Huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi của Tp.HCM là điểm đến mới cho nhà đầu tư

Tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư, các doanh nghiệp đều phấn khởi trước quy hoạch phát triển của Tp.HCM.

Tầm nhìn chiến lược, phát triển toàn diện

Ngày 12/4 tại Tp.HCM đã diễn ra hội nghị Xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi năm 2022 do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Thông qua hội nghị, Tp.HCM mời gọi đầu tư cho 48 dự án vào huyện Hóc Môn và Củ Chi với tổng vốn đầu tư dự kiến là 9,415 tỷ USD (tương đương 216,537 nghìn tỷ đồng). Trong đó, 12 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông – kỹ thuật có tổng vốn đầu tư mời gọi lên tới 9,302 tỷ USD, tương đương 213,942 nghìn tỷ đồng.

Có 12 dự án chỉnh trang đô thị với tổng vốn đầu tư 33 triệu USD, tương đương 750 tỷ đồng; 3 dự án công nghiệp; 15 dự án nông nghiệp; 2 dự án thương mại – dịch vụ với tổng mức đầu tư 80 triệu USD, tương đương 1.845 tỷ đồng và cuối cùng là 4 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục – văn hóa – thể thao.

Nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn bày tỏ tin tưởng vào quy hoạch phát triển kinh tế tại khu vực Tây Bắc của Tp.HCM thông qua hội nghị xúc tiến đầu tư.

Nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn bày tỏ tin tưởng vào quy hoạch phát triển kinh tế tại khu vực Tây Bắc của Tp.HCM thông qua hội nghị xúc tiến đầu tư.

Phát biểu tại hội nghị, ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam cho biết, tại 2 huyện này của Tp.HCM, doanh nghiệp dự kiến sẽ phát triển mô hình kinh doanh bán lẻ phù hợp với nhu cầu người dân và điều kiện thực tế của từng địa phương với mong muốn thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế xã hội bền vững, thúc đẩy kết nối và tiêu thụ hàng hóa tại địa phương, phát triển các dịch vụ thương mại văn minh và hiện đại cho các khu dân cư, đóng góp vào ngân sách địa phương.

Ông Jun Sung Ho, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc điều hành Lotte Properties Tp.HCM cho biết, doanh nghiệp không ngừng tìm kiếm các dự án phát triển hỗn hợp để đầu tư vào các khu đô thị trọng điểm là Hà Nội và Tp.HCM như Lotte Eco Smart City tại Thủ Thiêm.

Đại diện cho CMIA Capital Partner và Surbana Jurong, ông Ken Chan thông tin về dự án Đô thị sinh thái Nông nghiệp Thực phẩm Công nghệ cao tại xã Trung An, huyện Củ Chi.

Đây là dự án đã được nhà đầu tư nghiên cứu khảo sát từ năm 2018 với diện tích 1.018,76 ha. Mục tiêu của dự án là hình thành một khu đô thị sinh thái nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản thực phẩm (300ha); khu logistic, kết nối vùng (Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai) nguyên vật liệu chế biến nông nghiệp - thực phẩm khép kín.

“Khu đô thị sinh thái gần gũi thiên nhiên, cân bằng sinh thái, đáp ứng mức dân số 100.000 người là các chuyên gia, công nhân lao động, dịch vụ thương mại và dân cư trong vùng sẽ tạo ra doanh thu mỗi năm khoảng 2 tỷ USD và tạo việc làm ổn định cho hơn 50.000 lao động”, ông Ken Chan nói.

Hoạt động trong lĩnh vực xử lý gia nhiệt trái cây tươi bằng công nghệ nhập khẩu 100% từ Nhật Bản và chế biến các sản phẩm từ trái cây bằng dây chuyền công nghệ từ châu Âu, Công ty Goodlife Holdings, thành viên của TLK Group đến từ Nhật Bản đã đầu tư vào Khu Nông nghiệp Công nghệ Cao Tp.HCM với số vốn 5 triệu USD từ năm 2009.

Hiện nay doanh thu của công ty vào khoảng 5 triệu USD mỗi năm và thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Hoa Kỳ và châu Âu. Dự kiến doanh thu sẽ đạt khoảng 10 triệu USD vào năm 2023 sau khi nhà máy chế biến trái cây chính thức đi vào hoạt động. Không những vậy, công ty còn kỳ vọng doanh thu sẽ tăng gấp từ 5 – 10 lần nếu Goodlife mở rộng quy mô hoạt động sản xuất.

Hiện nay, công ty đang có kế hoạch đầu tư thêm 5 triệu USD để xây dựng mở rộng nhà máy chế biến sản xuất các sản phẩm từ trái cây, góp phần đưa các sản phẩm từ nông sản của Việt Nam ra thế giới, cũng như tạo thêm việc làm cho người dân địa phương, góp phần vào sự phát triển chung của huyện Củ Chi và Tp.HCM.

Tìm động lực mới cho sự phát triển

Để phát huy có hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế và đạt kết quả cao nhất về phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương có liên quan thực hiện tốt một số công việc trọng tâm.

Đầu tiên là huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực Nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiện đại.

Trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế.

Tiếp đến là cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02 của Chính phủ, trọng tâm là tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn, huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn tiếp tục phát huy bản lĩnh anh hùng, quyết tâm xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xứng đáng với tiềm năng, nguồn lực sẵn có.

Công tác nghiên cứu, xây dựng và có chính sách mới, đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi để huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi bứt phá đi lên; phát huy vai trò tạo động lực, sức lan tỏa tích cực của các dự án lớn, để đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, năng lượng sạch, phát triển dịch vụ logicstic, nông nghiệp công nghệ cao….cũng được Chủ tịch nước giao nhiệm vụ cho địa phương.

Bên cạnh đó, việc định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, có tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật để phát huy lợi thế nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp đầu tư,…là rất quan trong. Vì thế, các địa phương cần phải đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân; thúc đẩy khởi nghiệp.

Cuối cùng là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; đổi mới tác phong lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển; cương quyết chống tiêu cực, tham nhũng,…, tích cực hội nhập quốc tế.

Lãnh đạo cần trực tiếp chỉ đạo công tác thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tiếp xúc với các nhà đầu tư, thu hút các nhà đầu tư lớn, phát triển phong trào khởi nghiệp, xây dựng một số doanh nghiệp tư nhân tầm cỡ tại địa phương.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, nhiệm vụ đặt ra với huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi trong thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm, trách nhiệm cao và sự vào cuộc, đồng hành của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.

Do đó, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi tiếp tục phát huy những thành tích, kết quả đã đạt được, khắc phục hạn chế, khó khăn, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển.

Các địa phương này cần nghiên cứu, có những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi nhằm huy động cao nhất các nguồn lực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tranh thủ có hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ của các nhà tài trợ, nhà đầu tư trong và ngoài nước để tăng tốc phát triển.

Nguyễn Thành Nhân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/huyen-hoc-mon-huyen-cu-chi-cua-tp-hcm-la-diem-den-moi-cho-nha-dau-tu-a549531.html