Huyện Đông Anh: Phát triển đa dạng các loại hình kinh tế

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km về phía Bắc, Đông Anh là huyện nằm trong vùng quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ và du lịch đã được Chính phủ và Thành phố Hà Nội phê duyệt và cũng là đấu mối giao thông quan trọng nối Thủ Đô Hà Nội với các Tỉnh phía Bắc. Những năm gần đây, Đông Anh đã có những định hướng phát triển phù hợp, mang lại những thành quả vô cùng ấn tượng.

Phát triển đa dạng các loại hình kinh tế

Trong những năm vừa qua, do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đòi hỏi huyện Đông Anh cần có những định hướng phát triển phù hợp và xứng tầm. Đứng trước bối cảnh đó, lãnh đạo huyện Đông Anh đã chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đa ngành.

Trong cuộc giao ban báo chí, thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đông Anh ngày 20.11 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, 10 tháng đầu năm 2018, giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện Đông Anh ước đạt 127.967 tỷ đồng, tăng 10,6%.

Đối với ngành nông nghiệp: Ngoài việc triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân sản xuất, hướng dẫn bà con chủ động xuống giống đúng thời vụ, tổ chức diệt trừ sâu bệnh và đưa cơ giới hóa vào sản xuất... giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản 10 tháng đầu năm 2018 ước đạt 2.128 tỷ đồng (tăng 2,3% so với cùng kỳ); toàn huyện đã xây dựng được 11 trang trại chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đặc biệt đã có mô hình chăn nuôi cho sản lượng 80 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, Huyện Đông Anh cũng đã chủ động chuyển đổi mô hình cây trồng giá trị thấp sang trồng hoa, cây cảnh và các giống lúa thơm, ngô nếp, khoai tây Đức… cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi cũng được đầu tư áp dụng quy trình VietGAP nhằm nâng cao chất lượng và giá trị vật nuôi. Đặc biệt, huyện Đông Anh vẫn tiếp tục quan tâm phát triển các mô hình kinh tế mới, nổi bật là nhân rộng mô hình sản xuất nấm rơm tại 3 xã: Liên Hà, Kim Chung, Tiên Dương cho hiệu quả kinh tế cao và mang lại nguồn việc làm lớn cho người dân trong huyện.

Đông Anh cũng là một trong 4 địa phương đầu tiên của TP Hà Nội được công nhận là huyện nông thôn mới, hiện nay huyện đang dồn lực cho việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu… Kinh tế phát triển cùng sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng đã góp phần từng bước nâng cao đời sống người dân và mang lại diện mạo đầy màu sắc cho bộ mặt nông thôn huyện.

Đối với ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Giá trị sản xuất ước tính10 tháng đầu năm 2018 đạt 18.540 tỷ đồng (tăng 11,2%); toàn huyện có 4.050 doanh nghiệp đang hoạt động ổn định, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017; giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ đạt 10.171 tỷ đồng (tăng 15,8%). Nhờ vào vị trí đắc địa và là cửa ngõ phía Bắc của Thủ Đô, việc cơ sở hạ tầng được nâng cấp ngày một đồng bộ giúp cho Đông Anh những năm qua trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Đối với ngành thương mại, dịch vụ: Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ cũng có bước tiến vượt bậc ở tất cả các nhóm ngành nghề. Hoạt động du lịch cũng được đẩy mạnh nhằm khai thác và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa các di tích. Thống kê từ đầu năm đến nay, đã có trên 13.000 lượt du khách đến với Đông Anh, con số này đã liên tục tăng trong nhiều năm trở lại đây.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện ước đạt 2.752 tỷ đồng (đạt 109,7% dự toán) cho thấy việc đa dạng các loại hình kinh tế góp phần hết sức to lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của Đông Anh, qua đó từng bước nâng cao đời sống người dân.

Ngoài những nỗ lực phát triển kinh tế, Huyện Đông Anh cũng đã xúc tiến để hoàn thành các dự án cơ sở hạ tầng, điển hình là: Dự án đường 5 kéo dài được khởi công từ năm 2005, có tổng chiều dài toàn tuyến 13,3km. Tuyến đường khởi đầu từ khu đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì, chạy dọc theo các xã Kim Nỗ, Vĩnh Ngọc và Xuân Canh (huyện Đông Anh), giao với quốc lộ 3 sau đó vượt qua sông Đuống và kéo dài cho tới cầu Chui (quận Long Biên). Đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm của TP Hà Nội. Tổng mức đầu tư toàn tuyến khoảng 6.600 tỷ đồng và đã chính thức được thông xe ngày 9/10 vừa qua.

Dự án quy hoạch khu trung tâm văn hóa, thể dục thể thao huyện Đông Anh với tổng diện tích nghiên cứu quy hoạch chi tiết gần 70.000 m2, Dự án bãi đỗ xe Hải Bối rộng hơn 14.037m2 với tổng số vốn 14,41 tỷ đồng... cũng đang được huyện Đông Anh quan tâm xúc tiến.

Phát triển đồng bộ để hướng tới lên quận vào năm 2020

Ngày 23/10, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội - dẫn đầu đoàn công tác của TP làm việc với lãnh đạo huyện Đông Anh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và các nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2018. Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP đánh giá cao những nỗ lực phát triển toàn diện trên địa bàn và đề nghị các đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp để lập đề án xây dựng huyện Đông Anh lên quận vào năm 2020.

Là cửa ngõ phía Bắc của thủ đô, lại là huyện rộng với tỷ lệ dân trí cao, Đông Anh được đánh giá là có đầy đủ tiềm năng phát triển trở thành khu đô thị hiện đại trong tương lai. Chủ tịch UBND TP cũng giao cho huyện phối hợp các đơn vị liên quan,tổ chức lập quy hoạch 1/500 theo hướng hiện đại với đô thị bao gồm các khu vui chơi giải trí, khu công viên phần mềm, trung tâm mua sắm cao cấp; khu dịch vụ chữa bệnh… tập trung mô hình phát triển thành phố công nghiệp phục vụ nghiên cứu và phát triển, sáng tạo đầu tiên của Việt Nam hứa hẹn sẽ mang lại một sự thay đổi vô cùng khác lạ và hợp lòng dân.

Ngoài ra, để đảm bảo yêu cầu phát triển, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề nghị huyện Đông Anh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hoàn thành giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm: Triển lãm Quốc gia, khu Công viên phần mềm và dự kiến về động thổ TP thông minh tạo bước đà thuận lợi trong công cuộc xây dựng và phát triển huyện đúng với định hướng mà đề án đưa ra.

Hiện tại, huyện Đông Anh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn; hoàn thành việc giao đất ở (đất dịch vụ) cho các hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện nhận; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện có hiệu quả ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và phần mềm một cửa “3 cấp”; tiếp tục triển khai các đề án "Chiếu sáng nông thôn", "Quản lý ao hồ", "Trồng và quản lý cây xanh" và một số đề án thành phần, thuộc đề án xây dựng huyện Đông Anh trở thành quận...

Đằng sau những nỗ lực to lớn để phát triển Kinh tế xã hội theo hướng toàn diện, huyện cũng tập trung thực hiện quyết liệt công tác quản lý đấy đai, trật tự xây dựng, tiếp tục phát huy kỷ cương hành chính, chủ động áp dụng những thành quả từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0... nhằm chuẩn hóa bộ máy hành chính theo tiêu chuẩn tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện.

Ánh Nguyệt

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/huyen-dong-anh-phat-trien-da-dang-cac-loai-hinh-kinh-te-112173.html