Huyện Chiêm Hóa đẩy mạnh xã hội hóa phương tiện tránh thai

Huyện Chiêm Hóa là một trong những địa phương được tỉnh Tuyên Quang lựa chọn thí điểm Đề án Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT) và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại khu vực thành thị, nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020 (gọi tắt là Đề án 818).

Trước đây, người dân Chiêm Hóa đã quen với việc sử dụng miễn phí các biện pháp tránh thai nên việc thực hiện xã hội hóa bước đầu gặp không ít khó khăn. Để thực hiện tốt công tác xã hội hóa phương tiện tránh thai, các cộng tác viên dân số của 26 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tổ chức các hoạt động tư vấn, vận động từ tập trung đến riêng lẻ. Các hoạt động tuyên truyền, tư vấn đã góp phần quan trọng nâng cao ý thức của người dân trong việc chủ động sử dụng các PTTT để bảo đảm sức khỏe sinh sản.

Một trong những địa phương được huyện Chiêm Hóa lực chọn thí điểm đề án 818 là thị trấn Vĩnh Lộc. Cả thị trấn có trên 2.200 hộ gia đình, trong đó có trên 1.360 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Theo số liệu thống kê, hàng năm, số cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại trên địa bàn đạt tỷ lệ trên 80%. Nhận thức của người dân về PTTT, dịch vụ chăm sóc SKSS ngày càng nâng cao, dẫn đến thay đổi hành động từ nhận miễn phí chuyển sang tự chi trả sản phẩm.

Thực hiện Đề án, Ban chỉ đạo DS-KHHGĐ, thị trấn Vĩnh Lộc đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức truyền thông, tư vấn trực tiếp tại 23 khu dân cư. Cộng tác viên DS/ KHHGĐ phối hợp với các tổ chức đoàn thể tại khu dân cư truyền thông, tư vấn trực tiếp nhằm cung cấp thông tin, kiến thức sử dụng PTTT cho người dân.

Cộng tác viên dân số tuyên truyền cho chị em phụ nữ các biện pháp tránh thai tại thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa

Bà Phạm Thị Nhi, Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Chiêm Hóa cho biết, việc thực hiện xã hội hóa các PTTT giúp giảm tải gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, đồng thời đẩy mạnh việc tiếp cận của người dân với các PTTT có chất lượng cao. Huyện Chiêm Hóa đã tổ chức tập huấn, bổ sung kiến thức, kỹ năng tư vấn, kỹ thuật cho người cung cấp dịch vụ tránh thai. Các cộng tác viên thường xuyên được trau dồi kỹ năng nhằm nâng cao nghiệp vụ đảm bảo phục vụ tốt mọi đối tượng. Trong thời gian tới, huyện tập sẽ trung vào một số giải pháp trọng tâm như phát triển thị trường phương tiện tránh thai, tuyên truyền đến từng hộ gia đình, nâng cao năng lực của cộng tác viên dân số để tạo tiền đề cho việc xã hội hóa các phương tiện tránh thai được triển khai sâu rộng và hiệu quả.

Chị Ma Thị Huế, cộng tác viên dân số thị trấn Vĩnh Lộc cho biết, tại các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ năng tư vấn, chị đã được giới thiệu các sản phẩm phân phối trong Đề án 818, sau đó tập luyện kỹ năng giao tiếp đối với đối tượng có nhu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai,... để tuyên truyền cho người dân về độ an toàn, hiệu quả và khả năng phục hồi sinh nở sau khi sử dụng sản phẩm tránh thai. Theo chị Huế, muốn người dân hiểu được tầm quan trọng của PTTT hay các sản phẩm chăm sóc SKSS thì bản thân những công tác viên, tuyên truyền viên phải là người hiểu sâu sắc về các sản phẩm nói riêng và đề án 818 nói chung.

Chị Nông Thị Thu Hương, thôn Ngoan A, xã Xuân Quang cho biết, vợ chồng chị đã có 1 con và đang trong giai đoạn kế hoạch con cái để tập trung lăm ăn. Hiện nay, chị đang thực hiện biện pháp tránh thai bằng cách uống thuốc hàng ngày. Trước đây, chị vẫn thường sử dụng thuốc tránh thai được phát miễn phí. Bây giờ, Nhà nước không còn hỗ trợ, chị đã tự mua thuốc để bảo vệ sức khỏe cho chính mình. Chị cho rằng chủ trương này hoàn toàn đúng đắn, bởi mức sống của người dân đã khá hơn trước.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/huyen-chiem-hoa-day-manh-xa-hoi-hoa-phuong-tien-tranh-thai-107319.html