Huyện Nhà Bè lãng phí đất đai vì dự án treo quá nhiều

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong về việc rà soát các dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư không có khả năng triển khai, để tham mưu lãnh đạo thành phố xử lý, sáng 11-5, Sở TN-MT TPHCM đã có buổi làm việc tại huyện Nhà Bè - nơi được cho là điểm nóng của tình hình nói trên.

Lãnh đạo Sở TN-MT TPHCM và lãnh đạo huyện Nhà Bè khảo sát các dự án chậm triển khai

Lãnh đạo Sở TN-MT TPHCM và lãnh đạo huyện Nhà Bè khảo sát các dự án chậm triển khai

Theo báo cáo của UBND huyện Nhà Bè, ngoài dự án sử dụng vốn ngân sách, nhiều dự án khác không sử dụng vốn ngân sách (chủ yếu phát triển nhà ở) hiện đang trong tình trạng dở dang. Nhiều dự án đã hoàn thành công tác bồi thường, có quyết định giao đất đang triển khai thi công nhưng chưa hoàn thành các hạng mục; nhiều dự án bồi thường dở dang kéo dài như dự án Khu nhà ở Thanh Niên xã Phước Lộc có quy mô 35ha bắt đầu triển khai từ năm 2001, nhưng đến nay còn khoảng 9.000m2 chưa thỏa thuận bồi thường được với dân, phần diện tích chưa bồi thường trong tình trạng “da beo” nên chủ đầu tư cũng không thể xin điều chỉnh quy mô dự án… Trên địa bàn huyện cũng có nhiều dự án nhà ở chủ đầu tư bồi thường dở dang nhưng đã hết chủ trương đầu tư như khu nhà ở xã Phước Kiển do Công ty CP Đầu tư Minh Thành làm chủ đầu tư, khu dân cư xã Phước Kiển do Công ty TNHH MTV ĐTXD Tân Thuận làm chủ đầu tư; khu dân cư xã Phước Kiển do Công ty CP Phát Đạt làm chủ đầu tư… Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch HĐND huyện Nhà Bè, cho biết nhiều nhà đầu tư xí đất rồi không hoặc chậm triển khai gây lãng phí tài nguyên đất rất lớn; tình trạng giá bồi thường tại các dự án nhà ở cũng còn nhiều bất cập, chưa tiệm cận với thị trường khiến người dân bức xúc, khiếu nại kéo dài, gay gắt.

Ông Võ Phan Lê Nguyễn, Trưởng phòng TN-MT huyện Nhà Bè, kiến nghị đối với những dự án không sử dụng ngân sách nhà nước (chủ yếu là các dự án nhà ở) đang đền bù dở dang, có chủ trường đầu tư còn hiệu lực nhưng vướng công tác đền bù và các thủ tục pháp lý nên chưa hoàn thành, chưa triển khai; các dự án triển khai dở dang nhưng chủ trương hết hiệu lực thì: cần có chính sách tháo gỡ những vướng mắc trong công tác bồi thường và quy trình triển khai dự án để nhà đầu tư thuận lợi trong việc triển khai dự án; có quy định, chế tài, giám sát chủ đầu tư; kiến nghị các cơ quan cấp trên cho phép lập phương án bồi thường, thu hồi đất đã thỏa thuận diện tích lớn; kiên quyết thu hồi những dự án mà chủ đầu tư yếu năng lực.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT, cho biết sau Nhà Bè, sở sẽ đi nhiều quận, huyện khác để rà soát lại việc triển khai các dự án (sử dụng vốn ngân sách và ngoài ngân sách nhà nước) nhằm chấn chỉnh, kiến nghị UBND TP xử lý, chấm dứt các dự án đã kéo dài quá lâu, chủ đầu tư yếu năng lực không thể triển khai. Tại huyện Nhà Bè, các dự án phải thu hồi đất của dân, theo ông Thắng, bên cạnh giá bồi thường, cần xem xét chính sách hỗ trợ để người dân đồng thuận. Đối với những dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước đã có phương án bồi thường được duyệt trước Luật Đất đai 2013 có hiệu lực nhưng chưa triển khai, huyện cần rà soát lại xem có còn phù hợp hay không, có bất cập gì không để báo cáo thành phố; đối với các dự án ngoài ngân sách nếu gia hạn cho chủ đầu tư, cần thẩm định thật kỹ năng lực của chủ đầu tư, công khai cho dân biết, nếu không đảm bảo năng lực thì kiên quyết thu hồi.

Không để “cò đất” khuynh đảo

“Không để cò đất khuynh đảo ở địa phương”, đó là lưu ý của Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan, Tổ trưởng Tổ công tác của Chủ tịch UBND TP, nêu ra tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Hóc Môn về “kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ TP đã giao” vào sáng 11-5.

Báo cáo tại buổi làm việc, bà Đỗ Thị Lâm Tuyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho biết huyện đã phối hợp với Thanh tra TP hoàn thành công tác kiểm tra 100 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm và hiện đang chờ kết luận chính thức của Thanh tra TP. Qua tiếp dân và nhận thông tin phản ánh từ đường dây nóng, huyện kịp thời xử lý 86 vụ việc. Trong 4 tháng đầu năm, huyện tiếp nhận, phân loại và xử lý 448 đơn thư khiếu nại tố cáo về chính sách bồi thường hoặc bồi thường kéo dài; việc chậm khắc phục thiếu sót các dự án phân lô hộ lẻ. Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP, lưu ý: “Huyện Hóc Môn muốn điều chỉnh 22 công trình thì phải có báo cáo giám sát đầu tư, ý kiến các sở-ngành, như vậy mới đúng quy định. Trên địa bàn huyện hiện có những công trình thi công rồi, nhưng không nghiệm thu được vì khối lượng công việc phát sinh lớn hơn khối lượng được duyệt ban đầu”.

Trước thực trạng này, Chánh văn phòng UBND TP đề nghị huyện Hóc Môn phải phân loại 22 công trình ra từng nhóm: nhóm công trình có khả năng giải quyết, nhóm phải củng cố hồ sơ, nhóm không thể giải quyết được. Huyện cùng tổ liên ngành phối hợp chặt chẽ để giải quyết những tồn đọng của việc tách thửa sai quy định, đồng thời xem xét giải quyết nhu cầu tách thửa chính đáng của người nghèo và gia đình chính sách. Ngoài ra, thực hiện đúng pháp luật, đúng quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất và có cơ chế giám sát việc tách thửa. Tăng cường công tác quản lý, không để xảy ra việc phân lô, bán nền rồi để đó.

QUANG HUY

ĐỖ TRÀ GIANG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/huyen-nha-be-lang-phi-dat-dai-vi-du-an-treo-qua-nhieu-519421.html