Huyện IaPa- Gia Lai: Nhiều sai phạm trong Đấu thầu các Dự án! (Kỳ 1)

Huyện IaPa là huyện nghèo của tỉnh Gia Lai được Trung ương hỗ trợ ngân sách, cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững và Quyết định số 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều dấu hiệu sai phạm?!

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp (DN) ngành xây dựng trên địa bàn huyện IaPa, Ban Quản lý Dự án (QLDA) của huyện IaPa đã có nhiều khuất tất, kể cả sai phạm Luật Đấu thầu và Nghị định của Chính phủ về đấu thầu các dự án.

Cụ thể: cùng một công trình “bổ sung nhà ở cho Tiểu đội dân quân thường trực xã Ia Broắc” nhưng Ban QLDA IaPa đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu trên hệ thống nhiều lần (ngày 8/4/2018; 12/4/2018;3/5/2018). Điều này sai Luật Đấu thầu và Nghị định hướng dẫn của Chính phủ.

Tại gói thầu xây lắp “kiên cố hóa kênh nội đồng TBĐ Chư Mố 2, xã Chư Mố” có giá gói thầu trên 2,5 tỉ đồng thì Ban QLDA yêu cầu DN tham dự thầu trong hồ sơ phải có 1 chỉ huy trưởng và 1 kỹ thuật. Trong khi gói thầu “kiên cố hóa kênh nội đồng, sửa chữa kênh chính TBĐ Plei Toan, xã Ia Kđăm chỉ có giá trên 1,5 tỉ thì lại yêu cầu nhà thầu phải có 2 kỹ thuật.

Theo Chỉ thị 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì việc mở thầu phải mời các cơ quan thông tấn báo chí, cộng đồng dân cư trong khu vực tham gia để tăng cường tính minh bạch và giám sát của cộng đồng. Phải thành lập Tổ tư vấn đấu thầu… Thế nhưng Ban QLDA huyện IaPa không làm điều này. Thậm chí các nhà thầu tham gia mở thầu chỉ được nghe đọc chứ không được xem và ký chéo Thư giảm giá của các nhà thầu còn lại.

Chưa hết, Bộ Xây dựng quy định: cá nhân có độ tuổi trên 70 nếu đáp ứng được điều kiện năng lực thì được xem xét cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng. Thế nhưng Ban QLDA IaPa lại quy định: số tuổi của toàn bộ nhân sự tham gia đấu thầu không được dưới 18 và không được quá 60. Cũng theo phản ảnh của các DN thì ông Hoàng Hồng Tú, Phó GĐ Ban QLDA không có chứng chỉ hành nghề đấu thầu.

Việc tổ chức đấu thầu các Dự án qua mạng cũng có nhiều khuất tất và lắt léo. Cụ thể là trên Webform hệ thống thì: Hiệu lực Hồ sơ dự thầu 70 ngày, hiệu lực bảo lãnh dự thầu 100 ngày, giá trị dành cho nhà thầu phụ 10%, nguồn tài chính để thực hiện gói thầu 757 triệu đồng. Thế nhưng trong hồ sơ gửi cho các DN dự thầu thì lại yêu cầu: Hiệu lực Hồ sơ dự thầu 40 ngày, hiệu lực bảo lãnh dự thầu 70 ngày, giá trị dành cho nhà thầu phụ không áp dụng, nguồn tài chính để thực hiện gói thầu 760 triệu đồng. Có Dự án thời gia thông báo mời thầu là 18g30 ngày 4/5/2018 (thứ 6); thời điểm đóng thầu dự án 18g30 phút ngày 11/5/2018 (cũng thứ 6). Trong khi đấu thầu qua mạng thì bắt buộc bảo lãnh dự thầu không được nộp tiền mặt mà phải đặt cọc bằng séc.

Như vậy là làm khó các DN vừa và nhỏ ngành xây dựng trong huyện vì làm Chứng thư bảo lãnh dự thầu, cam kết tín dụng ở ngân hàng phải có thời gian trong khi thứ 7 và CN ngân hàng nghỉ. DN làm sao làm kịp? Theo các DN, với thời gian thông báo mời thầu, đóng thầu như vậy nếu DN không biết thông báo mời thầu, không làm kịp hồ sơ thì mất cơ hội. Có thể Dự án sẽ lọt vào các DN “người nhà” của Ban QLDA. Trong khi đó các DN ngành XD trên địa bàn đủ năng lực để thực hiện các dự án ở huyện IaPa nhưng không có dự án để làm do việc gây khó khăn của Ban QLDA.

Đến Dự án sai mục đích và nguồn vốn Chính phủ

Được biết vào năm 2017, UBND huyện IaPa thực hiện Dự án xây dựng trạm cấp nước tập trung thôn Hbel 2, xã Ia Kdăm với kinh phí trên 3 tỉ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương. Nhưng sau đó huyện lại thực hiện Dự án này ở làng Plei Toan, xã Ia Kdăm trong khi làng này không cần trạm cấp nước vì đã có giếng khoan?! DN thi công và người dân thắc mắc, phản ảnh việc Dự án làm sai địa điểm, không hiệu quả, lãng phí ngân sách Nhà nước… nhưng UBND huyện, Ban QLDA huyện vẫn “im lặng” thực hiện và các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai vẫn không có kiểm tra, xử lý.

Năm 2018, UBND huyện IaPa đấu thầu Dự án cải tạo công trình thu nước sinh hoạt thị trấn Ia Pa, huyện Ia Pa (hạng mục Mạng đường ống đến các hộ gia đình với chiều dài tuyến L= 11km) với kinh phí 2,8 tỉ đồng cũng từ ngân sách hỗ trợ có mục tiêu của Trung ương được UBND tỉnh Gia Lai phân bổ cho Dự án theo QĐ số 09/QĐ-UBND ngày 9/1/2018 . Và tại Dự án này, sai phạm tiếp tục xảy ra…

Cụ thể, Dự án là cải tạo công trình thu nước sinh hoạt tại thị trấn IaPa đúng ra phải làm tại làng Blôm, xã Kim Tân, Thị trấn IaPa nhưng UBND huyện IaPa lại đem đầu tư dự án mạng đường ống cấp nước sinh hoạt cho thôn Đăkchă Hlil, xã IaMarơn không liên quan gì đến thị trấn?!

Nghiêm trọng hơn, UBND huyện đã sử dụng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu theo QĐ số 239/QĐ-TTg cho Dự án là sai phạm về quản lý và sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Sai phạm là vậy nhưng lạ một điều là từ khi UBND huyện IaPa tiến hành lập Dự án, mời thầu, cho đấu thầu, sắp triển khai thực hiện… thì Sở KHĐT Gia Lai không có ý kiến gì. Đến khi có phản ảnh về sai phạm của Dự án thì Sở KHĐT tỉnh Gia Lai mới có văn bản 1711/SKHĐT-TTr ngày 18/10/2018 với nội dung: UBND huyện IaPa thực hiện thủ tục điều chỉnh tên danh mục dự án đầu tư, mục tiêu, qui mô năng lực thiết kề, địa điểm đầu tư dự án là chưa phù hợp. Do vậy việc bố trí nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu theo QĐ số 293/ QĐ-Ttg cho Dự án này là không đúng qui định (không nói là sai phạm –PV). Dù UBND huyện IaPa sai phạm nhưng vậy nhưng Sở KHĐT Gia Lai “cứu cánh” cho việc đã rồi và sai phạm của UBND huyện IaPa bằng cách “tuy nhiên xét sự cần thiết và hiệu quả của Dự án này nhằm giải quyết khó khăn về nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn huyện” nên đề nghị huyện IaPa lấy ngân sách huyện để thực hiện Dự án.

Giải thích cho việc sai phạm này, ông Nguyễn Thế Hùng – Chủ tịch UBND huyện Ia Pa cho rằng: "Đề án đã được duyệt từ năm 2013 nên nguồn thu nước từ 2013 đến nay đã được sửa chữa nâng cấp. Năm 2017, tỉnh đã đầu tư hệ thống nước từ hồ Ayun hạ về Trung tâm huyện và một số xã lân cận. Cho nên nếu đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hệ thống thu nước tại Thôn Blôm, xã Kim Tân, Thị trấn IaPa theo QĐ 600/QĐ-UBND ngày 30/10/2013 của UBND tỉnh Gia Lai về cho phép thực hiện Dự án này là không cần thiết nữa và rất lãng phí?".

Chúng tôi thấy đầu tư xây dựng Dự án này ở thôn Đăkchă Hlil, xã IaMarơn nhằm đấu nối vào hệ thống nước mà tỉnh đã làm là cần thiết hơn cho người dân ở đây! Do Dự án này sai địa điểm, mục đích và sai về sử dụng nguồn vốn Ngân sách nên Sở KHĐT đã không cho thực hiện Dự án. Năm 2019 này chúng tôi sẽ chỉnh sửa những sai sót để tiếp tục thực hiện dự án.

Nếu đầu tư Dự án ở thôn Đăkchă Hlil, xã IaMarơn “hiệu quả, cần thiết” hơn ở Thôn Blôm, xã Kim Tân, Thị trấn IaPa thì tại sao UBND huyện IaPa không báo cáo Sở KHĐT, UBND tỉnh xin điều chỉnh dự án mà chỉ căn cứ vào “suy luận” của mình mà thay đổi toàn bộ thiết kế, địa điểm đầu tư, tên dự án, mục tiêu và sử dụng sai mục đích tiền ngân sách Nhà nước dành cho mục tiêu giảm nghèo?! Và tại sao trong Văn bản 1711/SKHĐT-TTr ngày 18/10/2018 của Sở KHĐT Gia Lai mặc dù kết luận UBND huyện IaPa đã sai phạm khi thực hiện Dự án nhưng vẫn cho lấy ngân sách huyện để tiếp tục thực hiện? Chưa hết, Văn bản cũng không đề cập đến việc xử lý các tổ chức, cá nhân sử dụng sai nguồn vốn Chính phủ và sai mục đích, địa điểm, mục tiêu thực hiện? Câu trả lời xin nhường cho Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Gia Lai.

Hải Nguyễn- Ngọc Lý

Nguồn TH&PL: http://thuonghieuvaphapluat.vn/huyen-iapa-gia-lai-ky-1-nhieu-sai-pham-trong-dau-thau-cac-du-an-o-huyen-d20931.html