVR) tận gốc, Hạt Kiểm lâm Như Thanh đã tham mưu cho Huyện ủy ban hành các văn bản tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR); tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với chính quyền, cơ quan, ban, ngành trên địa bàn trong công tác quản lý, BV&PTR; tham mưu cho chính quyền các cấp trên địa bàn kiện toàn ban chỉ đạo về Chương trình, mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; rà soát, bổ sung phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) theo phương châm 4 tại chỗ. Trong đó, trọng tâm là thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ động PCCCR; ngăn chặn kịp thời tình trạng xâm lấn rừng tự nhiên; bảo vệ an toàn rừng vùng giáp ranh với tỉnh Nghệ An.

Hạt đã phối hợp với các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, trường học... bằng nhiều hình thức tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, các quy định về BVR, phát triển rừng, PCCCR và phát động cộng đồng dân cư xây dựng mô hình quản lý nguồn lửa đảm bảo an toàn trong và ven rừng,... Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai đề án tiếp nhận và xử lý thông tin, kiến nghị, đề nghị của Nhân dân về công tác kiểm lâm; tổ chức đối thoại với Nhân dân về công tác BVR, về hoạt động của kiểm lâm ở cơ sở... Đồng thời, hạt chỉ đạo kiểm lâm viên (KLV) tăng cường xuống cơ sở tham mưu cho chính quyền các xã kiện toàn, xây dựng các tổ liên gia tự quản BVR ở cơ sở, đặc biệt chú trọng những vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao; trọng điểm có khai thác; tuyến trọng điểm vận chuyển lâm sản; trọng điểm về buôn bán lâm sản.

Ngoài việc KLV tăng cường xuống xã phối hợp với dân quân tự vệ, công an xã, các chủ rừng và Nhân dân tổ chức kiểm tra rừng tại gốc, hạt kiểm lâm huyện đã tham mưu cho các đơn vị phối hợp, chính quyền cấp xã tổ chức lực lượng tại chỗ tuần tra rừng định kỳ hàng tháng, hàng quý theo kế hoạch hoặc đột xuất khi có thông tin. Hạt Kiểm lâm Như Thanh và Hạt Kiểm lâm Quỳnh Lưu (Nghệ An) cũng thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình an ninh rừng khu vực rừng vùng giáp ranh, thông tin về tình hình các đối tượng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý BVR và quản lý lâm sản để có biện pháp đấu tranh ngăn chặn và bắt giữ xử lý kịp thời; hàng tháng lãnh đạo hai đơn vị tổ chức giao ban, sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm và triển khai thực hiện nhiệm vụ của tháng tiếp theo. Hạt đã chỉ đạo KLV tăng cường xuống xã tham mưu cho các xã: Thanh Tân, Thanh Kỳ ký kế hoạch phối hợp tuần tra bảo vệ và PCCCR vùng giáp ranh với các xã trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Kết quả, năm 2020, Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 12 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, thu nộp ngân sách hơn 147 triệu đồng. Trong đó, hạt đã tổ chức được 66 lượt phối hợp tuần tra an ninh rừng vùng giáp ranh.

Các tháng vừa qua, Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh đã khảo sát, khoanh vùng trọng điểm cháy hơn 12.500 ha tại các xã Xuân Du, Mậu Lâm, Phượng Nghi, Xuân Phúc, Xuân Thái, Thanh Tân, Thanh Kỳ... /tổng diện tích gần 40.000 ha rừng trên địa bàn có nguy cơ cháy cao trong mùa khô hanh. Huyện Như Thanh đã triển khai các giải pháp cụ thể, phù hợp với từng địa bàn nhằm chủ động BVR như mua sắm các trang thiết bị phục vụ PCCCR; xây dựng mới được hơn 7 km PCCCR tại khu vực các xã Xuân Du, Mậu Lâm, Phượng Nghi... Hướng dẫn cho Nhân dân phát dọn, xử lý vật liệu cháy dưới tán rừng thông bằng biện pháp đốt trước có điều khiển; xác định nguyên nhân gây cháy, xây dựng phương án BVR, PCCCR cụ thể, phù hợp thực tế. Ví như khu vực rừng xã Mậu Lâm (có đền Am Tiên và núi Nưa), do địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn, vật liệu cháy dưới tán rừng là các lớp thực bì dày, khả năng bén lửa nhanh và tốc độ lan tràn của đám cháy lớn, sẽ rất khó khăn cho công tác chữa cháy nếu cháy rừng xảy ra. Hạt kiểm lâm đã chủ động thực hiện một số giải pháp đồng bộ như: tuyên truyền trực tiếp tại thực địa để người dân trong xã và khách thập phương nêu cao ý thức BVR, PCCCR, chấp hành quy định không sử dụng lửa bừa bãi trong và ngoài khu vực đền, xử lý thực bì sản xuất theo quy định, trước khi xử lý thực bì phải báo cáo chính quyền và kiểm lâm; đốt trước vật liệu cháy tạo thành các đường băng trắng cản lửa.

Thùy Dương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/huyen-nhu-thanh-bao-ve-rung-gan-voi-phong-chay-chua-chay-rung-mua-kho-hanh/129864.htm