Huyện Ngọc Lặc quan tâm truyền dạy văn hóa truyền thống

Đồng bào dân tộc Mường Ngọc Lặc có một kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể và các lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian vô cùng phong phú. Để gìn giữ những giá trị văn hóa ấy, thời gian qua huyện Ngọc Lặc đã triển khai nhiều hoạt động nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó, huyện đã quan tâm, chú trọng việc truyền dạy các di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể.

Người dân Ngọc Lặc tham gia trò diễn pồn pôông.

Việc truyền dạy các DSVH phi vật thể tại huyện Ngọc Lặc đã được hình thành và duy trì trong cộng đồng dân cư từ rất nhiều năm nay. Những người tâm huyết với văn hóa truyền thống như nghệ nhân Phạm Thị Tắng, Phạm Vũ Vượng đã lặng lẽ từ năm này qua năm khác truyền dạy những điệu múa, tiếng trống, tiếng chiêng đến từng người đam mê, từng mái nhà. Để việc truyền dạy có quy mô, bài bản và hiệu quả, UBND huyện đã ban hành kế hoạch về việc truyền dạy các DSVH phi vật thể được công nhận của dân tộc Mường. Để xây dựng kế hoạch phù hợp với địa phương, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Văn hóa – Thông tin phối hợp với Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện thống kê những DSVH phi vật thể của địa phương; thống kê danh sách những nghệ nhân, những người tâm huyết với văn hóa truyền thống để họ tập hợp, truyền dạy lại cho nhân dân; sưu tầm những tài liệu về các di sản. Đồng thời, vận động các cơ quan và tổ chức xã hội tham gia tích cực các hoạt động phục vụ công tác bảo tồn, tôn vinh nghệ nhân, tổ chức luyện tập và trình diễn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc bảo tồn các DSVH của dân tộc. Trong năm 2019, huyện đã tổ chức 3 lớp truyền dạy trình diễn pồn pôông - DSVH phi vật thể quốc gia cho các cán bộ văn hóa huyện, xã, thị trấn và người dân yêu thích pồn pôông tại các địa phương. Nhiều trường học đã triển khai hiệu quả việc truyền dạy các DSVH cho học sinh qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp, văn nghệ. Nhờ đó mà hầu hết người dân trên địa bàn huyện đều có ý thức và tinh thần, trách nhiệm bảo vệ và phát huy các DSVH phi vật thể. Đặc biệt, nhiều em nhỏ đã cảm nhận và thể hiện được những DSVH phi vật thể của dân tộc. Bên cạnh đó, huyện đã quan tâm, có chính sách đãi ngộ về vật chất lẫn tinh thần cho đội ngũ truyền dạy và bảo tồn DSVH phi vật thể; khen thưởng, tôn vinh những cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.

Về Ngọc Lặc, đặc biệt vào những dịp đầu xuân, ngày hội đoàn kết dân tộc hay những ngày lễ lớn của địa phương, đất nước chúng ta sẽ được hòa chung vào không khí vui tươi, nhộn nhịp của trò diễn pồn pôông. Từ những cụ già cho đến các em nhỏ đều hòa mình vào những điệu múa, trò diễn đặc trưng đã tồn tại bao đời nay trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Mường Ngọc Lặc. Đây được xem là một thành công trong việc truyền dạy các DSVH phi vật thể cho người dân, đặc biệt là truyền dạy cho thế hệ trẻ, mà không phải địa phương nào cũng làm được. Nói về việc trao truyền pồn pôông cho con cháu, nghệ nhân Phạm Thị Tắng tâm sự: Pồn pôông thể hiện chân thực phong tục, tập quán cũng như đời sống tinh thần phong phú của người dân tộc Mường. Luôn mong muốn những giá trị ấy sống mãi nên tôi đã truyền dạy cho con cháu trong gia đình, rồi trong làng và rộng hơn là toàn huyện. Người yêu thích thì cảm nhanh, người không đam mê thì “mưa dầm thấm sâu” cũng có thể hiểu và cảm nhận cái “hồn” của pồn pôông. Nhờ sự nhiệt tình và tâm huyết của những người như bà Tắng trong việc truyền dạy pồn pôông nên ngày càng có nhiều người biết và trình diễn được pồn pôông. Đặc biệt, khi có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, công tác truyền dạy được tổ chức bài bản, quy mô hơn, các giá trị văn hóa dân tộc được lan tỏa mạnh mẽ hơn. Từ đó, nhiều người đã cùng tham gia tích cực vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị của trò diễn pồn pôông. Chị Phạm Thị Nhuần (xã Cao Ngọc, Ngọc Lặc), chia sẻ, là một người con của dân tộc Mường, đam mê trò diễn pồn pôông nên tôi đã lan tỏa đam mê ấy đến với các em học sinh của tôi. Mỗi ngày một điệu múa, một câu hát, lâu dần các em học sinh đã quen thuộc, nhiều em đã tham gia trình diễn trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Không chỉ pồn pôông, cồng chiêng – một trong những loại hình nghệ thuật có mặt rất sớm trong đời sống đồng bào Mường Thanh Hóa cũng được truyền dạy hiệu quả. Về xã Quang Trung - chúng ta sẽ cảm nhận rõ được sức sống của các DSVH phi vật thể. Mỗi con người nơi đây, tìm hiểu và học cách sử dụng cồng chiêng. Bởi theo họ, biết cồng, chiêng cũng là cách để hiểu thêm về cội nguồn văn hóa của dân tộc mình. Mỗi người dân nơi đây thường tự học lẫn nhau dưới những mái nhà sàn của dân tộc mình, nhiều em nhỏ mới chỉ lên 5, lên 6 tuổi đã có thể đánh được cồng, chiêng. Vui mừng khi nhìn thấy những thế hệ trẻ đã hiểu và sử dụng được cồng, chiêng, nghệ nhân Phạm Vũ Vượng chia sẻ: Cồng chiêng gắn liền với đời sống con người, nhắc nhở mỗi con người phải tuân theo truyền thống tốt đẹp của cha ông. Việc truyền dạy các giá trị văn hóa đến các thế hệ con cháu đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền thống của dân tộc.

Truyền dạy các DSVH phi vật thể là một nhiệm vụ quan trọng góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa địa phương, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Để việc truyền dạy được duy trì bền vững và hiệu quả, thời gian tới, huyện Ngọc Lặc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn và phát huy các DSVH; tạo môi trường hoạt động lành mạnh để các DSVH phi vật thể có “đất sống”; quan tâm đến những người làm công tác truyền dạy và bảo tồn. Đưa việc truyền dạy văn hóa truyền thống cũng như truyền dạy các DSVH phi vật thể vào trong các trường học, địa phương.

Bài và ảnh: Thùy Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/huyen-ngoc-lac-quan-tam-truyen-day-van-hoa-truyen-thong/112321.htm