Huyền bí Neak Tà Nam bộ

Khi nhắc đến nét đặc trưng văn hóa của người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, không thể không nhắc đến tín ngưỡng thờ Neak Tà, hay còn gọi là tục thờ Lục Tà hoặc ông Tà tồn tại từ xa xưa cho đến ngày nay. Ngoài việc cúng ông Tà để cầu xin hay tạ ơn ông Tà đã phù hộ cho công việc của mình được suôn sẻ, hằng năm, khi mùa mưa đến, người Khmer Nam bộ lại tổ chức lễ cúng ông Tà.

Ngày tết trong một ngôi chùa Khmer Nam bộ. Ảnh: TTH

Cũng giống như các dân tộc khác trên thế giới, thời kỳ tiền sử - khi mà loài người còn chìm đắm trong cõi hồng hoang, để đối phó với sự khắc nghiệt, đầy thử thách của thế giới tự nhiên, con người thường gửi gắm niềm tin của mình vào các đấng siêu nhiên nhằm mong cầu sự an bình. Hay nói cách khác, con người vào thời kỳ này có khuynh hướng thờ cúng đa thần, trong đó, tục thờ Neak Tà cũng không nằm ngoài quy luật sinh tồn đó.

Các nhà nghiên cứu văn hóa có nhiều lý giải và định nghĩa khác nhau về định danh Neak Tà. Theo đó, từ "Neak" trong ngôn ngữ của người Khmer có ý nghĩa tương đồng với sự uyên bác về kiến thức, sự uy tín trong cộng đồng. "Tà" có nghĩa là người đàn ông lớn tuổi. Một góc nhìn nghiên cứu khác cho rằng, từ Neak Tà có ý nghĩa tương tự như các vị thần linh trong tín ngưỡng của người Việt như ông địa, thần tài... Mặc cho có nhiều cách diễn giải khác nhau, nhưng tất cả đều hướng tới một mục tiêu duy nhất, đó là hình tượng Neak Tà hướng đến sự tôn kính đặc biệt trong cộng đồng.

Người Khmer thời kỳ nguyên thủy có tín ngưỡng đa thần, thế nên họ không thờ một Neak Tà cụ thể, mà thờ theo sự suy tôn của con người dựa trên quan điểm, lối sống của từng cộng đồng phum sóc, cụm dân cư. Ở khu vực có nhiều kênh rạch, sông ngòi, người ta thờ Neak Tà Tức (ông Tà Nước); khu vực nhiều núi non có Neak Tà Phnom (ông Tà Núi); khu vực rừng có Neak Tà Prey (ông Tà Rừng); đồng ruộng thì có Neak Tà Sre (ông Tà Ruộng).

Về thời điểm xuất hiện tục thờ ông Tà, đến nay vẫn chưa có sự thống nhất. Song dựa vào dã sử và truyền khẩu của người dân, nhiều người cho rằng tục thờ ông Tà đã ra đời trước khi đạo Phật nguyên thủy lẫn Bà La Môn giáo được người Khmer trên bán đảo Đông Dương biết đến.

Để đánh dấu vị trí tồn tại của một ông Tà, người ta dùng một hay nhiều hòn đá có hình dạng ngẫu nhiên, không có bất kỳ sự tác động nào của bàn tay con người để thờ tự, nhang khói. Ở một số nơi, người ta còn dùng vải để che lại và xem đó như là trang phục của ông Tà và trang phục này chỉ được mở khi lễ cúng ông Tà diễn ra. Vị trí xây nhà hay miếu Neak Tà phải sạch sẽ, xa khu dân cư và địa điểm thường được người dân chọn là những gốc cây cổ thụ đầu phum sóc.

Miếu ông Tà thường được làm bằng tre lá hoặc bằng gạch ngói. Đá ông Tà được trang trọng đặt vào vị trí trung tâm miếu. Có miếu người ta chỉ dùng một viên đá ông Tà, song không ít nơi người ta thờ cùng lúc nhiều viên đá khác nhau, trong đó viên lớn nhất tượng trưng cho ông Tà, những viên còn lại có kích thước nhỏ hơn là linh hồn ma quỷ.

Theo tín ngưỡng dân gian, đây là những linh hồn được ông Tà phục thiện, thu nạp làm tùy tùng để cùng với ông cai quản đất đai, diệt trừ cái xấu, phù hộ độ trì cho người dân trong phum sóc... Tuy nhiên, hiện một số nơi người dân tự ý tạc tượng cho ông Tà, theo các nhà nghiên cứu thì điều này không đúng với tục thời Neak Tà của người Khmer tồn tại ngàn đời nay.

Đối với người dân Khmer, ông Tà không chỉ là nhân vật có quyền năng trong việc mang lại phước lành cho người dân, mà ông còn là người lãnh nhận trách nhiệm trừng phạt cái xấu, cái ác. Hay nói cách khác, ông chính là hiện thân của mong ước về một xã hội công bằng. Và có lẽ, đó chính là lý do mà tục thờ ông Tà cứ thế tồn tại lâu bền và mang vị trí cao trong đời sống văn hóa tinh thần của người Khmer từ thế hệ này qua thế hệ khác?

Mặc dù rất nghiêm khắc đối với người lớn, song đối với trẻ con, ông Tà lại là người vô cùng rộng lượng và đầy tình yêu thương. Việc ông Tà bỏ qua những hành động nghịch ngượm của trẻ con vẫn là những câu chuyện mang tính truyền thuyết. Song, điều này cho thấy, bản chất nhân văn trong truyền thuyết về ông Tà là một tín ngưỡng vô cùng nhân văn. Phải chăng từ thuở hồng hoang, khi mà tín ngưỡng thờ ông Tà ra đời, người ta đã sử dụng hình ảnh ông Tà thương yêu trẻ con để răn dạy người đời phải biết thương yêu thế hệ kế thừa. Bởi đây chính là lực lượng lãnh nhận trọng trách duy trì sự trường tồn của giống nòi, của dân tộc.

Hiện nay, ở Nam bộ chỉ còn lại 3 loại miếu thờ ông Tà phổ biến nhất là ông Tà phum sóc, ông Tà đồng ruộng và miếu ông Tà chùa. Điều này cho thấy, sự xuất hiện của đạo Phật đã không tạo ra xung đột với tín ngưỡng đa thần của người Khmer trước đó, mà cụ thể là tục thờ cúng ông Tà, mà trái lại, nó còn cho thấy sự dung hòa giữa đạo và đời trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của cư dân bản địa.

Các miếu ông Tà khác được người dân tạo lập hàng trăm năm trước, khi mà vùng đất này hãy còn là vùng rừng thiêng nước độc, đường sá đi lại khó khăn. Thời đó, việc đi lại của người dân chủ yếu là ghe thuyền, đó là lý do mà ngôi miếu này được dựng lên tại ngã ba sông. Theo thời gian, đường bộ dần được thay thế song vị trí miếu ông Tà không vì thế mà thay đổi. Mục đích của việc lựa chọn vị trí là để ông Tà có thể nhìn xa trông rộng, phù hộ độ trì cho người dân trong làng, sẵn sàng đối phó với những điều xấu xa đến từ bên ngoài.

Cội rễ để tạo nên sự huyền bí, trường tồn trong tín ngưỡng thờ cúng ông Tà không xuất phát từ sự huyễn hoặc của thế giới siêu nhiên, mà nó bắt nguồn từ những tính cách vốn dĩ đã tồn tại trong đời sống thường nhật của người Khmer suốt hàng ngàn năm qua. Đó chính từ tinh thần nhân văn, coi trọng con người và thiên nhiên mà tổ tiên, tiền hiền của người Khmer đã khéo léo nhân cách hóa nó lên thông qua hình tượng ông Tà.

Nguyễn Minh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/huyen-bi-neak-ta-nam-bo/