Huyện Cẩm Thủy nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở

Xác định tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, những năm qua huyện Cẩm Thủy đã có nhiều giải pháp tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này, góp phần giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng dân cư, gắn kết tình làng nghĩa xóm, giữ vững ổn định an ninh trật tự ở địa phương.

Một buổi tuyên truyền pháp luật tại xã Cẩm Long.

Đồng chí Vũ Thị Lợi, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Cẩm Thủy, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện Cẩm Thủy có 119 tổ hòa giải, với 859 hòa giải viên. Các hòa giải viên là những người có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong cộng đồng dân cư, hiểu biết về pháp luật và kinh nghiệm trong công tác hòa giải nên có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân. Để nâng cao chất lượng công tác hòa giải, huyện đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở. Đối với đội ngũ hòa giải viên, hàng năm phòng tư pháp phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Năm 2019, huyện đã tổ chức được 383 hội nghị, 42.329 lượt người tham gia tiếp thu các văn bản pháp luật về hôn nhân và gia đình, thú y, lâm nghiệp, thủy lợi, tố cáo, giao thông đường bộ; phòng, chống lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc... Đặc biệt, đối với những xã miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thì công tác tuyên truyền được chú trọng hơn, không chỉ tuyên truyền ở các hội nghị tập huấn mà các hòa giải viên còn xuống tận thôn, bản, hộ gia đình để chủ động nắm bắt tình hình, vụ việc, kịp thời hòa giải các tranh chấp nhỏ ngay tại thôn, bản. Bên cạnh đó, Phòng Tư pháp còn phối hợp với UBND các xã, thị trấn cung cấp tài liệu, tờ rơi, tờ gấp, phát các bản tin tuyên truyền pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh của địa phương, lồng ghép hoạt động hòa giải với các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng làng, xã văn hóa”... phòng tư pháp huyện, UBND các xã, thị trấn còn thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi nghiệp vụ giữa các tổ hòa giải của địa phương và các xã lân cận để các hòa giải viên có cơ hội trao đổi nghiệp vụ, nâng cao khả năng thuyết trình, kỹ năng xử lý tình huống. Hàng năm, phòng tư pháp tham mưu cho UBND huyện tổ chức Hội thi “Hòa giải viên giỏi”, thông qua hội thi, các đội đã mang đến lượng kiến thức khá lớn trong các lĩnh vực pháp luật về dân sự, hình sự, đất đai... nhiều tiểu phẩm dự thi có nội dung sâu sắc, gắn với các vụ việc mâu thuẫn, xích mích phát sinh trong đời sống của hộ gia đình, cộng đồng dân cư, thu hút sự quan tâm, theo dõi của người dân, góp phần tuyên truyền pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân địa phương.

Từ khi thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, trung bình mỗi năm các tổ hòa giải trên địa bàn huyện đã tiến hành hòa giải thành công trên 60% số vụ tranh chấp trong dân cư, chủ yếu là về hôn nhân và gia đình. Việc mở sổ theo dõi hoạt động hòa giải theo hướng dẫn, hàng tháng có báo cáo về công tác hòa giải và thực hiện giao ban ở tổ theo định kỳ được làm tốt. Năm 2019, các tổ hòa giải trên địa bàn huyện đã tiếp nhận 76 vụ việc, chủ yếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình. Các tổ hòa giải đã hòa giải thành công 59 vụ (đạt 80%).

Điển hình ở xã Cẩm Long, công tác hòa giải luôn được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm, các vụ tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra được các tổ hòa giải kịp thời giải quyết tại các thôn, không để kéo dài, không gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Chị Trịnh Thị Liễu, công chức tư pháp xã Cẩm Long, cho biết: Xã hiện có 6 tổ hòa giải tại 6 thôn, với 44 hòa giải viên. Các thành viên trong tổ hòa giải của thôn đều là người có uy tín, hiểu biết về pháp luật, gồm: Bí thư chi bộ, trưởng thôn, đại diện ban công tác mặt trận và các chi hội, đoàn thể, người có uy tín của thôn. Các thành viên trong tổ chủ động tìm hiểu, tiếp thu kiến thức về pháp luật, nhất là các lĩnh vực thường gặp ở địa phương, như: Hôn nhân và gia đình, đất đai và các bộ luật khác. Khi có vụ việc xảy ra, tổ hòa giải tập hợp các hòa giải viên đến tìm hiểu rõ nguyên nhân, tổ chức gặp gỡ động viên, thuyết phục, lắng nghe ý kiến của các bên rồi họp bàn và đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả, hướng dẫn để các bên hiểu và tự thỏa thuận giải quyết với nhau trước sự chứng kiến của tổ hòa giải. Do đó, năm 2019, các tổ hòa giải trên địa bàn xã đã tiếp nhận hòa giải 16 vụ việc, trong đó hòa giải thành công 9 vụ việc, 7 vụ chuyển lên xã giải quyết theo thẩm quyền. Tiêu biểu nhất là tổ hòa giải thôn Long Tiến đã hòa giải thành 9/7 vụ việc.

Để nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, thời gian tới, huyện Cẩm Thủy tiếp tục tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ và phổ biến các văn bản luật mới ban hành, giúp hòa giải viên cập nhật thông tin kịp thời, đầy đủ, bảo đảm cơ sở vật chất thiết yếu, tài liệu pháp luật phục vụ hoạt động của các tổ hòa giải. Chú trọng đến công tác thi đua khen thưởng, động viên kịp thời những cá nhân, tập thể điển hình có cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện công tác hòa giải. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền PBGDPL nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân.

Tiến Đông

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phap-luat/huyen-cam-thuy-nang-cao-chat-luong-cong-tac-hoa-giai-o-co-so/113677.htm