Huyện Mường Lát xây dựng các mô hình phát triển kinh tế

Được sự hỗ trợ về nguồn vốn, con giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đồng bào vùng cao huyện Mường Lát đã có cơ hội tiếp cận với những mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao.

Mô hình nuôi bò sinh sản giúp người dân xã Pù Nhi (Mường Lát) xóa đói, giảm nghèo.

Chị Sung Thị Lâu, bản Pù Toong, xã Pù Nhi, cho biết: Trước đây gia đình rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo của xã. Năm 2017, được UBND xã hỗ trợ một con bò giống trị giá 10 triệu đồng, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ xây dựng mô hình kinh tế vườn rừng. Đến nay, mô hình kinh tế của gia đình chị Lâu đã phát triển hiệu quả, cho thu nhập cao với 12 con bò, 200 con gà, 1 ha xoan đào, 6 sào lúa, 1 ha mía, thu nhập bình quân đạt 120 triệu đồng/năm... Không chỉ gia đình chị Lâu mà nhiều gia đình trên địa bàn xã Pù Nhi tham gia mô hình phát triển kinh tế đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Giai đoạn 2016-2020, xã Pù Nhi được các chương trình, dự án, mô hình giảm nghèo hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng để giúp người dân xây dựng các mô hình phát triển sản xuất như mô hình chăn nuôi bò, lợn, mô hình trồng cây ăn quả, trồng lúa nước... Nhờ thực hiện tốt các mô hình kinh tế, số hộ nghèo của xã năm 2017 là 700 hộ, đến cuối năm 2020 giảm còn hơn 500 hộ, trong đó khoảng 400 hộ là đồng bào Mông, thu nhập bình quân đạt 16 triệu đồng/người/năm.

Có thể thấy, từ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt được triển khai ở huyện Mường Lát đã từng bước đem lại hiệu quả thiết thực cho nhiều hộ gia đình, góp phần nâng cao đời sống của Nhân dân ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới. Bằng các nguồn vốn được phân bổ và lồng ghép các chương trình dự án khác, huyện Mường Lát đã triển khai được trên 100 mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, thu hút gần 15.000 lượt hộ dân tham gia, với tổng kinh phí đầu tư trên 72,24 tỷ đồng. Trong đó phải kể đến mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản giống địa phương theo hình thức ngân hàng; mô hình trồng cỏ kết hợp với chăn nuôi bò theo hình thức bán chăn thả, với diện tích trồng cỏ trên 100 ha; mô hình trồng dưa hấu tại xã Quang Chiểu, mang lại thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng/ha; mô hình thâm canh cây lúa lai, lúa thuần, trên tổng diện tích thực hiện cả hai vụ là 540,3 ha, năng suất bình quân đạt 65 tạ/ha...

Hay như Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mường Lát đã, đang duy trì 17 mô hình phát triển kinh tế hiệu quả; thành lập mới 3 tổ hợp tác, gồm: 2 tổ hợp tác chăn nuôi bò tại xã Pù Nhi và Mường Chanh, 1 tổ hợp tác chăn nuôi vịt tại xã Trung Lý. Ngoài ra, hội còn thực hiện tốt phong trào phụ nữ giúp nhau lúc khó khăn, hoạn nạn với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, chị em phụ nữ ở các chi hội đã giúp đỡ cho 178 hội viên với nhiều hình thức như: tiền mặt, gạo, củi, ngày công, con giống... ước tính trên 287 triệu đồng.

Thời gian tới, huyện Mường Lát tiếp tục quan tâm đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng, giao thông, thông tin liên lạc để kết nối vùng dân tộc thiểu số và miền núi với vùng phát triển nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm do Nhân dân sản xuất. Cùng với đó, giải quyết cơ bản vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, dạy nghề, tạo sinh kế cho đồng bào có thu nhập ổn định, đảm bảo đời sống một cách bền vững.

Bài và ảnh: Xuân Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/huyen-muong-lat-xay-dung-cac-mo-hinh-phat-trien-kinh-te/134499.htm