Huyện Đan Phượng có nhiều lợi thế cho phát triển du lịch

Đây là đánh giá của bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội tại buổi Tọa đàm 'Liên kết hợp tác phát triển du lịch huyện Đan Phượng'.Đây là đánh giá của bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội tại buổi Tọa đàm 'Liên kết hợp tác phát triển du lịch huyện Đan Phượng'.

Tọa đàm “Liên kết hợp tác phát triển du lịch huyện Đan Phượng”. Ảnh: Xuân Cường

Tọa đàm “Liên kết hợp tác phát triển du lịch huyện Đan Phượng”. Ảnh: Xuân Cường

Ngày 17/4, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với huyện Đan Phượng tổ chức buổi Tọa đàm “Liên kết hợp tác phát triển du lịch huyện Đan Phượng”.

Phù hợp với hình thức du lịch tâm linh và tìm hiểu văn hóa tín ngưỡng truyền thống

Theo bà Đặng Hương Giang, Đan Phượng có nhiều lợi thế cho phát triển du lịch và hệ thống lưu trú chất lượng cao. Để khai thác các tiềm năng du lịch của Đan Phượng, rất cần sự vào cuộc của các chính quyền và người dân để phát triển lĩnh vực này.

"Để thu hút khách du lịch cần quan tâm đến việc thỏa mãn những nhu cầu quan trọng nhất của khách du lịch là được trải nghiệm những điều mới lạ, độc đáo, thư giãn cũng như trải nghiệm văn hóa ẩm thực đặc sắc của điểm đến" - Giám đốc Sở Du lịch Đặng Hương Giang nhấn mạnh.

Đan Phượng là huyện ngoại thành ở phía Tây của thủ đô Hà Nội, được biết đến là một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử và văn hóa; nơi đây, đã sản sinh ra nhiều loại hình văn hóa dân gian độc đáo như chèo tàu, ca trù, thả diều, góp phần làm phong phú nền văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Đặc biệt, Đan Phượng là nơi có hệ thống di tích lịch sử văn hóa dày đặc và đa dạng, ở các làng, thôn rất phù hợp với hình thức du lịch tâm linh và tìm hiểu văn hóa tín ngưỡng truyền thống.

Du lịch có vị trí, vai trò của trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đan Phượng

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho rằng, ngành kinh tế du lịch có vị trí, vai trò trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Theo đó, huyện Đan Phượng sẽ chú trọng phát triển du lịch, để khai thác tiềm năng, lợi thế của một miền quê thanh bình, trù phú và rất năng động.

Ông Trần Đức Hải thông tin, huyện có 150 di tích lịch sử, nhiều làng nghề với các sản phẩm OCOP đặc trưng… Đây là tiềm năng lớn để khai thác phát triển du lịch. Việc liên kết các doanh nghiệp du lịch với các xã, đơn vị cung cấp dịch vụ tại địa phương sẽ thu hút khách, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương. Trong thời gian trước mắt, huyện Đan Phượng tập trung khai thác thị trường nội địa, cụ thể phân khúc là khách học sinh.

Được biết, sau khi Thành phố Hà Nội công nhận hai điểm du lịch của Huyện là điểm du lịch cấp thành phố, tối 17/4, huyện Đan Phượng sẽ tổ chức công bố điểm du lịch xã Hạ Mỗ và điểm du lịch Khu sinh thái Đan Phượng được công nhận là điểm du lịch cấp thành phố.

Cũng theo ông Trần Đức Hải, với mong muốn từng bước xây dựng xã Hạ Mỗ, Khu sinh thái Đan Phượng là điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô, UBND huyện Đan Phượng sẽ tập trung tổ chức các hoạt động, xây dựng các sản phẩm du lịch truyền thống, thân thiện với môi trường, hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của du khách để thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

"Đây là cơ hội để địa phương thu hút các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất phục vụ du lịch, với những tài nguyên du lịch sẵn có của huyện, huyện tập trung phát triển các loại hình du lịch Du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm nông nghiệp và du lịch các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể" - Bí thư Huyện ủy Đan Phượng nhấn mạnh./.

Bảo Trân

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/huyen-dan-phuong-co-nhieu-loi-the-cho-phat-trien-du-lich-20210419094701175.htm