Huyện Đan Phượng (Hà Nội) xây dựng NTM: Đường 'nở' hoa, nhà có số

Là huyện đầu tiên của Hà Nội được công nhận huyện nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015, bước sang giai đoạn 2016- 2020, huyện Đan Phượng vẫn tiếp tục phát động phong trào thi đua 'Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới' với nhiều tiêu chí cụ thể.

Đường "nở" hoa tại huyện Đan Phượng

Đường "nở" hoa, nhà có số

Phó Chủ tịch UBND xã Phương Đình Phạm Thị Thu - Trưởng ban Chỉ đạo mô hình “đường nở hoa, nhà có số” chia sẻ: Đi trước, làm trước để rút kinh nghiệm nên khi bắt tay vào thực hiện, Ban Chỉ đạo đường “nở hoa”, nhà có số, Phương Đình đã gặp không ít khó khăn. Bởi đó là một chặng đường chưa ai đi, địa phương cũng chưa có mô hình xây dựng trước đó để học tập và làm theo…

“Nhưng, càng khó khăn, Phương Đình lại càng quyết tâm cao. Xã tiến hành lập Ban Chỉ đạo, cử cán bộ phụ trách các thôn trực tiếp xuống tham dự sinh hoạt chi bộ, tổ chức hội nghị họp Nhân dân để tuyên truyền về công tác xã hội hóa, thông báo rộng rãi và công khai dân chủ để xin ý kiến người dân. Chúng tôi xác định công tác chỉ đạo về đường “nở hoa”, chủ yếu bằng nguồn xã hội hóa, nhằm làm đẹp cho thôn, các ngõ, xóm, cho mỗi gia đình trong thôn. Khi triển khai, xã quán triệt tinh thần Nhân dân trực tiếp là người tham gia và được hưởng thụ kết quả đó.

Với sự tập trung, quyết liệt, nhất là sự đồng thuận, nhiệt tình tham gia của Nhân dân nên sau hơn một tháng triển khai, xã đã có 4 tuyến đường “nở hoa”, gồm: Thôn Ích Vịnh có 2 đoạn đường dài khoảng 700m, thôn Cổ Hạ với chiều dài 320m, thôn Địch Trọng do Đoàn thanh niên xã cùng với chi đoàn thôn đảm nhận và triển khai dài 50m; 10/10 thôn tổ chức họp chi bộ, thành lập Ban vận động, đánh số trên sơ đồ khổ A3; có 6/10 thôn thu tiền và đặt biển số nhà…”- bà Thu chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, không chỉ ở Phương Đình, hiện nay, huyện cũng đang chỉ đạo tập trung xây dựng NTM kiểu mẫu ở các xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung. Năm 2017, các xã trong toàn huyện tích cực vận động nhân dân tham gia thực hiện Chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu, trọng tâm là xã hội hóa xây dựng đường trồng hoa, gắn biển số nhà. Đến nay, các xã đã triển khai tuyên truyền, vận động nhân dân trồng hoa trên các đoạn đường kinh phí ước đạt trên 276 triệu đồng, trong đó, ngân sách xã 42,84 triệu đồng, xã hội hóa được trên 240 triệu đồng; Cơ bản hoàn thành việc đặt tên đường, gắn biển số nhà ở các xã, thị trấn, xây dựng được 74 tuyến đường với 12,3 km "đường có hoa".

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối nông thôn mới, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Lê Thiết Cương khẳng định: Huyện Đan Phượng xứng đáng là cánh chim đầu đàn trong thực hiện Chương trình 02 giai đoạn 2011 - 2015, đến nay, tiếp tục là tiên phong trong thực hiện nông thôn mới kiểu mẫu. Phong trào xây dựng “đường có hoa, nhà có số, phố có tên” là sáng tạo của Đan Phượng trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Xã nông thôn mới kiểu mẫu không có tiêu chí chung của cả nước mà tùy theo điều kiện của từng địa phương để triển khai xây dựng. Bởi vậy, tinh thần chủ động, linh hoạt cùng cách làm sáng tạo của Đan Phượng cần được nhân rộng để các địa phương khác học tập.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Cùng với việc tập trung chỉ đạo các xã tập trung xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Đan Phượng đã ban hành Kế hoạch số 04-KH/BCĐ ngày 10/2/2017 về thực hiện chương trình “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” năm 2017. Trong đó, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong phát triển nông nghiệp: Chú trọng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực.

Theo đó, huyện chỉ đạo các xã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển nông nghiệp theo vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao; đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả thực hiện các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã được phê duyệt. Hoàn thành dự án xây dựng nhà màng lưới trồng rau an toàn Trường mầm non Phương Đình, Thọ Xuân; phê duyệt dự án nghiên cứu, sưu tập, bảo tồn và phát triển nguồn gene thực vật quý hiếm phục vụ công tác chọn, tạo và nhân giống cây trồng chất lượng cao xã Đan Phượng (0,48ha); phê duyệt và triển khai thực hiện dự án chăm sóc phục hồi bưởi tôm vàng xã Thượng Mỗ.

Đến nay, huyện chuyển đổi 1.220,9 ha, trong đó có 452,3 ha trồng hoa, 171 ha trồng rau, 202,4 ha trồng cây ăn quả... Hầu hết các diện tích chuyển đổi đều cho thu nhập khá, đạt từ 230 triệu đến 370 triệu đồng/năm, tăng từ ba đến bảy lần so với trồng lúa. Những hộ trồng hoa ly cho thu nhập bình quân gần một tỷ đồng/ha/vụ, do người dân biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như lợp màng - lưới, xử lý đất, hệ thống tưới phun tự động, kho lạnh bảo quản giống, sơ chế hoa thương phẩm... Nhiều hộ chuyển sang trồng hoa cao cấp.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, huyện đang phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội báo cáo UBND thành phố đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập khu nông nghiệp CNC với diện tích 9,44 ha tại xã Song Phượng; đẩy mạnh các biện pháp thâm canh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, lựa chọn các giống chất lượng, năng suất cao đưa vào sản xuất; phát triển các khu chuyên canh tập trung, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa; bước đầu hình thành các dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình có năng lực, đủ điều kiện đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC và được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của thành phố; thu hút các doanh nghiệp liên kết với nông dân hình thành mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…

Huyền Anh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/huyen-dan-phuong-ha-noi-xay-dung-ntm-duong-no-hoa-nha-co-so-post241662.info