Huyện Hoài Đức chỉ đạo xử lý nghiêm đổ phế thải trên đất nông nghiệp ở xã Lại Yên

Đất nông nghiệp bị san lấp, lấn chiếm, rồi thành nơi đổ phế thải. Đất, phế thải xây dựng đổ xuống sau đó được san gạt lấy mặt bằng dựng nhà xưởng chế biến gỗ, bãi vật liệu xây dựng… Đó là tình trạng đã và đang diễn ra tại địa bàn xã Lại Yên, huyện Hoài Đức.

Đất nông nghiệp sử dụng sai mục đích

Theo phản ánh của người dân sinh sống tại xã Lại Yên, huyện Hoài Đức (Hà Nội) gửi đến báo Kinh tế & Đô thị: Trong mấy năm trở lại đây, một diện tích đất nông nghiệp tại khu vực giáp với đường liên xã (khu Đồng Lầu) hiện đã biến thành nơi đổ phế thải xây dựng, xưởng gỗ gây ô nhiễm môi trường.

 Người dân bức xúc về tình trạng đổ đất phế thải trên đất nông nghiệp. (ảnh: Gia Huy).

Người dân bức xúc về tình trạng đổ đất phế thải trên đất nông nghiệp. (ảnh: Gia Huy).

Được biết, diện tích khu đất này trước đây là cánh đồng canh tác nông nghiệp của người dân xã Lại Yên, qua thời gian đã để hoang hóa. Gần đây, một số đối tượng lợi dụng buổi đêm, đã chở phế thải xây dựng, rác thải đổ tràn lan trên các thửa ruộng. Qua nhiều tháng, những đống rác, phế thải sau nhiều ngày chất thành từng đống.

Một người dân xóm 2 (xã Lại Yên) bức xúc: “Đất ruộng bỏ hoang, không canh tác nhưng nếu biến nơi đây thành bãi đổ rác, phế thải thì không chấp nhận được. Có hôm đêm tối, mấy xe tải trọng tải hàng chục tấn ùn ùn ra đổ bùn. Khi một số cư dân phản ứng thì lái xe bỏ đi”. Cũng theo người dân địa phương, sau khi một số đối tượng đổ xong, mùi từ bùn, rác hôi thối bốc lên làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Hơn thế, con đường liên xã bùn, đất bẩn vương vãi khiến bụi mù mịt.

Đổ phế thải rồi san lấp mặt bằng tại Đồng Lầu, xã Lại Yên. (ảnh: Gia Huy).

Ghi nhận của phóng viên, ngoài diện tích khoảng 200m2 đang bị phế thải san lấp, một phần đã được máy san phẳng; Chạy dọc theo đường liên xã đường Đồng Lầu, có rất nhiều khoảng đất nông nghiệp đã bị phế thải xây dựng đổ trùm lên “biến” thành nơi tập kết vật liệu xây dựng. Trên đó, hộ kinh doanh chất cả núi cát, đá, sỏi… Ông Nguyễn Văn C. (người dân xóm 2) cho biết, khoảng hơn 1 năm nay, khu vực diện tích đất ngay sát con đường bị một cá nhân ở địa phương chiếm dụng làm bãi vật liệu xây dựng. Một mảnh đất diện tích trước đó còn biến tướng thành nhà hàng nhưng hiện nay đã tháo dỡ.

Những bãi vật liệu 'mọc' lên. (ảnh: Đạt Lê).

Điều đáng nói, tình trạng sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích tại đây cũng diễn ra từ lâu. Chạy dọc theo đường liên xã (xóm 2) còn có một số nhà cấp 4, xưởng gỗ mọc lên. Cùng với đó, hàng ngày máy cưa, máy xẻ hoạt động của xưởng gỗ gây tiếng ồn, bụi bặm ô nhiễm nghiêm trọng.

Trước tình trạng hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp bị sử dụng sai mục đích, biến tướng thành nhà xưởng, bãi vật liệu, nơi đổ phế thải… người dân đã có ý kiến lên UBND xã Lại Yên nhưng đến nay vẫn chưa bị xử lý?

Xã buông lỏng quản lý?

Để làm rõ những thông tin phản ánh của người dân, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã đặt lịch làm việc với UBND xã Lại Yên. Tuy nhiên, qua nhiều ngày, phía đơn vị này cũng không phản hồi. Sau đó, phóng viên có liên hệ qua điện thoại với vị Chủ tịch xã này cho biết, có giao lại việc cho ông ông Nguyễn Ngọc Đức – Phó Chủ tịch UBND xã Lại Yên. Tại buổi làm việc, vị Phó Chủ tịch xã thừa nhận có việc diện tích lớn đất nông nghiệp sử dụng sai mục đích.

Theo lý giải của ông Nguyễn Ngọc Đức, tại khu Đồng Lầu vốn là đất trồng lúa của người dân được giao theo Nghị Định 64. Tuy nhiên, do khu vực này ruộng sâu nên không thể canh tác được. Ruộng bỏ hoang hóa nhiều năm. Một số, hộ đã san lấp làm xưởng gỗ từ năm 2012. Còn bãi vật liệu, xã đã nắm được là của một người dân ở địa bàn.

Người dân bức xúc cho rằng, những bãi vật liệu gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Gia Huy).

Phóng viên đặt câu hỏi: Có tới hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp, bị lấn chiếm làm bãi vật liệu, xưởng gỗ sử dụng sai mục đích nhiều năm qua, xã đã lập biên bản, tháo dỡ xử phạt trường hợp nào chưa? Công tác quản lý của chính quyền địa phương ở đâu? Vị Phó chủ tịch xã Lại Yên nói: “Về những vi phạm, bãi vật liệu xây dựng, xưởng gỗ đến nay xã cũng chưa lập biên bản và xử lý trường hợp nào. Các đồng chí phóng viên thông tin thì xã xin tiếp thu và sẽ có hướng xử lý…”.

Tiếp tục đề cập về việc hàng trăm m2 đất ruộng đã và đang bị biến thành bãi đổ phế thải, bùn đất, rác… ở khu vực cuối đường (khu Đồng Lầu) ông Nguyễn Ngọc Đức cho rằng, trước đây công an xã có nhận được tin báo của dân về việc đổ trộm phế thải. Nhưng sau đó, xe tải bỏ chạy không bắt quả tang nên không xử lý được (?!).

Xưởng gỗ trên đất nông nghiệp gây ô nhiễm từ nhiều năm nhưng không bị xử lý? (ảnh: Gia Huy).

Khi phóng viên tiếp tục đưa ra hình ảnh mới về hàng chục đống bùn đất, phế thải mới đổ so sánh với hình ảnh trước đó khoảng nửa tháng cho vị Phó chủ tịch xem. Ông Đức nhận trách nhiệm và khẳng định “Chúng tôi sẽ mời các hộ có ruộng lên làm việc, tôi sẽ giao cho cán bộ lập biên bản, xử lý các bãi vật liệu, xưởng mộc... Yêu cầu các hộ khắc phục trở lại hiện trạng ban đầu”…

Liên quan đến các vi phạm nói trên, lãnh đạo huyện Hoài Đức cho biết sẽ cho xác minh và chỉ đạo xử lý nghiêm.

Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Đạt Lê - Gia Huy

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/huyen-hoai-duc-chi-dao-xu-ly-nghiem-do-phe-thai-tren-dat-nong-nghiep-o-xa-lai-yen-325573.html