Huyện Cẩm Thủy thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội

Cưới vui tiết kiệm, tang không cỗ bàn rình rang là mục tiêu cơ bản trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị về 'Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội' và đã tạo sức lan tỏa, mang lại hiệu quả đáng kể trong đời sống xã hội. Nhiều hủ tục từng bước được xóa bỏ, nếp sống văn minh được lan tỏa, bồi đắp...

Lễ hội chùa Cợi tại xã Cẩm Tâm.

Để việc thực hiện Chỉ thị 27 mang lại hiệu quả, huyện Cẩm Thủy đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; gắn việc thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang với việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phong trào xây dựng thôn, làng, cơ quan, đơn vị văn hóa; phong trào xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, phòng văn hóa - thông tin huyện đã phối hợp với phòng tư pháp hướng dẫn các địa phương xây dựng và chỉnh sửa quy ước, hương ước thôn, làng phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, vận động nhân dân nghiêm chỉnh thực hiện tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng gia đình hòa thuận, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo. Các xã, thị trấn đã tổ chức triển khai, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; nêu gương, nhân rộng mô hình hay, việc làm thiết thực của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên; kịp thời phê phán những hiện tượng tiêu cực, hủ tục, mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện, về việc cưới, phần lớn các đám cưới được thực hiện theo đúng quy định về Luật Hôn nhân và Gia đình, các đám cưới đều được đăng ký kết hôn, lễ cưới được đơn giản hóa, không rườm rà kéo dài thời gian gây tốn kém; trong đám cưới không mời thuốc lá, một số đám cưới hạn chế khách mời, số lượng phù hợp, không phô trương; nhiều hủ tục đã được xóa bỏ. Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức đi dự lễ cưới trong giờ làm việc giảm rõ rệt. Việc tổ chức đưa đón dâu đã chấp hành pháp luật an toàn giao thông và trật tự công cộng. Một số vùng đồng bào dân tộc như Mường - Dao đã bỏ hẳn lễ thách cưới, không tổ chức ăn uống dài ngày gây lãng phí thời gian và tiền của. Điển hình như xã Cẩm Phú, Cẩm Bình, Cẩm Quý, Cẩm Châu, Cẩm Tâm trước đây dân tộc Mường từ khi ăn hỏi đến khi thách cưới phải sắm đủ lễ vật cho nhà gái (trị giá ước tính hàng chục triệu đồng) nay chỉ còn khoảng vài trăm ngàn đồng cho việc sắm lễ vật, các thủ tục gọn nhẹ không còn rườm rà như trước. Cẩm Vân đã triển khai khắp các thôn việc không tổ chức ăn uống đông người, không hút thuốc lá tại các đám cưới và trong các ngày lễ hội của làng; nhiều thôn đám cưới được tổ chức theo nếp sống mới tại nhà văn hóa thôn do đoàn thanh niên đứng ra tổ chức.

Đối với việc tang, được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa của từng dân tộc và hoàn cảnh gia đình. Việc tổ chức phúng viếng đảm bảo trang trọng, phù hợp với truyền thống đạo lý dân tộc. Thời gian tổ chức lễ tang thực hiện đúng theo quy định, không quá 24 giờ. Nhiều hủ tục trong đám tang như: Phúng cỗ chín, ăn uống linh đình, lăn đường, yểm bùa, khóc mướn, rắc tiền thật, rải vàng mã, tiền âm phủ đã giảm đáng kể. Các nghĩa trang đã được xây dựng theo quy hoạch, vị trí đều ở xa khu dân cư, đảm bảo tiện lợi cho việc chôn cất, phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang. Việc sử dụng lễ viếng bằng vòng hoa, bức trướng trong đám tang đã giảm đi rất nhiều. Một số nơi đã thực hiện bỏ tiếp thuốc lá trong lễ tang... Điều đáng ghi nhận từ khi thực hiện quy định về nếp sống văn hóa, văn minh trong đám cưới, đám tang, nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã bớt vất vả, vừa tiết kiệm kinh tế lại vừa xây dựng nét đẹp trong đời sống văn hóa. Đặc biệt, các xã vùng sâu, vùng xa, đông đồng bào dân tộc thiểu số những hủ tục, thói quen cũ như tảo hôn, mê tín dị đoan, ma chay, cưới hỏi dài ngày, thách cưới, thói quen ăn ở mất vệ sinh đã được giảm đi rõ rệt. Cũng theo Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, năm 2018, toàn huyện có trên 97% số đám cưới và đám tang thực hiện tốt nếp sống văn minh.

Riêng về thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các lễ hội được tổ chức quy củ, trang trọng về phần lễ, văn minh phần hội nhưng vẫn đảm bảo tính linh thiêng, truyền thống. Nhiều nghi thức lễ hội truyền thống được phục dựng, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian như thi đấu cờ người, bịt mắt đánh trống, đập niêu, kéo co, đẩy gậy, tung còn, múa Pồn Pôông... được tổ chức đáp ứng đời sống tinh thần của nhân dân. Bên cạnh đó, các lễ hội đều đảm bảo an ninh trật tự, sắp xếp hàng quán khoa học, trong khuôn viên di tích không có hàng quán; bố trí bãi đỗ xe hợp lý, tổ chức trông giữ phương tiện cho du khách...

Có thể nói, những kết quả trong việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn huyện Cẩm Thủy thời gian qua rất đáng ghi nhận. Với sự vào cuộc tích cực của các xã, thị trấn, sự tham gia ủng hộ của người dân, việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã đi vào chiều sâu, xây dựng đời sống tinh thần tốt đẹp hơn trong cộng đồng dân cư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển. Để việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh ngày càng lan tỏa, tạo sự chuyển biến thực chất, rõ nét hơn trong các cơ quan, đơn vị, địa phương, năm 2019, huyện Cẩm Thủy tiếp tục xây dựng chuẩn mực về nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tại thôn (làng, bản, khu phố), tổ dân và trong cộng đồng dân cư trên địa bàn toàn huyện.

Bài và ảnh: Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/huyen-cam-thuy-thuc-hien-nep-song-van-minh-trong-viec-cuoi-viec-tang-va-le-hoi/100396.htm