Huyện Hà Trung chú trọng phát triển kinh tế trang trại

Để khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lao động và tài nguyên đất đai ở địa phương, trong những năm qua, bằng những cách làm sáng tạo, phù hợp, huyện Hà Trung đã xây dựng, phát triển nhiều mô hình kinh tế trang trại (KTTT), gia trại mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn.

Trang trại tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Chiến, thôn Trung Chính, xã Hà Thanh.

Cùng với những cơ chế, chính sách khuyến khích của tỉnh để xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển KTTT, UBND huyện Hà Trung đã xây dựng và thực hiện nhiều cơ chế hỗ trợ khác, như: Hằng năm, phối hợp với trung tâm khuyến nông (nay là trung tâm dịch vụ nông nghiệp) tổ chức hàng chục lớp tập huấn miễn phí về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phát triển KTTT cho người dân; hỗ trợ 10 triệu đồng/trang trại chăn nuôi đạt quy mô 100 lợn thịt hoặc 1.000 gà đẻ trứng trở lên... Ngoài ra, huyện còn triển khai khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tích tụ tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn... Nhờ đó, đến nay trên địa bàn huyện đã phát triển được 1.019 trang trại, gia trại, với tổng diện tích 1.529,087 ha; trong đó, có hơn 710 trang trại tổng hợp và 30 trang trại được cấp chứng nhận tiêu chuẩn theo Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Chúng tôi đến thăm vùng sản xuất tập trung Đông – Phong - Ngọc, vốn là vùng đất lúa sâu trũng, hiệu quả kinh tế thấp. Từ những năm 2007, những người nông dân thuộc các xã Hà Đông, Hà Phong, Hà Ngọc đã mạnh dạn đầu tư cải tạo, bồi lấp để xây dựng thành vùng sản xuất tập trung, hiệu quả kinh tế đạt hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Trang trại tổng hợp của gia đình ông Lê Ngọc Vy ở thôn Trang Các, xã Hà Phong có diện tích hơn 3 ha vốn là vùng đất lầy thụt. Sau khi nhận thầu, ông đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất. Ông Vy đưa vào trồng các loại cây ăn quả, như: Mít thái, nhãn Hưng Yên, xoài cát Hòa Lộc, bưởi Diễn, ổi đỏ...; phát triển ao nuôi cá và hệ thống chuồng nuôi lợn, quy mô hàng nghìn con/lứa. Sau gần 10 năm phát triển, hiện diện tích cây ăn quả đã cho thu hoạch. Nguồn thu từ ao cá và chăn nuôi lợn đều ổn định, tổng doanh thu của trang trại đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận hơn 600 triệu đồng/năm. Ông Vy cho biết: Để nâng cao giá trị kinh tế, thời gian tới, cùng với những loại cây trồng và vật nuôi hiện có, gia đình dự kiến đầu tư cơ sở hạ tầng, đưa vào sản xuất những loại cây, con nuôi mới đang được thị trường ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao, như: Dưa lưới Nhật Bản, ốc nhồi, ếch, gà chín cựa... Đồng thời, tăng cường học tập, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng của các loại cây trồng, vật nuôi hướng tới sản xuất an toàn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo khảo sát của Phòng NN&PTNT, UBND huyện Hà Trung, tại 20/20 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có những mô hình phát triển KTTT đạt hiệu quả kinh tế cao. Thông qua những mô hình KTTT, người dân có cơ hội tiếp cận, học hỏi những kinh nghiệm, kiến thức khoa học – kỹ thuật, cách làm hay để ứng dụng và từng bước nhân ra diện rộng. Nhiều trang trại trên địa bàn đã đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng chuồng trại chăn nuôi kết hợp với hầm, bể biogas, bảo đảm vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, các trang trại, gia trại còn góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động với thu nhập bình quân 3,5-4,5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, quá trình phát triển KTTT trên địa bàn huyện Hà Trung, người dân vẫn gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Do đó, để phát triển KTTT, huyện đã thực hiện chính sách giao khoán đất đai với diện tích không hạn chế và thời hạn dài hơn (50 năm thay vì 20 năm như trước đây) để các hộ yên tâm sản xuất. Đồng thời, giao các tổ chức chính trị, xã hội tìm kiếm, liên kết với các ngân hàng, tổ chức tín dụng tạo thuận lợi để các hộ có nhu cầu được vay vốn đầu tư sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng Phòng NN&PTNT, UBND huyện Hà Trung, cho biết: Những năm qua, KTTT đã góp phần khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn đất sản xuất của địa phương, từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất, việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo... Tuy nhiên, để KTTT đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, huyện đang chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tích tụ đất đai để phát triển trang trại theo hướng tập trung, quy mô lớn; khuyến khích các doanh nghiệp, hộ dân đầu tư xây dựng các khu trang trại tập trung, nuôi đa cây, đa con để tránh thiệt hại nặng do dịch bệnh và biến động của thị trường. Đồng thời, mở rộng sản xuất theo hướng liên kết sản xuất nhằm bảo đảm thị trường, đầu ra cho sản phẩm.

Lê Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/huyen-ha-trung-chu-trong-phat-trien-kinh-te-trang-trai/110904.htm