Huyền bí Himalaya

Bên cạnh vẻ đẹp ẩn mình trong băng tuyết và thách thức chinh phục những nóc nhà thế giới, dãy núi Himalaya còn bao phủ nhiều khu vực hẻo lánh và ít người đặt chân tới. Nơi đây chứa đựng các bí ẩn khoa học vẫn chưa thể lý giải, chìm trong nhiều truyền thuyết đầy ma mị hay thậm chí sở hữu năng lực kì lạ đi ngược lại mọi nghiên cứu của thời hiện đại.

Hồ nước thánh hóa

Gurudongmar trong vắt như một viên pha lê, được mệnh danh là một trong những hồ nước cao nhất thế giới ở độ cao hơn 5.400m. Gurudongmar lấy nước từ dòng sông Teesta linh thiêng, dựa vào bên sườn dãy núi Kanchengyao.

Những truyền thuyết về Gurudongmar liên quan đến đạo sư Padmasambhava, người đã chạm tay xuống nhiều vùng trên mặt hồ rộng lớn và đọc những lời nguyện cầu cũng như thực hiện các nghi thức cúng bái thần bí khiến nước ở những khu vực này không thể đóng băng ngay cả vào mùa đông để cung cấp dồi dào cho người dân quanh năm.

Tu viện Hang Hổ nằm ở một vị trí cực kỳ cheo leo, dựa vào vách đá thẳng đứng.

Tu viện Hang Hổ nằm ở một vị trí cực kỳ cheo leo, dựa vào vách đá thẳng đứng.

Tất nhiên, đây chỉ là hư cấu và cho đến nay chưa một ai có thể lý giải nổi vì sao một phần của Gurudongmar vẫn nguyên vẹn dưới thời tiết khắc nghiệt nhất của mùa đông. Chưa hết, lại xuất hiện những đồn đoán về đặc tính chữa bệnh của nước hồ khiến giới khoa học bối rối. Thế nên, Gurudongmar nhanh chóng trở thành một thánh địa thiêng liêng, mang ý nghĩa tôn giáo, cả trong Phật giáo và đạo Sikh. Hồ nước thánh hóa bí ẩn này hiện là địa điểm hành hương và thực hiện những nghi lễ tôn giáo của người dân ở Ấn Độ.

Hồ xương người

Kể từ khi được phát hiện vào năm 1942, hồ Roopkund đã trở thành nỗi sợ hãi của bất cứ ai khi băng tuyết tan chảy đã hé lộ hàng trăm bộ hài cốt bí ẩn, với nhiều kích thước khác nhau. Điều này rất khó hiểu khi Roopkund vốn hẻo lánh vì ở độ cao trên 5.000m.

Cái tên "hồ xương người" ra đời, được một số truyền thuyết gắn với cơn thịnh nộ khủng khiếp của thần núi Nanda Devi. Theo đó, một đoàn người hành hương đã tới nghỉ chân tại điện thờ thần Nanda Devi nhưng lại có hành động ăn mừng mạo phạm tới vị thần, nên bị trừng phạt đến chết và dần bị vùi lấp dưới lớp băng dày.

Số khác cho rằng các đoàn người di cư ngang qua hồ đã bị cuốn vào một trận mưa dữ dội, hứng chịu thảm họa "bom" đá và bị diệt vong khi không tìm được nơi trú ẩn. Nhiều khảo sát đã được tiến hành ở Roopkund, và đưa ra những ý kiến vô cùng khác nhau.

Có báo cáo khẳng định, các phần xương nằm rải rác và không còn nguyên vẹn thuộc về các đội quân bỏ mạng trong Thế chiến II, trong khi số khác tin đây là hài cốt của những thương lái xấu số vì thời tiết cực đoan ở dãy Himalaya, hoặc là mồ chôn tập thể từ thời cổ xưa sau khi hàng loạt người tử vong vì dịch bệnh.

"Hang hổ" cheo leo

Hơn 300 năm tuổi, tu viện Hang hổ bí ẩn nhất thế giới khi thách thức giới khoa học về cách thức xây dựng ở một vị trí cực kỳ cheo leo, dựa vào vách đá thẳng đứng. Nhiều tài liệu cho biết ban đầu tu viện được neo trên vách đá bởi... tóc của yêu tinh vốn được phong làm thần để chống chọi với thời tiết trong lúc xây dựng.

Tu viện cũng gắn liền với nhiều truyền thuyết, trong đó nổi tiếng nhất là câu chuyện của thượng sư Padmasambhava từ khoảng thế kỷ thứ 8 - người đã ngồi thiền trong một cái hang ở chính giữa tu viện trong suốt ba năm, ba tháng, ba tuần, ba ngày và ba giờ.

Không ai tường tận thượng sư đã đến tu viện bằng cách nào, nhưng một số văn bản cổ xưa tin rằng ngài đã cưỡi hổ từ Tây Tạng, để rồi đặt tên thành Hang hổ như hiện nay. Người dân địa phương khẳng định nhìn thấy sự tồn tại của một con hổ lớn bên trong tu viện để bảo vệ Padmasambhava đã hóa thân thành ngọn lửa sáng chói.

Padmasambhava được ví như "Phật thứ hai", thu phục mọi linh hồn tà ác, rồi dần khai sáng Phật giáo ở Bhutan. Từ đây, tu viện trở thành nơi cư ngụ của một vị thần bảo hộ tối cao nhờ đức độ và sức mạnh kỳ bí, giúp hóa giải mọi tai ương cho người dân, tạo nên một biểu tượng văn hóa linh thiêng nhất đất nước Bhutan.

Vùng đất bất tử

Nhiều truyền thuyết kể rằng, dãy Himalaya đang che giấu một vùng đất đặc biệt, mà mọi nỗ lực định vị chính xác khu vực này, cho dù có tận dụng vệ tinh hay công nghệ bản đồ hiện đại, đều thất bại. Nơi đây có nhiều tên gọi như Gyanganj, Shambala hay Siddhashram, mà theo một số giả thuyết chứa đựng một chiều không gian mới lạ với giới khoa học, dẫn đến một thế giới hoàn toàn khác. Gyanganj có nhiều suối nước nóng nuôi dưỡng hệ thống thực vật phong phú, cùng thảo dược quý hiếm.

Theo các ghi chép còn sót lại, Gyanganj không mang dấu vết của văn hóa và tôn giáo từ phương Đông hay phương Tây. Gyanganj là nơi sinh sống của những thánh nhân sở hữu tri thức siêu phàm và vô cùng hoàn hảo, sống hòa hợp với tự nhiên và không bao giờ làm điều xấu, có thể di chuyển tự do đến thế giới của thần hay quỷ.

Ngoài ra, họ có thể tiên đoán chính xác tương lai và thông qua năng lực tu luyện vượt trội để trường sinh. Truyền thuyết Tây Tạng coi Gyanganj là miền đất tinh độ phương Bắc, khởi nguồn của hệ thống tu luyện bí truyền không bao giờ được tìm thấy và lĩnh hội bởi người thường.

Núi bất khả xâm phạm

Gangkhar Puensum là ngọn núi cao nhất thế giới vẫn "bất khả xâm phạm". Về mặt địa lý, Gangkhar Puensum còn gây nhiều tranh cãi khi thuộc về Bhutan cho dù nằm giữa biên giới Bhutan và Tây Tạng.

Hiện Gangkhar Puensum chưa thể bị chinh phục bởi vì môi trường lạnh giá khắc nghiệt, địa hình hiểm trở với một con dốc dựng đứng dẫn lên đỉnh. Thêm vào đó, chính phủ Bhutan đã cấm leo núi Gangkhar Puensum vì tôn trọng tín ngưỡng và phong tục tập quán của người dân coi núi là nơi cư ngụ linh thiêng của các vị thần cũng như linh hồn.

Người Bhutan tin rằng, Gangkhar Puensum đang che giấu những sinh vật huyền bí như người tuyết Yeti trông giống vượn nhưng cao to hơn người thường. Nhiều báo cáo ghi chép lại các sự kiện kì lạ xung quanh Gangkhar Puensum như các tiếng động kì quái, ánh sáng bí ẩn, dấu vết khổng lồ hay hình bóng ma quỷ đột nhiên xuất hiện.

Nhiều thập niên qua, giới khoa học luôn nỗ lực giải mã sinh vật kỳ lạ này nhưng bất thành, bất chấp bối cảnh các dấu chân được cho là của Yeti được phát hiện rải rác gần căn cứ quân sự ở biên giới Nepal và Trung Quốc...

Nam Hồng

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/huyen-bi-himalaya-605696/