Huyện Đức Huệ - Long An: Đất và nổi buồn của mẹ!

Một người mẹ ở tuổi xấp xỉ 80, với gương mặt nhân từ, phúc hậu bỏm bẻm nhai trầu nhưng trong đôi mắt già nua ấy luôn nhìn về khoảng không phía trước với ánh nhìn thăm thẳm, buồn đến nao lòng! Bà nói rằng bà bị lừa ký vào một tờ giấy gì đó hồi năm 2015 và bây giờ thì khi vỡ lẽ ra, mẹ hiểu đó là chữ ký quyết định cho số phận của mảnh đất mà đã qua nhiều thế hệ tổ tiên, ông bà, vợ chồng bà đã dày công khai phá, vun bồi, chăm sóc. Nguy cơ mất nhà đất hương hỏa, nơi thờ tự tổ tiên của người mẹ quê tội nghiệp này là có thật và đang hiện rỏ từng ngày.

Phần đất của ông Long và bà Khác tại ấp 4, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ,tỉnh Long An bị lừa ký chuyển nhượng.

Đức Huệ là một địa danh khá lẫy lừng trong hai cuôc kháng chiến chống pháp và Mỹ, nơi có vùng ATK cách mạng với căn cứ Bình Thành, nơi Tỉnh ủy Long An đặt đại bản doanh lãnh đạo quân dân Long An tiến hành cuộc chiến tranh trường kỳ trong những năm đánh Mỹ.

Một đồng nghiệp đàn anh, từng có hơn 20 năm làm báo ở Long An, nói với tôi rằng: Tuy là vùng căn cứ địa cách mạng với những trang vàng chói ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng nhưng sau ngày miền nam giải phóng, Đức Huệ vẫn là nơi nghèo khó nhất của tỉnh Long An và mãi đến khi Chính phủ thực hiện chủ trương lấp trống vùng trũng Đồng Tháp Mười (Đức Huệ nằm trong vùng Đồng Tháp Mười) với nhiều công trình thủy lợi, giao thông, kết cấu cơ sở hạ tầng được đầu tư và phát huy tác dụng thì cái vùng bưng trấp nê địa miền biên viễn này mới bắt đầu chuyển mình đổi thịt thay da.

Trong lần về Đức Huệ này, tôi được người bạn đãi món mắm cá lia thia, anh nói rằng đây là đặc sản của miền đất hẻo lánh bưng biền, chỉ nơi đây mới có. Nó đặc biệt ở chỗ cá lia thia thì hầu như ở cánh đồng nào cũng có nhưng nó chỉ dừng lại và trở thành một thứ khá hiếm nhằm thỏa thú chơi “đá cá lia thia”cho lũ trẻ ở quê. Nó hiếm bởi sự sinh sôi của loài cá làm mê hoặc tuổi thơ này phụ thuộc vào tập tính và môi trường sống. Chỉ vùng đất bưng trấp, chua phèn mới thích hợp và sự hiện diện của cá lia thia nhiều đến độ người ta dùng nó chế biến thành một loại thức ăn ngon tuyệt là một minh chứng lý giải cho sự khắc nghiệt một thuở của xứ này. Phèn chua, bưng trấp là những khái niệm rõ ràng nhất định danh, định tính cho một Đức Huệ từng là vùng nê địa mà thiên nhiên dường như đã thiếu công bằng khi ban tặng. Nhưng rồi cũng chính thiên nhiên khắc nghiệt và thời cuộc chiến tranh đã tôi luyện và khẳng định tấm lòng kiên trung của con người nơi đây với cách mạng.

Gia đình ông Phạm Văn Long ở ấp 4, Mỹ Thạnh Đông- (chồng của nhân vật người mẹ quê mà ở phần đầu bài viết này tôi đã đề cập) là một phiên bản hoàn chỉnh rõ nét nhất cho tinh thần bám trụ xứ sở quê hương, một lòng theo Đảng, sống chết với đất đai, đồng trấp, bưng biền.

Ông Long sinh năm 1944, từ thời niên thiếu đã tập tành theo cách mạng, từ cán bộ xã ủy Mỹ Thạnh Đông, rồi làm phó Phòng tài chính huyện, rồi trưởng Phòng thuế Công thương huyện Đức Huệ đến khi nghỉ hưu. Cũng giống như nhiều cán bộ hoạt động thời chiến tranh, số phận sống, chết tù đày… luôn luôn chực chờ rình rập. năm 1970 ông bị kẻ thù bắt và khí tiết của người cán bộ cách mạng đã được đem ra thi gan với kẻ thù. Sau hơn nửa năm khai thác không tìm được bất cứ chứng cứ từ lời khai của người cán bộ kiên trung này, kẻ thù buộc phải thả ông.

Vợ ông, bà Huỳnh Thị Khác. Người phụ nữ quê đôn hậu và chơn chất ấy dường như suốt cả cuộc đời chỉ quẩn quanh bên nếp nhà, đồng ruộng, cùng ông bám trụ sống chết với mảnh đất đã bao đời tạo lập. Cả đời người đàn bà quê mùa ấy chỉ biết viết nguệch nghoạc một chữ duy nhất là tên của mình, nhưng oái oăm như là một định mệnh, cũng chính cái chữ viết mà người ta cố tình đưa bà viết vào tờ giấy chi chít chữ đánh máy cách đây 5 năm đã khiến cho toàn bộ diện tích 2.967 mét vuông gồm đất đai nhà cửa hương hỏa được tạo dựng bao đời về tay người khác.

Bà nói: :Hôm ấy có một đoàn người đến đưa giấy bảo tôi ký, và lúc bấy giờ chồng tôi bị tai biến nằm một chỗ, không còn biết gì, họ đã cầm tay ông điềm chỉ vào tờ giấy gì đó, xong họ kéo nhau đi, sau đó đến đo đo, vẽ vẽ…Tôi được vài người nói rằng là đất này tôi đã cùng chồng tôi ký bán”.

Trời ạ! Một ông già 71 tuổi nằm bất động, và một bà già 70 tuổi không biết một chữ thứ hai lại có thể tự nguyện ký vào tờ giấy bán sạch đất đai của tổ tiên ông bà bằng một tâm thế “hoàn toàn tự nguyện (?), đúng pháp luật” và “người ta” cũng xác định rằng: “Đối tượng hợp đồng là có thật, chữ ký trong hợp đồng là đúng chữ ký người tham gia trong hợp đồng, và không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội.”

Tôi đã lần giở tra cứu tất cả các quy định liên quan đến vấn đề này thì không thấy có bất cứ một điều khoản nào, từ luật dân sự, luật đất đai, luật công chứng… cho phép hai ông bà già tuổi quá 70, một người đang hấp hối, một người không biết chữ thực hiện một giao dịch mà họ cho là tự nguyện: Bán sạch đất của hương quả thờ cúng tổ tiên ông bà! Đặc biệt là đối với ông Phạm Văn Long, tại thời điểm người ta cầm tay ông điềm chỉ vào giấy chuyển nhượng cũng là lúc ông đang trong trạng thái vô thức (ông bị tai biến nằm liệt một chỗ đã lâu và sau đó không lâu thì ông qua đời).

Quá lo sợ trước việc bị lừa ký vào giấy chuyển nhượng đất, nên ngày 15 tháng 1 năm 2015- tức là một ngày sau khi bị lừa ký vào hợp đồng chuyển nhượng, bà Khác đã nhờ người viết đơn gửi hỏa tốc cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Đức Huệ, yêu cầu hủy bỏ cái hợp đồng chuyển nhượng “oan nghiệt” kia, nhưng dường như mọi cố gắng của một bà mẹ quê hiền từ, thiếu chữ không đủ sức làm thay đổi ý chí gian dối, lừa gạt của nhiều người đã được hợp thức hóa bằng một văn bản công chứng có con dấu đỏ chót của một Văn phòng công chứng trên địa bàn.

Từ đây số phận mảnh đất mà lúc sinh tiền ông Phạm Văn Long đã lập tờ “Tương phân chia đất” cho các con bắt đầu một “hành trình” lưu lạc…

Tôi về Đức Huệ đúng vào ngày Vu lan báo hiếu, các con bà tổ chức một buổi tiệc nhỏ để tỏ lòng tri ân, hiếu thảo với đấng sinh thành. Bữa cơm cũng thân mật, đầm ấm và rôm rả lời chúc tụng. Phía ngực trái của bảy người con đều cài một bông hồng đỏ thắm…

Tiệc tàn rồi vì cuộc mưu sinh ai về nhà nấy. trong ngôi nhà cấp 4, đã xuống cấp với thời gian là di ảnh ông Phạm Văn Long với ánh nhìn cương nghị và tôi như đọc từ ánh mắt ấy một sự uất ức, một nổi niềm cay đắng khi đoạn cuối cuộc đời bổng chốc trắng tay.

Bà Khá thì trầm mặc như một chiếc bóng bên đời, duy có vợ chồng cậu con trai út thì cố gắng gượng, trấn tĩnh ở bên cạnh chăm sóc, an ủi mẹ và nuôi niềm hy vọng vào một kết thúc pháp lý có hậu cho một vụ chuyển nhượng quyền sử dụng đất có quá nhiều dấu hiệu bất thường này.

Bài và ảnh: Huỳnh Khánh Hưng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/huyen-duc-hue--long-an-dat-va-noi-buon-cua-me-79464