Huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai: Người dân lao đao vì 'vàng đen'

Hồ tiêu từng giúp những người nông dân Tây Nguyên cầm tiền tỷ trong tay, mua nhà lầu, xe hơi. Tuy nhiên, những năm gần đây, hồ tiêu bị dịch bệnh chết, giá giảm thấp đã khiến người dân ôm nợ phải bán nhà, bán đất hoặc đi biệt xứ.

Ông Khôi buồn rầu nhìn vườn tiêu chết trơ gốc giữa trời. Ảnh: Đ.Huy

Ông Khôi buồn rầu nhìn vườn tiêu chết trơ gốc giữa trời. Ảnh: Đ.Huy

Nước mắt “vàng đen”

Những ngày giữa tháng 4/2019, chúng tôi có dịp đến thăm vùng đất từng được mệnh danh là “thủ phủ hồ tiêu”. Khi chúng tôi đến, người dân không còn khấp khởi vui mừng vì được mùa như những năm trước mà chỉ là những nét mặt buồn rầu, ảm đạm khi tiêu chết, giá xuống kịch sàn. Thay vào những vườn tiêu tươi tốt, nặng trĩu quả thì nơi đây chỉ còn trơ lại thân khô, đất đai khô cằn.

Gương mặt buồn rầu, ông Nguyễn Văn Khôi (50 tuổi, xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) cho hay, trước đây hồ tiêu được ví như “vàng đen”. Không những vậy ông từng trở thành một đại gia, nắm tiền tỷ trong tay cũng nhờ hồ tiêu. Những năm 2010-2015, giá hồ tiêu cao ngất ngưởng, từ 160.000 – 250.000 đồng/kg. Vì vậy, nhiều hộ gia đình có thể xây nhà lầu, mua xe hơi và tiếp tục đầu tư trồng thêm tiêu với mong muốn đổi đời.

Năm 1996, gia đình ông Khôi chỉ có 300 trụ tiêu, sau khi thu hoạch xong ông lại lấy tiền lãi tiếp tục mua giống về nhân rộng. Năm 2014, nhà ông đã có hơn 10.000 trụ tiêu. Số lượng tiêu lớn và liên tiếp trong 2 năm giá tiêu cao ngất ngưởng giúp gia đình ông thu về hơn 2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau đó người dân xuống giống ồ ạt, không hiểu rõ về giống cây trồng này nên sâu bệnh hại xuất hiện nhiều. Do đó, tiêu chết hàng loạt khiến nhiều người lao đao, mất hàng trăm triệu đồng. Không những thế, những năm trở lại đây giá tiêu hạ nhanh chóng khiến nhiều hộ gia đình không kịp trở tay dẫn đến lỗ, “lãi mẹ đè lãi con”. “Ngay cả nhà tôi bây giờ có căn nhà 2 tầng khang trang, nhưng cũng đang là của ngân hàng hết rồi. Số nợ gần 2 tỷ đồng, mỗi năm gia đình trả hơn 180 triệu đồng tiền lãi nhưng gia đình không biết kiếm tiền từ đâu nữa, vì tiêu chết cả rồi”, ông Khôi buồn rầu.

Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, bà Bùi Thị Thành (trú tại xã Ia Băng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) lắc đầu ngao ngán khi nhắc đến hồ tiêu. Người phụ nữ với nước da ngăm đen đưa ánh mắt về phía vườn tiêu chết khô cho hay, để đầu tư vào trồng tiêu, gia đình bà phải vay mượn 450 triệu đồng để trồng 3.000 trụ tiêu, mỗi năm phải chịu 50 triệu đồng tiền lãi.

“Hồ tiêu của gia đình thì bị bệnh chết hết cả rồi, nhà tôi chẳng biết trông đợi nguồn vốn nào để trả tiền nợ ngân hàng cả cô chú ạ. Chúng tôi cũng treo biển bán đất rồi nhưng không có ai buồn ghé vào hỏi mua. Đất bán không được, lại chẳng giám trồng tiêu nữa nên gia đình tôi cứ để đất không vậy thôi. Thời gian tới vợ chồng tôi tính vào TPHCM để kiếm việc làm trả nợ ngân hàng…”, bà Thành đau xót.

Vỡ nợ vì hồ tiêu

Nhiều nhà đóng cửa, treo biển bán đất vì bể nợ hồ tiêu.

Không chỉ có gia đình bà Thành và ông Khôi lao đao vì hồ tiêu mà hiện nay, nhiều hộ gia đình cũng chật vật, mất ăn mất ngủ để kiếm tiền trả nợ. Những trụ tiêu trước đây, các hộ dân mua với giá 250.000 đồng/trụ. Giờ đây tiêu chết, người dân đành ngậm ngùi bán với giá 40.000 đồng/trụ để trả bớt lãi và lấy tiền sinh hoạt mỗi ngày.

Từng là đại gia hồ tiêu, ông Phạm Hồng Sơn (71 tuổi, trú tại thôn Thiên An, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) có lúc thu về hàng tỷ đồng do được giá, được mùa. Tuy nhiên, bỗng chốc dịch bệnh kéo về, đổ lên 6.000 trụ tiêu của gia đình ông khiến cả vườn chỉ còn trơ lại thân cây khô khốc.

Chứng kiến cảnh cả vườn hồ tiêu mà mình gây dựng suốt bao nhiêu năm chết khô, ông bắt đầu dốc hết vốn liếng, vay mượn thêm tiền bạc để mua giống mới về trồng lại. Tuy nhiên, 5.000 trụ tiêu chỉ mới xuống được ít hôm lại tiếp tục nhiễm bệnh rồi chết hàng loạt khiến gia đình ông lực bất tòng tâm. “11.000 trụ tiêu chết trong 2 đợt khiến nhà tôi đang ôm khoản nợ 1,5 tỷ đồng. Hiện nay, cứ 3 tháng gia đình lại phải đóng 40 triệu đồng tiền lãi. Gia đình giờ đây cũng không biết kiếm đâu ra tiền để trả lãi, huống hồ gì kiếm tiền trả gốc”, ông Sơn buồn nói.

Ông Lê Quang Vang, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 1.400 lao động đã rời địa phương đi làm ăn xa nhằm kiếm tiền trả nợ do vay mượn trồng hồ tiêu hoặc kiếm tiền lo cho cuộc sống gia đình. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Gia Lai, tổng dư nợ mà người dân toàn tỉnh Gia Lai vay trồng tiêu là trên 4.300 tỷ đồng với hơn 26.000 hộ vay. Diện tích hơn 5.500ha hồ tiêu bị dịch bệnh chết, giá hồ tiêu tụt dốc nên nhiều hộ dân không có khả năng trả nợ ngân hàng. Nhiều người đã phải rời khỏi địa phương đi làm ăn xa để trốn nợ.

Để hỗ trợ người dân trả nợ và ổn định cuộc sống, trong cuộc họp báo định kì, ông Nguyễn Văn Cư, Giám đốc Ngân hàng Nhà Nước chi nhánh tại Gia Lai cho biết, trước khoản nợ lớn của người dân ngân hàng đã có nhiều giải pháp tháo gỡ. Cụ thể, ngân hàng sẽ cơ cấu thời hạn nợ, điều chỉnh thời hạn nợ, gia hạn thời hạn nợ. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng sẽ có giải pháp giảm lãi suất hoặc miễn giảm lãi tiền vay cho người vay, hoặc ngân hàng cũng xem xét cho người dân vay lại để tái cơ cấu cây trồng…

Thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Chư Pưh, trước đây, diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện là hơn 3.000 ha. Nhưng hiện tại, theo thống kê toàn huyện chỉ còn hơn 1.000 ha hồ tiêu. Nguyên nhân chính khiến hồ tiêu chết nhanh và chết hàng loạt là do mưa kéo dài khiến rễ cây bị thối. Bên cạnh đó, một số trụ tiêu đã già và gặp sâu bệnh.

Đức Huy

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/huyen-chu-puh-tinh-gia-lai-nguoi-dan-lao-dao-vi-vang-den-20190417211753306.htm