Huyện miền núi biên giới đầu tiên về đích nông thôn mới

Từ một huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới (XD NTM), huyện Vũ Quang đã trở thành huyện miền núi biên giới đầu tiên của cả nước về đích NTM. Yếu tố nào đã làm nên 'sức bật' cho miền sơn cước phía Tây tỉnh Hà Tĩnh này?

“Lấy sức dân để làm lợi cho dân”

10 năm trước, nói tới chuyện XD NTM ở huyện Vũ Quang không ít người cho là ý tưởng hão huyền. Bởi lẽ khi ấy, số tiêu chí bình quân XD NTM ở đây của Vũ Quang mới chỉ đạt 2,1 tiêu chí/xã, cả huyện không có xã đạt trên 4 tiêu chí; tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 45%. Từ vùng thượng đến vùng hạ của Vũ Quang đều có xuất phát điểm thấp như nhau. Chưa kể lũ lụt, hạn hán thường xuyên xảy ra ở vùng đất lắm sông, nhiều suối, địa hình chia cắt này.

Lãnh đạo, các cấp, các ngành ở Vũ Quang khi đó hiểu rõ được những trở ngại đặt ra trong quá trình XD NTM, khi mà các tiêu chí cần thực hiện nhiều, nhu cầu đầu tư lớn trong khi việc huy động nguồn lực, thu ngân sách huyện khó khăn, nguồn ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp cho chương trình lại hạn chế.

Cây cam bù đang mang lại thu nhập tốt cho nhiều hộ dân ở nông thôn huyện Vũ Quang

Cây cam bù đang mang lại thu nhập tốt cho nhiều hộ dân ở nông thôn huyện Vũ Quang

Tuy nhiên, với nhận thức: XD NTM chính là cơ hội để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; là sức bật tạo nên diện mạo mới cho quê hương…, Vũ Quang đã quyết tâm bắt tay vào XD NTM theo chiều sâu và hướng đến sự bền vững; đồng thời xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của XD NTM, chú trọng phát huy nội lực “lấy sức dân để làm lợi cho dân”; tạo hứng khởi và niềm tin cho nhân dân bằng cách: mọi công việc đều được đưa ra bàn bạc, lấy ý kiến theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Với cách làm này, từ chỗ hiểu rõ quyền lợi được hưởng, người dân đã bảo nhau thực hiện trách nhiệm trong việc đóng góp ngày công, tiền của, hiến đất, hiến cây để xây dựng NTM. Nếu như năm 2011, toàn huyện Vũ Quang mới có 237km đường giao thông và đường nội đồng được cứng hóa; thì đến nay, Vũ Quang đã xây dựng được 908 tuyến đường giao thông đạt chuẩn với tổng chiều dài gần 600 km được cứng hóa… Nhiều người con xa quê lâu năm nay trở về, không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến hệ thống điện lưới quốc gia, trường học, trạm y tế khang trang, kiên cố; cây xanh, rãnh thoát nước, biển báo an toàn giao thông được xây dựng đồng bộ trên các tuyến đường…

Sức sống mới từ các mô hình sản xuất hiệu quả

Nếu như hệ thống đường giao thông được xem là yếu tố tạo nên “diện mạo mới” của Vũ Quang trong XD NTM, thì những đổi mới trong sản xuất nông nghiệp lại chính là yếu tố cơ bản để làm nên “sức sống mới” cho địa phương này. Với nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi, trồng cây ăn quả, phát triển doanh nghiệp… đến nay, Vũ Quang đã quy hoạch 35 vùng sản xuất tập trung tại các xã với diện tích 1.178 héc-ta, có 13/35 vùng đã được đầu tư kết cấu hạ tầng và đang đi vào hoạt động hiệu quả. Ngay cả những vùng đồi đất heo hút năm nào, nay cũng đã được phủ xanh bởi cam chanh, cam bù, chè và các giống bưởi quý…

Từ một huyện thuần nông, sau 10 năm xây dựng NTM, Vũ Quang đã thành lập được 65 HTX, 78 Doanh nghiệp, 161 Tổ hợp tác chăn nuôi lợn, nuôi ong, trồng cam sản xuất theo VietGap liên kết với doanh nghiệp. Xây dựng được 1.845 mô hình sản xuất các loại cho doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên (bình quân hơn 18 mô hình/xã); trong đó: 83 mô hình quy mô lớn cho doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm, 151 mô hình quy mô vừa cho doanh thu từ 500 đến dưới 1 tỷ đồng và 1.611 mô hình quy mô nhỏ cho doanh thu từ 100 - 500 triệu đồng/năm. Điển hình như mô hình liên kết chăn nuôi lợn nái tại các xã Ân Phú, Hương Minh; mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm tại các xã Đức Hương, Quang Thọ, Hương Minh; mô hình trồng cây ăn quả tại các xã Đức Bồng, Đức Lĩnh, Thọ Điền...

Sau 10 năm xây dựng NTM, nhìn lại, chính quyền và nhân dân huyện Vũ Quang tự hào với con số: 9/9 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, có 54/73 khu dân cư đạt chuẩn khu dân cư kiểu mẫu, 1.000 vườn mẫu đạt chuẩn. Thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn cuối năm 2020 đạt 39,68 triệu đồng/người, tăng gần 4,4 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo chung giảm từ 45,85% năm 2010 xuống còn 4,64%.

Tú Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/huyen-mien-nui-bien-gioi-dau-tien-ve-dich-nong-thon-moi-154835.html