Huyện Ngọc Lặc tăng cường triển khai thực hiện chiến lược tiếp cận mục tiêu 90-90-90

Thực hiện Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 31-5-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường triển khai thực hiện chiến lược tiếp cận mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác) phòng chống HIV/AIDS, các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Ngọc Lặc đã triển khai thực hiện nghiêm túc, tạo chuyển biến của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Kỹ thuật viên Trung tâm Y tế huyện Ngọc Lặc làm xét nghiệm khẳng định HIV.

Tại thị trấn Ngọc Lặc, lũy tích đến thời điểm này có 34 bệnh nhân nhiễm HIV, có 14 bệnh nhân đã chết do AIDS, 20 bệnh nhân đang được quản lý, theo dõi điều trị ARV. Bà Lê Thị Tĩnh, Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Ngọc Lặc, chuyên trách HIV, chia sẻ: Để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân thị trấn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nỗ lực triển khai các chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV và chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV/AIDS. Thông qua các chương trình, dự án đã kêu gọi các đoàn thể và nhân dân đẩy mạnh phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, công tác quản lý, tư vấn, giúp người nhiễm HIV ổn định tâm lý và tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Các cán bộ chuyên trách, đồng đẳng viên, y tá phố thường xuyên quan tâm động viên tinh thần những người nhiễm HIV/AIDS và gia đình có người thân bị nhiễm HIV/AIDS; đồng thời giúp bệnh nhân tiếp cận các dịch vụ, chăm sóc, hỗ trợ điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS; chống kỳ thị và phân biệt, đối xử với người bị nhiễm HIV... Do vậy 6 năm trở lại đây, trên địa bàn trị trấn không có người tử vong do AIDS.

Từ tháng 10-2016, bệnh nhân điều trị ARV chính thức chuyển vào điều trị tại Phòng khám ngoại trú (OPC), Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc đã góp phần đáng kể nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người bệnh. Bác sĩ CK1 Lê Duy Thanh, phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Ngọc Lặc, chia sẻ: Hiện nay, phòng OPC đang quản lý, điều trị ngoại trú cho 251 bệnh nhân. Trước đây, người dân còn e ngại, không muốn đi khám để được tư vấn, điều trị, bởi sự kỳ thị đối xử với người nhiễm HIV trong cộng đồng. Cũng có những trường hợp người nhiễm HIV/AIDS nhưng do không biết nên âm thầm sống chung với bệnh cho đến khi tử vong. Tuy nhiên, hiện nay, người dân đã được cung cấp đầy đủ kiến thức về căn bệnh HIV/AIDS và những biện pháp phòng tránh, đa phần người nhiễm HIV đều được điều trị dự phòng tại các phòng OPC.

Bệnh nhân N.V.B. đang điều trị thuốc ARV ở phòng OPC tâm sự, hơn 20 tuổi, anh bị lây nhiễm HIV qua bạn tình. Mặc dù nghi ngờ về bệnh của mình và cảm thấy sức khỏe giảm sút nhưng anh vẫn ngại đi xét nghiệm vì sợ bị kỳ thị. “Lúc trước tôi cho rằng, nhiễm HIV là chấm hết nên không muốn đi xét nghiệm. Thậm chí, tôi nghĩ đằng nào cũng chết thì tại sao phải xét nghiệm để người ta biết mình bị nhiễm. Nhưng sau khi được tham gia các buổi tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS, được tư vấn xét nghiệm, tôi nhận ra một người nhiễm HIV vẫn có thể sống lâu dài và khỏe mạnh nếu được điều trị sớm. Xét nghiệm sớm HIV giúp người nhiễm HIV biết tình trạng của bản thân để có kế hoạch điều trị phù hợp, nếu dùng thuốc đều đặn, theo đúng phác đồ, sức khỏe sẽ được duy trì, kéo dài tuổi thọ... Chưa kể, khi phát hiện và điều trị sớm, người bệnh giảm được chi phí khám, chữa bệnh”, bệnh nhân B. cho biết thêm.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Ngọc Lặc, lũy tích đến hết tháng 6-2019 có 232 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó số còn sống và quản lý được là 130 người. Nhận thức được mối nguy hại của HIV/AIDS, huyện Ngọc Lặc đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, qua đó nâng cao chất lượng chăm sóc điều trị và quản lý bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, góp phần giảm số người bị lây nhiễm trong xã hội. Huyện đã quan tâm chỉ đạo, điều hành, triển khai kịp thời các mục tiêu, nhiệm vụ đến cơ sở, huy động được các nguồn lực triển khai một cách có hiệu quả việc thực hiện chiến lược tiếp cận mục tiêu 90-90-90 phòng, chống HIV/AIDS; hàng năm ban hành kế hoạch hành động huy động các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tham gia công tác phòng chống HIV/AIDS; tăng cường công tác truyền thông về lợi ích của việc xét nghiệm và điều trị sớm, dịch vụ xét nghiệm miễn phí với nhiều hình thức, bảo mật thông tin và kết nối điều trị dễ dàng... Nhiều chương trình, dự án phòng chống HIV/AIDS được triển khai. Cụ thể, từ tháng 4-2016, trên địa bàn huyện Ngọc Lặc được triển khai dự án VAAC-UC.CDC tiếp cận - xét nghiệm - điều trị tại 7 xã, thị trấn, đến tháng 3-2017 được bổ sung thêm 4 xã; Dự án Quỹ toàn cầu cấp phát bơm kim tiêm, vật tư giảm hại cho các đối tượng nghiện chích ma túy; chương trình mục tiêu quốc gia nâng cao hoạt động truyền thông giám sát; chương trình lao/HIV; chương trình điều trị Methadone... đã mang lại hiệu quả thiết thực, số đối tượng nhiễm HIV/AIDS được đăng ký, quản lý ngày một đông; các đối tượng được rà soát, truyền thông, tư vấn lưu động tại cơ sở nên số lượng thu dung bệnh nhân đến tư vấn và xét nghiệm tăng; bệnh nhân dương tính được chuyển gửi điều trị ARV tại phòng OPC đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. 6 tháng đầu năm 2019 đã tư vấn xét nghiệm cố định cho 684 khách hàng, tư vấn xét nghiệm không chuyên cho y tế thôn bản làm xét nghiệm cho khách hàng tại 12 xã, tư vấn xét nghiệm lây truyền mẹ con cho 1.320 khách hàng... Đặc biệt, trong 2 năm 2017 và 2018 có 6 trẻ sinh ra từ bố mẹ (mẹ) nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, đến nay, sau 2 lần xét nghiệm đều cho kết quả âm tính. Song song với đó, duy trì hoạt động cấp phát bơm kim tiêm sạch, bao cao su cho các đối tượng nguy cơ cao; thu gom bơm kim tiêm đã qua sử dụng; tăng cường tư vấn điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; tăng cường năng lực cho cán bộ chuyên trách HIV/AIDS, đồng đẳng viên, cộng tác viên, tình nguyện viên tại các xã, thị trấn thông qua đào tạo, tập huấn, đào tạo lại về các can thiệp giảm hại trong dự phòng lây nhiễm HIV...

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể trên địa bàn đã triển khai các chương trình, phong trào phòng, chống HIV/AIDS, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, môi trường thân thiện, lành mạnh; nhận thức của người dân đã được nâng lên, mỗi cá nhân, gia đình được trang bị cho mình kiến thức cần thiết để phòng, chống HIV/AIDS, góp phần vào mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%.

Bài và ảnh: Tô Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/y-te-suc-khoe/huyen-ngoc-lac-tang-cuong-trien-khai-thuc-hien-chien-luoc-tiep-can-muc-tieu-90-90-90/104446.htm