Huyện Hiệp Hòa ra mắt website truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp

Đây được coi là động thái mạnh mẽ của nhà chức trách huyện Hiệp Hòa trong công tác giới thiệu sản phẩm và thúc đẩy phát triển nông nghiệp địa phương.

Ngày 26/9, UBND huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) tổ chức Lễ khai trương điểm giới thiệu và ra mắt website hiephoaocop.vn về truy xuất nguồn gốc nông sản tiêu biểu của huyện Hiệp Hòa.

Hiệp Hòa có diện tích tự nhiên 20.110 ha, trong đó có 13.500 ha đất nông nghiệp, với thổ nhưỡng đa dạng, phong phú, có đất bạc màu phù xa bồi đắp không thường xuyên, đất đồi, vàn đồi, đất bãi bồi ven sông phù xa bồi đắp thường xuyên...thích nghi với nhiều loại cây trồng, vật nuôi.

Hàng loạt sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu huyện Hiệp Hòa được giới thiệu. Ông Hoàng Công Bộ - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa (thứ 2 từ trái sang) giới thiệu sản phẩm trám đen tới các quý khách.

Hàng loạt sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu huyện Hiệp Hòa được giới thiệu. Ông Hoàng Công Bộ - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa (thứ 2 từ trái sang) giới thiệu sản phẩm trám đen tới các quý khách.

Bên cạnh đó, huyện Hiệp Hòa có hệ thống giao thông tương đối thuận lợi, dễ ràng kết nối, thông thương với các tỉnh, thành phố, như: Thủ đô Hà Nội, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Quảng Ninh…Đây là những yếu tố rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp.

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 5%/năm; năm 2020, giá trị sản xuất trên đất nông nghiệp ước đạt 112 triệu/ha. Trong sản xuất nông nghiệp đã chú trọng chuyển dịch cơ cấu, dần hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh. Toàn huyện đã dồn điền đổi thửa được 3.800 ha (đứng thứ 2 toàn tỉnh) tạo điều kiện ứng dụng cơ giới hóa, áp dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất; có 5 doanh nghiệp và 46 HTX đang đầu tư sản xuất kinh; toàn huyện xây dựng được 38 cánh đồng mẫu lớn, 30 mô hình ứng dụng công nghệ cao…

Đến nay, trên địa bàn huyện đã có nhiều sản phẩm tiêu biểu như: Rau Cần -Hoàng Lương, Bưởi -Hiệp Hòa, gạo nếp cái Hoa Vàng, Bánh Chưng- Vân, Dưa lưới; Nho hạ đen; Trám đen- Hoàng Vân; Đông trùng hạ thảo, Thịt lợn thảo dược … trong đó có một số sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu, đã và đang được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài huyện biết đến.

Sản phẩm Cần hữu cơ tại HTX Lý Hùng.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của huyện vẫn còn hạn chế: quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng, mẫu mã còn hạn chế, công tác quảng bá, xây dựng nhãn hiệu, khả năng cạnh tranh còn thấp; tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn...

Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của huyện nhà phát triển, phát huy được truyền thống, lợi thế và tiềm năng của huyện, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án “Quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc và xúc tiến thương mại nông sản sạch và an toàn huyện Hiệp Hòa” với hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp và điểm trưng bầy, giới thiệu sản phẩm.

Ông Hoàng Công Bộ - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết: "Cùng với việc ra mắt website truy xuất nguồn gốc nhưng các cơ quan chuyên môn, quản lý cần chủ động giám sát, cập nhật dữ liệu, thông tin đầy đủ, kịp thời về nguồn gốc sản phẩm trên trang website hiephoaocop.vn và điểm trưng bày đảm bảo duy trì và phát triển trang thông tin Hiephoaocop.vn, điểm trưng bày nông sản ngày càng bền vững;

Các doanh nghiệp, HTX, người sản xuất tiếp tục tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện, đầu tư hỗ trợ hạ tầng cơ sở, đường giao thông, kênh mương, nhà kính, nhà màng; hỗ trợ giống cây, con chất lượng cao; quy trình chăm sóc, chuyển giao khoa học- kỹ thuật; đăng ký nhãn hiệu sản phẩm... và chủ động đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới quy trình kỹ thuật theo hướng sản xuất hữu cơ, hướng sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường...tạo cơ sở thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của huyện trong năm 2020 và những năm tiếp theo”.

Quang Vũ

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/huyen-hiep-hoa-ra-mat-website-truy-xuat-nguon-goc-san-pham-nong-nghiep-d136221.html