Huyện Đức Cơ (Gia Lai): Những khuất tất trong vụ án Dân sự về việc tranh chấp đất đai

Hợp đồng mua bán ki ốt Lô K 23 tại Chợ Đức Cơ, đường Nguyễn Văn Trỗi, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ đã được hai bên thỏa thuận và ký tên. Bên bán là bà Cao Thị Thúy Uyên đã nhận tiền đầy đủ từ bên mua là bà Nguyễn Thị Thủy, tuy nhiên bên bán vẫn cố tình không giao ki ốt cho bên mua làm cho bên mua thiệt hại về kinh tế. Bên mua đã quyết định làm đơn khởi kiện bên bán ra tòa án nhân dân huyện Đức Cơ. Nhưng tòa án nhân dân huyện Đức Cơ lại dựa vào một đoạn ghi âm qua điện thoại để trì hoãn việc xét xử vụ việc, việc này đã làm cho bên mua hết sức bức xúc.

>>> Gia Lai ngừng hoạt động nhà máy chạy thử gây ô nhiễm môi trường

Theo đơn kêu cứu của bà Nguyễn Thị Thủy, phóng viên(PV) Moitruong.net đã có mặt tại thị trấn Chư Ty để nắm rõ hơn diễn biến sự việc. Bà Thủy cho biết: Vào ngày 21/03/2016 (âm lịch) Bà Uyên có vay bà Thủy số tiền 200 triệu để đáo hạn ngân hàng và hẹn trong vòng 01 tháng sẽ hoàn trả số tiền trên, nhưng Bà Uyên đã không thực hiện đúng hợp đồng vay mượn, tức là đến ngày trả bà Uyên cố tình chây ì không trả, trong lúc đó số tiền này bà Thủy cũng đi vay mượn người khác cho bà Uyên.

Giấy mượn tiền của của bà Cao Thị Thúy Uyên

Đến ngày 06/4/2017, bà Uyên khẳng định không có tiền để trả nên bà có ý định bán lại Ki ốt cho bà Thủy. Biết là chẳng còn sự lựa chọn nào khác nên bà Thủy phải mua lại 01 ki-ốt của của bà Uyên tại chợ Đức Cơ với tổng số tiền là 700 triệu, trong đó 200 triệu tiền vay cũ, 234 triệu bà Thủy có trách nhiệm trả thay cho bà Uyên số nợ Ban quản lý chợ Đức Cơ (tổng số tiền Bà Uyên làm hợp đồng với BQL chợ là 312 triệu và bà Uyên đã trả được hơn 78 triệu, số tiền còn lại bà Thủy nhận trả tiếp cho ban quản lí) và số tiền còn lại là 260 triệu bà Thủy đã trả dứt điểm cho bà Uyên, vậy tổng số tiền là 700 triêu bà Thủy phải trả cho bà Uyên để mua Ki-ốt số 23. Trong giao dịch hai người đã làm hợp đồng mua bán, cụ thể vào ngày 3/6/2017 hợp đồng này đã được thỏa thuận giữa đôi bên, giao tiền và hai bên kí giấy thỏa thuận.

Hợp đồng chuyển nhượng ki-ốt của bà Uyên cho bà Thủy

Sau khi ký kết, viện cớ chưa có chỗ ở nên bà Uyên đã mượn lại ki-ốt của bà Thủy trong vòng 1 tháng để ở và buôn bán. Đến hạn bà Thủy yêu cầu bà Uyên giao lại ki-ốt và tiến hành thực hiện khâu cuối cùng thông qua Ban quản lý chợ để hoàn tất thủ tục mua bán, nhưng bà Uyên liên tục lẩn tránh và không chịu làm thủ tục mua bán, trong lúc đó số tiền thỏa thuận bà Thủy đã giao đủ, còn bà Uyên vẫn tiếp tục làm ăn buôn bán tại ki-ốt và ngang nhiên cãi trắng số tiền trên.

Theo các tư liệu cho biết, lời khai của bà Uyên bất nhất với các văn bản, cụ thể: Thứ nhất, trong hợp đồng với BQL chợ có điều “Trong thời hạn hợp đồng còn hiệu lực và tiền thuê điểm kinh doanh theo Điều 3 (…) của hợp đồng này, bên B được sang nhượng điểm kinh doanh hoặc cho thuê lại, nhưng phải báo trước cho bên A trước 30 (ba mươi) ngày để làm thủ tục cần thiết” nhưng bà Uyên vẫn ngang nhiên sang lại ki-ốt để kiếm lời và không thông qua việc thông báo với BQL chợ. Thứ hai khi sửa sang lại ki-ốt bà Uyên có khai nhận là mượn của ông Nguyễn Đức Hoan số tiền 120 triệu và hẹn 3 năm sẽ trả hết, nếu không trả đủ ông Hoan sẽ lấy ki-ốt này để gán nợ, nhưng thời điểm này bà Uyên lại đem bán cho bà Thủy để lấy tiền, điều đáng nói là bà này không thông qua ông Hoan và đến khi đưa nhau ra tòa thì ông này mới biết, đồng thời bà Uyên lấy cớ ông Hoan không đồng ý cho bà sang lại ki-ốt để cố tình cướp đoạt số tiền của bà Thủy, đây có phải là dấu hiệu lừa đảo của bà Uyên?

Theo trình bày của vợ chồng bà Thủy và các chứng từ cho biết: bà Uyên cho rằng bà chỉ vay 200 triệu của bà Thủy và đã trả được 74 triệu, nhưng tuyệt đối không có một giấy tờ gì chứng minh được số tiền bà Uyên đã trả, thứ hai bà Uyên khai nhận rằng bà Thủy chưa đưa đủ số tiền 460 triệu như hợp đồng (trừ số tiền 234 triệu chưa nộp cho BQL) vậy thì làm sao bà Uyên dám ký nhận trong giao dịch hợp đồng?

Một chi tiết mà bà Uyên khai rằng bà Thủy ép phải kí giấy mua bán Ki-ốt và hai người đã đi đến thỏa thuận sang nhượng với nhau, vậy thì đây có phải là “ép” nhau không? Hơn nữa, một người có thâm niên trong nghề buôn bán có khi nào dám đặt bút làm giấy chuyển nhượng số tài sản lớn đến gần 1 tỉ đồng và trao cho người khác hay không? Điều này cơ quan chức năng cần phải nhận định đúng bản chất vụ việc và lời khai của đối tượng tránh tình trạng gây oan ức cho người khác.

Quyết định trưng cầu giám định của Thẩm phán Tòa án huyện Lại Hùng Hưng về lời nói được ghi trong đĩa CD

Vụ án dân sự đã được thực hiện theo trình tự hòa giải 02 lần tại UBND thị trấn, xét xử 01 làn tại Tòa án ND huyện và Nguyên đơn đã thắng kiện, tuy nhiên, một tình tiết mới được Bị đơn cung cấp, trong một cuộc cãi vã giữa bà Uyên và bà Thủy bà Uyên cố tình ghi âm lại và in ra đĩa CD và cung cấp cho Tòa án huyện, và Tòa án đã đình chỉ vụ án để đưa băng ghi âm đi giám định tại CA tỉnh Gia Lai, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả. Trong lúc đó bà Uyên vẫn còn làm ăn buôn bán tại ki-ốt này, còn gia đình bà Thủy thì tiếp tục phải gánh khoản nợ đi vay trước đây để trả tiền đã mua ki-ốt, và tiếp tục đi kêu cứu nhiều cơ quan chức năng khác.

Tiếp xúc với PV, bà Thủy vừa khóc vừa trình bày: Gia đình tôi vừa phải gánh nợ, trả lãi, suy sụp tinh thần, con cái thì đông bây giờ không biết phải làm thế nào đây? Tôi gọi điện và gặp ông Lại Hùng Hưng là Thẩm phán Tòa án Nhân dân huyện để hỏi về công việc thì cũng chỉ nhận được câu trả lời: Vụ việc đang điều tra và phải chờ thời gian? Không biết đến khi nào cán cân công lí lấy lại công bằng cho gia đình tôi hay lại là trắng đổi thành đen?

Moitruong.net.vn tiếp tục tìm hiểu, theo dõi sự việc và thông tin đến bạn đọc diễn biến vụ án các kì báo tiếp theo.

Trần Thọ

Nguồn MT&CS: http://moitruong.net.vn/huyen-duc-co-gia-lai-nhung-khuat-tat-trong-vu-dan-su-ve-viec-tranh-chap-dat-dai/