Huyện Bình Chánh (Tp.Hồ Chí Minh) – Bài 2: Phớt lờ chỉ đạo của Thành phố Công ty bê tông Lê Phan vẫn ngang nhiên hoạt động, trách nhiệm thuộc về ai?

Mặc dù UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản thống nhất yêu cầu chi nhánh công ty TNHH xây dựng Lê Phan chấm dứt hoạt động sản xuất và tổ chức di dời trạm trộn sản xuất bê tông Lê Phan Nam Sài Gòn trước ngày 31/5/2018 nhưng đến nay đã 7 tháng trôi qua nhưng trạm trộn bê tông của công ty Lê Phan vẫn ngang nhiên hoạt động, coi thường pháp luật. Có hay không việc 'bật đèn xanh', tạo điều kiện cho công ty Lê Phan hoạt động của UBND huyện Bình Chánh và Ban quản lý khu Nam?

<span data-mce-type="bookmark" style="display: inline-block; width: 0px; overflow: hidden; line-height: 0;"></span>

VIDEO CLIP: Công ty bê tông Lê Phan phớt lờ lệnh dừng vẫn ngang nhiên hoạt động

Huyện buông lỏng quản lý, “đá bóng” trách nhiệm?

Như Moitruong.net.vn đã thông tin trong bài báo đăng ngày 6/11/2018: “Huyện Bình Chánh (Tp. HCM) – Bài 1: Nhà máy bê tông Lê Phan hoạt động gây ô nhiễm môi trường, đổ thải trái phép”.

Để làm rõ trách nhiệm của UBND xã An Phú Tây và UBND huyện Bình Chánh trong công tác kiểm tra, xử lý hoạt động gây ô nhiễm môi trường của công ty bê tông Lê Phan, phóng viên Moitruong.net.vn đã có buổi làm việc với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Chánh.

Bà Hồ Ngọc Hiếu – Phó phòng Tài nguyên và Môi trường UBND huyện Bình Chánh làm việc với PV Moitruong.net.vn

Làm việc với phóng viên, bà Hồ Ngọc Hiếu – Phó phòng Tài nguyên và Môi trường UBND huyện Bình Chánh cho biết: Sau khi nhận được phản ánh của cơ quan báo chí, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Tp. Hồ Chí Minh, công an huyện Bình Chánh và UBND xã An Phú Tây kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của công ty Lê Phan nhưng công ty không hợp tác. Sau buổi làm việc hôm đó, các thành viên trong đoàn đã thống nhất xin ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành quyết định kiểm tra đột xuất công ty Lê Phan, sau khi có quyết định của Sở sẽ tiến hành kiểm tra công ty Lê Phan.

Được biết trạm trộn bê tông Lê Phan Nam Sài Gòn hoạt động tại khu chức năng số 19 – đô thị mới Nam thành phố từ năm 2009. Phần đất đặt trạm trộn sản xuất bê tông thuộc thẩm quyền sở hữu của bà Nguyễn Thị Lan với diện tích 15.995,25 m2 (đất nông nghiệp, chưa chuyển đổi mục đích).

Theo quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 được Ban quản lý khu Nam và UBND Tp. HCM phê duyệt thì vị trí đặt trạm trộn bê tông Lê Phan hiện nay thuộc khu đất có chức năng quy hoạch và công viên. Đây là dự án công viên – vui chơi giải trí, là dự án thành phần của khu chức năng số 19 do công ty TNHH xây dựng – kinh doanh nhà – thương mại Xuân Lan làm chủ đầu tư. Như vậy, rõ ràng việc đặt trạm trộn bê tông Lê Phan hoạt động tại vị trí trên hoàn toàn sai so với quy hoạch của thành phố.

Trong thời gian tổ chức bồi thường giải phóng mặt bằng, căn cứ theo tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng khu chức năng số 19, xét đề nghị của chủ đầu tư, ban quản lý khu nam có văn bản số 128/BQLKN – KHĐT ngày 2/2/2007 cho phép công ty Lê Phan xây dựng tạm có thời hạn từ ngày 1/2/2007 đến 31/1/2008. Hết thời hạn trên, Ban quản lý khu Nam lần lượt có 7 văn bản gia hạn thời gian hoạt động của trạm trộn hằng năm. Văn bản gia hạn cuối cùng số 248/BQLKN – KHĐT ngày 23/3/2016 thời hạn đến hết 31/12/2016.

Tiếp theo ngày 9/1/2018 Ban quản lý khu Nam có công văn yêu cầu chi nhánh công ty TNHH xây dựng Lê Phan chấm dứt hoạt động sản xuất và tổ chức di dời trạm trộn sản xuất bê tông Lê Phan Nam Sài Gòn tại khu chức năng số 19 – đô thị mới Nam thành phố trước ngày 31/5/2018. Đồng thời UBND Thành phố cũng đã có văn bản thống nhất với báo cáo của Ban quản lý khu Nam. Tuy nhiên, từ đó đến nay công ty Lê Phan dường như công văn của ban quản lý khu Nam và UBND thành phố trở nên vô nghĩa khi mà hoạt động sản xuất bê tông vẫn diễn ra tấp nập hàng ngày, thách thức pháp luật.

Văn bản của UBND Tp. Hồ Chí Minh nói rõ, Trạm trộn bê tông Lê Phan phải dừng hoạt động và di dời trạm đi nơi khác trước ngày 31/5/2018

Vi phạm rõ ràng là vậy, thế nhưng suốt thời gian công ty Lê Phan hoạt động UBND xã An Phú Tây và UBND huyện Bình Chánh chưa một lần kiểm tra độc lập công ty Lê Phan mà chỉ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra vì lý do xã, huyện không đủ thẩm quyền kiểm tra và mỗi năm chỉ được kiểm tra doanh nghiệp một lần. Theo bà Hiếu, trách nhiệm kiểm tra thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường và ban quản lý khu Nam vì ban quản lý khu Nam được thành phố giao cho quản lý dự án. Là một cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm giám sát hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn, với hoạt động kiểm tra như vậy, phải chăng xã An Phú Tây và huyện Bình Chánh đã quá buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong công việc?

Hơn nữa chỉ khi báo chí phản ánh xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh mới tá hỏa kiểm tra và phát hiện công ty Lê Phan đã hết hạn thuê đất chứ trước đó không hề hay biết?

“Trong suốt thời gian hoạt động của công ty Lê Phan, huyện phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra hàng năm nhưng chỉ có năm 2016 công ty Lê Phan mới bị xử phạt vì xả nước thải vượt quy chuẩn còn những lần kiểm tra khác công ty đều chấp hành nghiêm túc Luật bảo vệ môi trường. Huyện cũng có yêu cầu công ty gửi kết quả quan trắc môi trường định kì để huyện theo dõi nhưng công ty không gửi.” Bà Hiếu thông tin thêm

Công ty Lê Phan là 1 doanh nghiệp sản xuất bê tông lớn trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh nhưng các cuộc kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường đều cho kết quả đẹp. Phải chăng mỗi lần kiểm tra đều có sự thông báo trước để doanh nghiệp có sự chuẩn bị?

Ban quản lý khu Nam bất lực hay “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp hoạt động?

Theo báo cáo của Ban quản lý khu Nam về chủ trương xây dựng trạm trộn sản xuất bê tông của công ty Lê Phan là do trong thời gian tổ chức bồi thường giải phóng mặt bằng, căn cứ theo tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng khu chức năng số 19, xét đề nghị của chủ đầu tư, Ban quản lý khu Nam có văn bản số 128/BQLKN – KHĐT ngày 02/02/2007 cho phép công ty Lê Phan xây dựng tạm có thời hạn từ ngày 1/2/2007 đến ngày 31/01/2008.

Hết thời hạn nêu trên, căn cứ vào tình hình triển khai khu chức năng số 19, Ban quản lý khu Nam đã lần lượt có 07 văn bản gia hạn thời gian hoạt động của trạm trộn hằng năm. Văn bản cuối cùng số 248/BQLKN – KHĐT ngày 23/3/2016, thời hạn đến hết ngày 31/12/2016.

Như vậy có nghĩa là trạm trộn bê tông của công ty Lê Phan chỉ được phục vụ cho các hạng mục công trình trong dự án của công ty Xuân Lan. Tuy nhiên, trên thực tế dự án của công ty Xuân Lan vẫn nằm im, dậm chân tại chỗ, xung quanh cỏ dại mọc um tùm chỉ có trạm trộn của công ty Lê Phan vẫn sừng sững tồn tại. Và cũng từ đó đến nay, trạm trộn bê tông công ty Lê Phan đã vô tư bán bê tông thương phẩm phục vụ ngoài thị trường trái phép.

Mặc dù Trạm bê tông Lê Phan phải dừng hoạt động và di dời đi nơi khác trước ngày 31/5/2018, nhưng đến nay Trạm bê tông này vẫn ngang nhiên hoạt động bất chấp pháp luật

Ở một khía cạnh khác, khu chức năng số 19 được quy hoạch là dự án công viên – vui chơi giải trí nhưng không hiểu căn cứ vào đâu mà Ban quản lý khu Nam lại có thể chấp thuận cho chủ đầu tư đặt trạm trộn bê tông ở đó.

Hơn nữa cũng theo báo cáo của ban quản lý khu Nam: Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố tại công văn số 5462/UBND – ĐTMT ngày 26/10/2012 về chủ trương và giải pháp xử lý các dự án chậm triển khai, Ban quản lý khu Nam ban hành các văn bản chấm dứt hiệu lực văn bản thuận địa điểm 6 dự án của các chủ đầu tư, trong đó có của công ty Xuân Lan. Việc triển khai đầu tư xây dựng gặp một số khó khăn, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài, đến nay các dự án thành phần tại khu chức năng số 19 đã bị chấm dứt pháp lý.

Như vậy có nghĩa là dự án của công ty Xuân Lan đã bị chấm dứt hiệu lực văn bản chấp thuận địa điểm và pháp lý từ năm 2012 nhưng không hiểu sao Ban quản lý khu Nam vẫn liên tiếp ưu ái gia hạn tới tận 7 lần cho trạm trộn bê tông công ty Lê Phan. Hằng năm bà Nguyễn Thị Lan – Giám đốc công ty Xuân Lan vẫn kí hợp đồng cho thuê mặt bằng với công ty Lê Phan, hợp đồng gần đây nhất có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2018.

Mặc dù Công ty TNHH xây dựng – kinh doanh nhà – thương mại Xuân Lan đang hoạt động trên đất nông nghiệp nhưng không hiểu căn cứ vào quy đinh nào mà Sở Giao thông vận tải Tp. Hồ Chí Minh vẫn cấp giấy phép bến thủy nội địa cho Công ty Xuân Lan hoạt động?

Được biết đơn giá thuê mặt bằng 1 tháng của công ty Lê Phan không hề nhỏ. Đơn cử như năm 2018, giá thuê mặt bằng 1 tháng là 316.706.000 (Ba trăm mười sáu triệu bảy trăm lẻ sáu ngàn đồng). Tính từ năm 2007 đến nay bà Nguyễn Thị Lan đã thu hàng chục tỉ đồng, số tiền đó sẽ chảy vào túi những ai khác nữa?

Dư luận đang hoài nghi phải chăng Ban quản lý khu Nam đã câu kết “móc ngoặc” với chủ đầu tư lách luật để thu lợi? Có hay không sự “chống lưng”, “nâng đỡ” của Ban quản lý khu Nam và UBND huyện Bình Chánh? Đề nghị lãnh đạo UBND Tp. Hồ Chí Minh vào cuộc kiểm tra làm rõ.

Được biết sau khi tòa soạn thông tin trạm trộn bê tông Lê Phan tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh hoạt động ô nhiễm môi trường, tòa soạn liên tục nhận được rất nhiều phản ánh của bà con nơi các trạm trộn bê tông Lê Phan đang hoạt động gây ô nhiễm, khiến người dân vô cùng bức xúc. Về vấn đề này tòa soạn sẽ tiếp tục thông tin trong các bài tiếp theo.

Thùy Dương – Đào Dũng

Nguồn MT&CS: http://moitruong.net.vn/huyen-binh-chanh-tp-ho-chi-minh-bai-2-phot-lo-chi-dao-cua-thanh-pho-cong-ty-be-tong-le-phan-van-ngang-nhien-hoat-dong-trach-nhiem-thuoc-ve-ai/