Huyện Hà Trung quan tâm phát triển văn hóa đọc

Trước sự phát triển của khoa học công nghệ, internet, người dân có thêm nhiều hình thức để tiếp nhận các nguồn thông tin, kiến thức. Vì thế, nhiều người không còn duy trì được thói quen đọc sách, đặc biệt là giới trẻ.

Tủ sách thôn Kim Đề, xã Hà Ngọc thu hút người dân đến đọc sách.

Để xây dựng văn hóa đọc trong nhân dân, cấp ủy, chính quyền huyện Hà Trung đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn thường xuyên đọc sách, báo nhằm tạo thói quen, kỹ năng và phương pháp đọc hiệu quả. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động phong phú, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân như: Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam; triển lãm sách, báo; ngày hội đọc sách; hội thi kể chuyện theo sách; các phong trào đóng góp sách; hướng dẫn kỹ năng đọc, chọn sách phù hợp cho từng đối tượng. Đặc biệt năm 2019, trung tâm văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch huyện đã phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức triển lãm sách, báo và Lễ hội Thư pháp năm đầu xuân. Tại triển lãm, hơn 100 đầu sách, báo, tạp chí xuân của các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và hàng nghìn đầu sách là những tư liệu quý về Đảng, Bác Hồ kính yêu, cùng những thành tựu vượt bậc trong công cuộc đổi mới của quê hương, đất nước với nội dung phong phú, hấp dẫn, sinh động đã mang đến cho người đọc cái nhìn toàn diện về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và xứ Thanh nói riêng. Cùng với đó việc tổ chức “Lễ hội Thư pháp và tặng chữ ngày Xuân” - một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, góp phần gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống trong mỗi người dân.

Xây dựng và phát triển hệ thống thư viện từ huyện xuống cơ sở với nguồn sách phong phú, phù hợp với nhu cầu của bạn đọc cũng là một trong những hoạt động được huyện Hà Trung quan tâm thực hiện. Đến nay toàn huyện có 1 thư viện cấp huyện với hơn 11.000 đầu sách, 2 thư viện xã; 190 tủ sách cơ sở; 2 thư viện dòng họ; 26 bưu điện văn hóa xã. Để xây dựng nguồn sách phong phú, đa dạng, hàng năm trung tâm văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch huyện đã vận động các nguồn xã hội hóa đóng góp sách từ bạn đọc, công ty sách; phối hợp với Thư viện tỉnh, các công ty sách thực hiện luân chuyển sách, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, đáp ứng nhu cầu đọc sách của người dân địa phương. Nhiều địa phương đã chú trọng tuyên truyền vai trò của việc đọc sách trong các buổi sinh hoạt thôn, hội, nhóm để người dân biết và đến đọc, mượn sách tại thư viện, phòng đọc sách báo. Tiêu biểu như, thôn Kim Đề (xã Hà Ngọc) nhiều năm nay, việc đọc sách tại thôn đã lan rộng đến mọi tầng lớp nhân dân từ trẻ nhỏ đến người già. Tủ sách thôn được hình thành trong nhà văn hóa. Với khoảng trên 300 đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực, tủ sách thôn đã trở thành một phần không thể thiếu của người dân, giúp người dân cập nhập, tra cứu thông tin. Ông Hoàng Văn Ban, 67 tuổi chia sẻ: Hàng ngày, trước khi tập thể dục tôi thường đến sớm hơn để đọc sách, báo. Việc đọc sách giúp tôi nắm bắt được thông tin, tri thức, duy trì sự minh mẫn.

Không chỉ phát huy hiệu quả văn hóa đọc từ các thư viện, phòng đọc sách báo tại các địa phương mà việc phát triển văn hóa đọc tại các trường học cũng được huyện thực hiện hiệu quả. Hiện tại, trên địa bàn huyện 100% các trường xây dựng thư viện trường với nguồn sách phong phú đáp ứng nhu cầu của giáo viên và học sinh. Trung bình ở mỗi thư viện trường có khoảng 2.000 đầu sách bao gồm sách giáo khoa, sách tham khảo, tài liệu dành cho giáo viên và học sinh, truyện thiếu nhi... Tiêu biểu như Trường Tiểu học Hà Ninh (xã Hà Ninh), để thúc đẩy văn hóa đọc cho học sinh và giáo viên, ban giám hiệu nhà trường đã quan tâm đổi mới các hoạt động của thư viện, trang trí, bố trí sách trong thư viện dễ nhìn, bắt mắt để thu hút các em học sinh; phân công lịch đọc sách cho các lớp; giao giáo viên chủ nhiệm chịu trách nhiệm chính trong việc định hướng, hướng dẫn các em đọc sách nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn sách, truyện; phát động phong trào đóng góp 1 cuốn sách... Nhờ đó, thư viện trường đã có hơn 2.000 bản sách, thuộc nhiều lĩnh vực. Cô giáo Vũ Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Ninh cho biết: Phát triển văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh trong trường học là một việc làm rất quan trọng, giúp giáo viên và học sinh hình thành thói quen đọc sách, tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học, góp phần tích cực trong việc đổi mới phương pháp dạy và học. Do vậy, bên cạnh việc xây dựng thư viện đạt chuẩn với nhiều đầu sách phong phú, nhà trường đã thường xuyên tổ chức hoạt động trưng bày, giới thiệu về sách cho các em học sinh thông qua việc thi thuyết trình, sáng tạo mô hình, diễn kịch... Từ đó, giúp cho học sinh khơi dậy niềm ham thích đọc sách để nâng cao kiến thức, góp phần thúc đẩy việc học tập được tốt hơn.

Với những hoạt động bổ ích, huyện Hà Trung đang từng bước xây dựng văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân, khơi dậy niềm đam mê đọc sách, tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học, học tập suốt đời của mỗi người, xây dựng xã hội học tập, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.

Bài và ảnh: Thùy Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/huyen-ha-trung-quan-tam-phat-trien-van-hoa-doc/111691.htm