Huyện Lang Chánh phát triển lâm nghiệp gắn với chế biến

Để khuyến khích, đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, nhất là nghề chế biến gỗ, huyện Lang Chánh đã chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển, tạo việc làm cho người lao động.

Sản xuất thanh nan tại HTX chế biến lâm sản Lang Chánh.

Chị Nguyễn Thị Chinh, chủ cơ sở chế biến ở thôn Poong, xã Giao Thiện, cho biết: Để tận dụng lợi thế vùng nguyên liệu của địa phương, năm 2015, gia đình chị mở cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản. Hiện nay, trung bình mỗi ngày xưởng của gia đình chị sơ chế khoảng 10m3 gỗ. Nguồn nguyên liệu chủ yếu được cung cấp từ các hộ gia đình trồng rừng trên địa bàn xã và một số địa phương trong tỉnh. Hiện cơ sở chế biến lâm sản của gia đình chị đang tạo việc làm cho gần 20 lao động, thu nhập 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Huyện Lang Chánh hiện có 50.000 ha diện tích rừng, thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, huyện đã khuyến khích người dân đầu tư thâm canh tăng năng suất, nâng cao hiệu quả sử dụng rừng. Đồng thời, thực hiện phong trào phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, các tổ chức và bà con nông dân toàn huyện đã trồng mới 1.450 ha rừng tập trung; trồng lại rừng sau khai thác hơn 2.988 ha. Huyện cũng phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng các mô hình sinh kế hỗ trợ cho người dân, giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững, trong đó có thể kể đến mô hình thâm canh 40 ha cây vầu đắng đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, được thực hiện tại xã Yên Khương.

Việc phát triển chế biến gỗ luôn được huyện quan tâm, hiện trên địa bàn có 13 cơ sở đang sản xuất, chế biến lâm sản, các sản phẩm chủ yếu là vàng mã, tăm xiên, đũa ăn, dăm gỗ keo, gỗ xẻ, ván sàn. Các cơ sở sản xuất này đang tạo việc làm cho 300-350 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn với công suất chế biến ước đạt từ 400-600m3/ngày, như: HTX chế biến lâm sản Lang Chánh, Công ty CP Lâm sản Lang Chánh; Công ty TNHH Sản xuất thương mại Tuấn Vinh... Bên cạnh đó, những năm gần đây, tỷ lệ các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ xẻ, gỗ thanh cũng phát triển mạnh với các sản phẩm chế biến chủ yếu, như: Dăm mảnh, ván bóc, ván xẻ, ván thanh, chế tác và kinh doanh đồ mộc gia dụng. Các sản phẩm sau chế biến được tiêu thụ ở thị trường trong, ngoài tỉnh và xuất sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, nghề mộc cũng được huyện quan tâm duy trì, phát triển. Cùng với tiêu thụ nguồn nguyên vật liệu tại chỗ, các cơ sở, doanh nghiệp còn thu mua lâm sản từ các địa bàn lân cận để sản xuất. 3 tháng đầu năm 2020, giá trị sản xuất lâm nghiệp huyện Lang Chánh đạt 150 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ.

Thực tế cho thấy, việc trồng rừng sản xuất ở huyện Lang Chánh mới chủ yếu tập trung vào cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy giấy, băm dăm, ván bóc, chưa phát triển trồng rừng gỗ lớn phục vụ chế biến hàng xuất khẩu và đa dạng hóa sản phẩm từ gỗ rừng trồng. Vì vậy, giá trị kinh tế của rừng trồng thấp, phụ thuộc rất nhiều vào giá thu mua nguyên liệu. Phần lớn các cơ sở chế biến trên địa bàn huyện có quy mô nhỏ; công nghệ, thiết bị phục vụ sản xuất lạc hậu, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Thời gian tới, huyện Lang Chánh tập trung phát triển vùng nguyên liệu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của nghề chế biến gỗ. Đồng thời, khuyến khích các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; chủ động thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ khuyến công, hỗ trợ nghề mộc truyền thống, tiêu thụ sản phẩm sau chế biến...

Bài và ảnh: Minh Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/huyen-lang-chanh-phat-trien-lam-nghiep-gan-voi-che-bien/117425.htm