Huyện nhiều thủy điện nhất Nghệ An, khảo sát xây nhà máy trong khu bảo tồn

Thêm một dự án thủy điện Thông Thụ (huyện Quế Phong, Nghệ An) được khảo sát, thực tế bên trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.

XEM CLIP:

Huyện Quế Phong là một trong hai huyện miền Tây có nhiều nhà máy thủy điện nhất tỉnh Nghệ An, trong đó thủy điện Hủa Na có công suất 180MW.

Để sản xuất điện, năm 2012, thủy điện Hủa Na bắt đầu tích nước trên dòng sông Chu, hàng trăm hộ dân phải nhường đất để đến nơi ở mới. Sau 8 năm, cuộc sống người dân nơi đây vẫn còn rất khó khăn, nhiều hộ quyết định quay trở lại vùng lòng hồ mưu sinh.

Bên trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt

Trước thông tin Công ty CP Điện lực Trung Sơn từng đi khảo sát và có ý định xây dựng nhà máy thủy điện Thông Thụ, trên thượng nguồn sông Chu (nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt), PV đã có chuyến đi tới vị trí được cho là sẽ xây dựng đập.

Bến đò bản Lốc, xã Thông Thụ nơi đoàn chúng tôi ngược dòng sông Chu đến vị trí khảo sát thủy điện - Ảnh: Quốc Huy

Bến đò bản Lốc, xã Thông Thụ nơi đoàn chúng tôi ngược dòng sông Chu đến vị trí khảo sát thủy điện - Ảnh: Quốc Huy

Xuất phát từ bến đò bản Lốc (xã Thông Thụ), PV được 3 cán bộ BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt dẫn lên ngược dòng sông Chu, tìm đến khu vực từng được khảo sát để xây dựng nhà máy thủy điện.

Khi chiếc thuyền độc mộc gắn động cơ di chuyển được vài trăm mét, mặt nước sông Chu dần hiện ra bao la rộng lớn, xanh biếc đầy tráng lệ. Bên hai mép sông là vách đá dựng đứng, vững chãi nâng đỡ những ngọn núi cao chót vót.

Rừng ở khu bảo tồn Pù Hoạt dày đặc các thảm thực vật nguyên sinh với vô vàn các loại cây gỗ như săng lẻ, dổi, lùng… tất cả choàng lên những đỉnh núi một màu xanh u tịch, huyền bí.

Trên mặt sông, thỉnh thoảng lại thấy những thân cây hay ngọn cây gáo chết trắng nổi lên. Vì cây gáo ưa nước nên chúng thường mọc ven sông, đến khi thủy điện tích nước, cây bị ngập sâu rồi chết đi.

Người dân mưu sinh trong lòng hồ thủy điện Hủa Na

Bên cạnh đó, nhờ thủy điện Hủa Na tích nước mà dòng sông Chu mang lại nguồn lợi lớn về thủy sản cho người dân địa phương khai thác và nuôi trồng.

Hàng chục gia đình dựng lều nổi, tận dụng dòng sông để nuôi cá lăng, bọp, trắm, gáy… những loại cá có giá trị cao. Những hộ không có điều kiện, họ chọn cách đi thuyền trên sông, thả lưới để đánh bắt cá, tôm.

Cập thuyền...

Người dân mưu sinh trên dòng sông Chu

Ông Ngô Trọng Đại - Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Thông Thụ 2 cho biết, đơn vị chỉ có 4 cán bộ nhưng quản lý hơn 12.000 ha rừng.

Trong khu vực rừng đơn vị quản lý có nhiều loại cây gỗ quý như: sa mu, pa mu, sến, táu, dổi, vàng tâm... Động vật hoang dã như chồn, lợn rừng, vượn đen má trắng...

“Nhờ tuyên truyền mà nhiều năm gần đây người dân có ý thức bảo vệ rừng. Ngoài ra, nhờ chính sách giao rừng cho người dân quản lý, nên không xảy ra trường hợp chặt phá rừng”, ông Đại nói thêm.

Khảo sát thủy điện trong rừng nguyên sinh

Gần 2 giờ đi thuyền, đoàn ghé vào ngã ba Nậm Cân, nghỉ chân tại nhà sàn của anh Lương Văn Soái (SN 1973, trú xã Thông Thụ). Ngã ba này nơi dòng suối Nậm Cân chảy từ Thanh Hóa đổ về sông Chu.

Căn nhà của anh Soái nằm sát bên đồi, bên ngoài tuy xập xệ nhưng bên trong có đầy đủ chăn màn, nồi niêu… và vật dụng sinh hoạt cần thiết.

Đoàn cập bến ở ngã ba Nậm Cân

Loay hoay nhóm lửa nấu cơm trưa, anh Soái cho biết, vào năm 2012, sau khi nhường đất cho thủy điện Hủa Na làm lòng hồ và tích nước phát điện, 3 người trong gia đình anh phải di dời từ bản Ang về khu tái định cư bản Mường Phú (xã Thông Thụ).

Tuy nhiên, do nơi ở mới không có đất sản xuất, chăn nuôi kém nên anh Soái đưa vợ con ngược dòng sông Chu, đến ngã ba Nậm Cân làm trang trại chăn nuôi, trồng trọt.

Anh Lương Văn Soái bên trong căn nhà mà đoàn khảo sát thủy điện ở hơn 1 tháng

Hằng tuần, cả gia đình anh lại đi thuyền từ bến bản Lốc, ở lại đây vài ngày để làm ruộng, chăn nuôi. Qua nhiều năm tích góp, hiện trang trại của anh Soái có 8 con bò, 1 đàn lợn, gà, vịt...

“Trước khi có thủy điện Hủa Na, nước sông Chu sâu khoảng 15-20m tùy chỗ, nhưng bây giờ sâu 30-40m. Để nhường đất cho thủy điện, xã Thông Thụ có khoảng 300 hộ phải đi tái định cư.

Nhiều hộ làm ăn không được, quay lại lòng hồ mưu sinh, khoảng 20 hộ nuôi cá lồng, hơn 30 hộ đánh bắt cá và làm trang trại”, anh Soái nói.

Căn nhà anh Soái (mái tôn xanh) nơi ngã ba Nậm Cân - Ảnh: Quốc Huy

Trong bữa cơm trưa trên nhà sàn, anh Soái kể lại, khoảng tháng 6-7/2019, một đoàn công tác của công ty Trung Sơn đã đến thượng lưu sông Chu khảo sát xây dựng nhà máy thủy điện.

Trong số những người dân bản địa được công ty này thuê để dẫn đường và lái thuyền có anh Soái. Ngoài ra, lán trại của anh còn là nơi đoàn nghỉ ngơi, ăn uống.

“Chúng tôi được thuê gần 1 tháng để dẫn đường, phát cây cối đưa đoàn người vào khảo sát xây nhà máy thủy điện. Họ trả công 500 nghìn/ngày, nói 2 năm nữa thì làm thủy điện, nhưng không biết giờ có trục trặc gì”, anh Soái kể lại.

Đoàn công tác tá túc tại nhà anh Soái

Sau bữa cơm, đoàn đi thuyền thêm 15 phút thì đến được khu vực từng được khảo sát để xây dựng nhà máy thủy điện và vị trí dự định sẽ xây đập ngăn sông.

Theo quan sát của PV, tại vị trí này dòng sông Chu thắt lại rất hẹp, hai bên vách núi dựng đứng. Chỉ khoảng 4km nữa về phía thượng nguồn là biên giới Việt Nam - Lào.

Vị trí 2 bên núi là nơi dự kiến sẽ ngăn đập xây dựng thủy điện Thông Thụ

Cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cho biết, 2 bên sông đều là rừng phòng hộ thuộc ban quản lý. Chính vì thế, nếu dự án thủy điện này được triển khai thì chắc chắn nhiều hecta rừng sẽ bị chặt hạ, dẫn đến hệ sinh thái cũng bị tổn thương nghiêm trọng.

Công ty CP Điện lực Trung Sơn có trụ sở tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Đây là một trong những đơn vị có nhiều nhà máy thủy điện đang vận hành, khái thác thủy điện nhiều nhất ở Nghệ An, bao gồm: Thủy điện Châu Thắng; Sao Va; Bản Cốc, đều nằm ở huyện Quế Phong và thủy điện Nậm Cắn ở huyện Kỳ Sơn.

Phạm Tâm - Quốc Huy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/clip-nong/huyen-nhieu-thuy-dien-nhat-nghe-an-khao-sat-xay-nha-may-trong-khu-bao-ton-697501.html