Huyện Hà Trung tăng cường các giải pháp phòng, chống đuối nước trẻ em

Hà Trung là huyện có diện tích ao hồ, sông suối tương đối nhiều, điều này tiềm ẩn nguy cơ đuối nước rất cao, đặc biệt là ở trẻ em.

Tập huấn kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em tại Trường THCS xã Hà Bình.

Tính từ năm 2012 đến nay trên địa bàn huyện đã xảy ra 36 vụ tai nạn thương tích ở trẻ em. Trong số 28 trẻ tử vong thì có tới 26 trẻ tử vong do đuối nước. Một số vụ đuối nước thương tâm, như vụ xảy ra chiều tối ngày 29-9-2018, một tốp gồm 5 học sinh rủ nhau đi tắm sông tại đập Bến Quân, xã Hà Long. Do dòng nước sâu, chảy xiết đã khiến 2 em bị nước cuốn trôi mất tích. Đội cứu hộ cứu nạn phải tìm kiếm hơn 2 tiếng đồng hồ mới thấy thi thể 2 em là Nguyễn Viết Tr. sinh năm 2005 và Nguyễn Mạnh H. sinh năm 2006. Và mới đây là cái chết thương tâm của em Trần Vũ Nhật T. sinh năm 2017, xảy ra vào ngày 25-5-2020 sau khi sang hàng xóm chơi, lúc quay về qua ao làng thì bị rơi xuống nước. Khi gia đình đi tìm thì phát hiện em đã tử vong do đuối nước... Những sự việc xảy ra trên là nỗi ám ảnh lo lắng của các bậc làm cha, làm mẹ. Đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, để chúng ta thấy được sự nghiêm trọng của việc thiếu hiểu biết, không có khả năng tự vệ dẫn đến tai nạn thương tâm ở trẻ em.

Thực hiện chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, năm 2020 Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Hà Trung đã phối hợp với một số trường THCS trên địa bàn, tổ chức chương trình giáo dục kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước. Qua chương trình nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước; tạo điều kiện cho các em học sinh có cơ hội tham gia học bơi, thực hành bơi để nâng cao sức khỏe, rèn luyện các kỹ năng tự bảo vệ mình trước các nguy cơ đuối nước, góp phần bảo đảm an toàn tính mạng cho trẻ em, giảm thiểu tối đa các tai nạn thương tâm do đuối nước.

Cô giáo Phạm Thị Bích Huệ, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Hà Trung, cho biết: Tai nạn đuối nước ở lứa tuổi học sinh vẫn đang là nỗi lo đối với nhà trường, các bậc phụ huynh và toàn xã hội. Vì vậy, hằng năm trường đều tổ chức tuyên truyền cho giáo viên, học sinh kiến thức phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước bằng nhiều hình thức, như: tổ chức nói chuyện chuyên đề, thông qua môn giáo dục lối sống, các buổi sinh hoạt lớp và các cuộc họp phụ huynh học sinh... Đặc biệt, mới đây nhà trường đã lựa chọn 50 trong tổng số 280 em học sinh tham gia chương trình giáo dục kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước do Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện phối hợp tổ chức. Tại chương trình, các tuyên truyền viên đã trang bị cho các em những kiến thức cơ bản để có thể phòng tránh đuối nước nếu không may gặp phải; hướng dẫn các kỹ năng bảo đảm an toàn dưới nước, xử lý tình huống khi bơi, cách cứu người bị nạn và thực hành một số tình huống giả định về cứu người bị đuối nước. Đồng thời lưu ý các em chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ, tuân thủ các quy định của bể bơi; cảnh báo về những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước như sông, suối, ao, hồ, những vùng nước sâu... Những kiến thức bổ ích tại chương trình ngoại khóa sẽ giúp các em có thêm kỹ năng để tự bảo vệ bản thân và trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong việc kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ tai nạn đuối nước, xây dựng môi trường vui chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ. Theo cô Huệ, đến nay tỷ lệ học sinh biết cách phòng chống đuối nước của trường đạt 70%, 100% học sinh đều được tuyên truyền.

Trao đổi với ông Hoàng Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung, được biết: Trong những năm qua, huyện Hà Trung đã có nhiều nỗ lực và luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. UBND huyện đã ban hành các chương trình hành động, kế hoạch, công văn chỉ đạo cụ thể để thực hiện luật pháp, chính sách, các chương trình của Chính phủ, UBND tỉnh về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; các văn bản chỉ đạo tăng cường phòng, chống thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước... Thời gian tới huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân về phòng, chống đuối nước trẻ em. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em đến từng trường, lớp học, thôn, khu dân cư; giáo dục, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, trông giữ, giám sát, nhắc nhở trẻ em về nguy cơ tai nạn thương tích, đuối nước. Đối với các cơ sở giáo dục, thường xuyên nhắc nhở, khuyến cáo học sinh không thực hiện các hành vi nguy hiểm tại các nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước; hướng dẫn các em tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh. UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời các đồ dùng, công trình chứa nước, các khu vực hố nước, hồ ao, sông ngòi, vùng nước sâu, nguy hiểm thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em. Làm các nắp đậy, rào chắn, đặt biển cảnh báo, phân công lực lượng cảnh giới tại những nơi nguy hiểm. Xây dựng Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn và Cộng đồng an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Triển khai, mở rộng việc dạy kỹ năng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng, chống đuối nước, dạy bơi an toàn cho trẻ em. Vận động các gia đình chủ động đưa con đi học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh giới các khu vực có nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em... góp giảm thiểu tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn toàn huyện.

Bài và ảnh: Mai Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/huyen-ha-trung-tang-cuong-cac-giai-phap-phong-chong-duoi-nuoc-tre-em/128695.htm