Huyện Mù Cang Chải (Yên Bái): Thay đổi tập quán canh tác

Không chỉ thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, đồng bào ở huyện Mù Cang Chải đang bỏ dần tâm lý trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của nhà nước, tập trung phát triển sản phẩm thế mạnh của địa phương. Những điều đó nhờ vào sự khích lệ từ phong trào thi đua xây dựng NTM.

Giai đoạn 2016 – 2020, tổng các nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM của huyện Mù Cang Chải trên 4.000 tỷ đồng; trong đó, vốn từ ngân sách đầu tư trực tiếp trên 3,75%; vốn lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội 23,25%; vốn xã hội hóa và đóng góp của nhân dân gần 73%.

 Đời sống của nhiều hộ gia đình ngày càng ấm no

Đời sống của nhiều hộ gia đình ngày càng ấm no

Từ các nguồn vốn này, căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, huyện đã đầu tư toàn diện, trọng tâm vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xem đây là yếu tố quan trọng để giải quyết các tiêu chí thu nhập và hộ nghèo trong quá trình xây dựng NTM.Theo đó, Mù Cang Chải đã thực hiện nhiều đề án phục vụ nông nghiệp, như: Quản lý cây thảo quả, cây sơn tra gắn với phát triển kinh tế đồi rừng; phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa; phát triển nuôi trồng thủy sản; triển khai chương trình OCOP…

Báo cáo tại Đại hội Đảng bộ huyện Mù Cang Chải mới đây cho thấy: Đến giữa năm 2020, Mù Cang Chải đã xây dựng được 35 mô hình về phát triển nông nghiệp (20 mô hình trồng trọt, 15 mô hình chăn nuôi); hướng dẫn kỹ thuật canh tác trực tiếp ngoài đồng ruộng cho 52.500 lượt nông dân...

Bên cạnh đó, với nguồn kinh phí 1,7 tỷ đồng, 5 năm qua, huyện đã triển khai ứng dụng 6 đề tài khoa học, bao gồm: Xác lập quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận Mù Cang Chải cho sản phẩm quả sơn tra; xây dựng mô hình trồng rừng phòng hộ bằng loại cây lâm nghiệp bản địa; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình trồng cây Atiso tại xã La Pán Tẩn; thâm canh cây su su lấy ngọn tại xã Chế Cu Nha và thị trấn Mù Cang Chải; nuôi giống thỏ NewZealand tại xã Khao Mang và Hồ Bốn; nghiên cứu, chế tạo hệ thống sấy nông sản quy mô hộ gia đình, sử dụng nhiên liệu sẵn có ở địa phương...

Sau khi triển khai vào thực tế, các đề tài trên đã góp phần xây dựng được nhãn hiệu, tạo dựng thương hiệu cho nhiều sản phẩm nông sản của Mù Cang Chải, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường. Thêm vào đó, từ việc tham gia các mô hình, người nông dân đều đã nhận thấy được những ích lợi lớn mà khoa học - công nghệ mang lại so với sản xuất truyền thống trước đây.

Điều đáng nói, sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, huyện đã thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư nuôi trồng, chế biến nông, lâm sản; một số giống cây trồng mới đưa vào thử nghiệm đạt kết quả tốt như: Cây cải dầu, lúa mì, lê Đài Loan, sơn tra ghép, hồng giòn, hoa hồng... Lần đầu tiên, Mù Cang Chải hoàn thành việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm nông nghiệp và một số chuỗi liên kết giá trị theo hướng sản xuất hàng hóa của địa phương như: Sơn tra, mật ong, gà đen Mù Cang Chải... đưa giá trị sản xuất toàn ngành năm 2020 ước đạt 566 tỷ đồng, tăng 54% so với 2015. Đây cũng là nền tảng cơ bản để tháo gỡ khó khăn khi thực hiện các tiêu chí “thu nhập, hộ nghèo” – vốn là gánh nặng của địa phương trong xây dựng NTM.

Hết năm 2019, Mù Cang Chải có 1 xã đạt 12 tiêu chí NTM (Nậm Khắt), 4 xã đạt 10 tiêu chí, 2 xã đạt 9 tiêu chí, 3 xã đạt 8 tiêu chí, 3 xã đạt 6 tiêu chí.

Hoàng Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/huyen-mu-cang-chai-yen-bai-thay-doi-tap-quan-canh-tac-146767.html