Huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng: Đưa lịch sử địa phương vào chương trình học

Lịch sử địa phương và một bộ phận cấu thành lịch sử dân tộc. Dạy và học lịch sử địa phương không chỉ giúp học sinh hiểu về mảnh đất, con người nơi mình sinh ra và lớn lên, mà còn là cách giúp học sinh nhận thức sâu sắc thêm lịch sử dân tộc để hun đúc niềm tự hào, truyền thống anh hùng của quê hương.

Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh (xã Hòa Khương) tổ chức cho học sinh tri ân tại Lăng mộ cụ Đỗ.

Là ngôi trường được vinh dự mang tên vị Tiến sĩ đầu tiên và duy nhất của H. Hòa Vang (dưới thời triều Nguyễn) nên Ban giám hiệu Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh (xã Hòa Khương) chú trọng giáo dục cho học sinh tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của cụ Đỗ. Ngoài hình thức lựa chọn những mẩu chuyện thường ngày của cụ để thuyết minh dưới cờ, các giáo viên chủ nhiệm còn truyền đạt thêm cho các em những dấu mốc lịch sử gắn liền với quá trình chống thực dân Pháp của cụ. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức cho học sinh đến chăm sóc, tri ân tại Lăng mộ của cụ được mai táng ở quê nhà; tham quan Văn miếu La Châu (do cụ trực tiếp đứng ra vận động nhân dân trong làng xây dựng thờ Đức Khổng Tử)...

Cô giáo Phan Thị Bình - Phó hiệu trưởng Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh cho biết, bên cạnh các hoạt động tìm về các di tích gắn liền với danh nhân, nhà trường còn tổ chức cho học sinh thi hùng biện về cảm nhận của các em khi học dưới mái trường mang tên cụ. Và để có những kiến thức sâu rộng về lịch sử địa phương, chúng tôi đã dành thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu cặn kẽ qua từng giai đoạn lịch sử để trong lúc giảng dạy có sự tương tác kiến thức qua lại giữa giáo viên và học sinh, tạo sự thích thú, hứng khởi cho các em.

Theo ông Dương Tấn Đạt - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Vang, trên cơ sở 2 tập sách lịch sử của Đảng bộ huyện và một số tài liệu liên quan, các cơ quan tham mưu giúp việc Huyện ủy đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn bộ tài liệu ngắn gọn, súc tích với những nội dung cốt lõi để các trường học dễ dàng truyền đạt đến học sinh theo từng khối lớp. Theo đó, khối lớp 6 sẽ được tìm hiểu về lịch sử vùng đất và con người H. Hòa Vang; khối lớp 7 tìm hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng H. Hòa Vang (giai đoạn 1928-1954); khối lớp 8 tìm hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng H. Hòa Vang (giai đoạn 1954-1975) và khối lớp 9 tìm hiểu về lịch sử Đảng bộ H. Hòa Vang (giai đoạn 1975-2015)... Em Nguyễn Vũ Dương - học sinh lớp 9/3 trường THCS Đỗ Thúc Tịnh tâm sự, tuy mỗi năm chỉ có 1 tiết học về lịch sử địa phương nhưng chúng em thấy rất bổ ích, thích thú vì được hiểu thêm thân thế, sự nghiệp các danh nhân, anh hùng, những khó khăn của quê hương sau ngày đất nước thống nhất (năm 1975), cũng như những thành tựu nổi bật của huyện trong phát triển KT-XH sau thời kỳ đổi mới (năm 1986)... Qua đó, chúng em càng có ý thức hơn trách nhiệm của bản thân là phải cố gắng, nỗ lực vươn lên trong học tập để sau này trở thành những công dân hữu ích cho xã hội.

Có thể thấy, trong quá trình thực hiện việc đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy trong các trường THCS đã giúp cho học sinh nhận thức sâu sắc các sự kiện, nhân vật điển hình của lịch sử dân tộc. Mối liên hệ mật thiết giữa lịch sử địa phương với lịch sử dân tộc là cơ sở để các em nâng cao kiến thức về sự phát triển chung lịch sử dân tộc, song vẫn ghi đậm những dấu ấn đặc thù của địa phương; từ đó nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, hình thành ý thức bảo vệ các di tích lịch sử, di tích văn hóa và môi trường sống trong lứa tuổi học sinh.

VY HẬU

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_196653_huyen-hoa-vang-tp-da-nang-dua-lich-su-dia-phuong-vao-chuong-trinh-hoc.aspx