Huyền bí giai thoại về mộ cổ Bà Lớn Tướng

Đã thành thông lệ từ lâu, trước mỗi chuyến đi biển dài ngày, ngư dân ở xã Cửa Cạn (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) thường đến thăm viếng một ngôi mộ cổ ở cửa sông Cửa Cạn (thuộc xã Cửa Cạn - PV) mong thuận buồm xuôi gió. Đây được là mộ bà Lớn Tướng, phu nhân của người anh hùng Nguyễn Trung Trực.

Miếu thờ bà Lớn Tướng ven biển

Miếu thờ bà Lớn Tướng ven biển

Vị phu nhân anh dũng

Một số tài liệu nghiên cứu về lịch sử cho thấy, vào đêm 16/6/1868, nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đánh chiếm và làm chủ thành Rạch Giá (Kiên Giang) làm nên chiến công hiển hách “kiếm bạc Kiên Giang khốc quỷ thần”.

Ngay sau chiến thắng oanh liệt đó, quân Pháp gồm các sĩ quan cấp cao cùng một số tên Việt gian đã kéo quân phản công nghĩa quân. Trong tình thế địch mạnh ta yếu, nghĩa quân Nguyễn Trung Trực tạm thời lui về đảo Hòn Chông, rồi ra đảo Phú Quốc, lập chiến khu tại Hàm Ninh nhằm tổ chức kháng chiến lâu dài.

Đến tháng 9 năm 1868, tên Việt gian Huỳnh Công Tấn - bạn kháng chiến của Nguyễn Trung Trực thời điểm đánh trận đốt tàu L'Espérance của quân Pháp trên sông Nhật Tảo (ngày 10/12/1861) đã đầu hàng giặc, dẫn đường cho giặc Pháp tiến quân ra đảo Phú Quốc truy kích nghĩa quân Nguyễn Trung Trực.

Tại đây, Nguyễn Trung Trực bị Huỳnh Công Tấn viết một lá thư cho rằng quân Pháp đã bắt được mẹ Nguyễn Trung Trực, ông phải nộp mạng để cứu mẹ mình. Vì vậy, ông ra hàng và bị Pháp xử tử không lâu sau đó.

Theo tài liệu của các nhà nghiên cứu, phu nhân của Nguyễn Trung Trực có tục danh là Điều, tên thật là Lê Kim Định. Bà đã sát cánh bên chồng trong các hoạt động kháng Pháp.

Có nhiều nguồn tài liệu khẳng định, bà đã từng bị Pháp bắt 2 lần giam tại Rạch Giá và đều được Nguyễn Trung Trực giải cứu thành công. Khi chồng lui quân về Phú Quốc, bà Điều cũng được đi theo. Vì bà là vợ cả nên dân địa phương Phú Quốc gọi là “Bà Lớn Tướng”, chứ không phải vì bà có thân hình vạm vỡ.

Khi quân Pháp đánh ra Hàm Ninh, Nguyễn Trung Trực phải đưa nghĩa quân về Dương Đông rồi rút về Cửa Cạn. Theo nghĩa quân có bà Lê Kim Định, mẹ và em gái. Ba mẹ con bà điều là người Rạch Giá đã tổ chức kháng Pháp trên đảo Phú Quốc.

Sau đó, bà Lớn Tướng đã hy sinh tại cửa sông Cửa Cạn. Trong lúc giao chiến, nghĩa quân đã lén cướp xác bà đem lên bãi Ông Lang chôn cất. Do sợ giặc quật mồ nên nghĩa quân chỉ đắp mộ đất, không đề bia.

Giai thoại của ngư dân

Ngư dân địa phương cho biết, xung quanh nấm mộ được cho là của bà Lớn Tướng có nhiều chuyện kỳ bí. Theo đó, vào cuối năm 1958, chiếc tàu đánh cá của một gia đình ngư dân ở Kiên Giang bị chết máy giữa biển khơi.

Lúc lênh đênh trên biển thì lại bị bão đánh tơi bời. Gió hất hung hết đồ đạc và dụng cụ trên tàu, chỉ còn trơ lại phần thân tàu. Sau hơn một tuần chống chọi với bão biển và những cơn sóng dữ, toàn bộ người trên tàu đã kiệt sức.

Khi đó, chủ tàu kiêm thuyền trưởng chỉ còn biết quỳ sụp xuống sàn tàu cầu trời khấn phật cho gia đình mình cùng đoàn thủy thủ một con đường sống. Sau lời khẩn cầu, những người trên tàu kiệt sức ngất lịm. Trước đó dường như họ nhìn thấy giữa bụi mù sóng dữ là một con tàu kiểu cổ xưa xuất hiện.

Người dân địa phương kể chuyện về mộ bà Lớn Tướng

Trên con tàu lạ có một thiếu phụ trẻ mặc áo trắng ôm đứa con hát ru. Đến khi tỉnh dậy, cả đoàn thủy thủ đã thấy con tàu của mình nằm trong một bãi biển hoang sơ, trời trong xanh, biển yên bình không sóng. Cạnh bãi biển là một cánh rừng hoang vu, dưới tán rừng đó có một ngôi mộ đất, không có bia.

Trong giấc ngủ mệt mỏi, chủ tàu nằm mơ thấy người thiếu phụ trên con tàu cổ. Giấc mơ cho ông biết ngôi mộ hoang là của thiếu phụ. Giật mình tỉnh giấc, chủ tàu gọi tất cả thủy thủ đến mộ lạy tạ ơn cứu độ rồi cùng nhau phát hoang cây cỏ xung quanh với lòng biết ơn sâu sắc. Chủ tàu còn hứa, sau này làm ăn khấm khá sẽ trở lại xây mộ bà đẹp hơn.

Trong lúc phát hoang, người chủ tàu bỗng thấy một vật bằng kim loại nằm chìm dưới lớp cỏ mục. Ông bới lên thì thấy đó là một nải chuối bằng kim loại, đoán là đồng. Ông dự định khi trở về nhà sẽ xây một am nhỏ, đưa nải chuối vào thờ người thiếu phụ đã cứu mình thoát nạn.

Về đến nhà, ông chủ tàu mới biết, rất nhiều chủ tàu khác cũng đã từng được bà Lớn Tướng cứu độ trong tình thế hiểm nguy như thế. Khi đem nải chuối kim loại ra lau chùi thì chủ tàu phát hiện ra đó là vàng. Nhờ số vàng này, chủ tàu đã có tiền đóng tàu đánh cá mới và làm ăn phát đạt trở thành một đại gia ở Kiên Giang. Năm 1963, ông chủ tàu có trở lại nhiều lần để tìm mộ nhưng không thấy nấm mộ ở đó nữa.

Hiện tại, người dân Cửa Cạn vẫn lưu truyền câu chuyện này. Cứ vào dịp rằm hàng tháng, nhiều ngư dân lại tìm đến mộ để cầu xin an bình.

Bà Chín Hồng, một người địa phương cho hay: “Ngôi mộ có được như ngày hôm nay là do người dân bỏ công sức, tiền bạc dựng nên. Chuyện bà Lớn Tướng hi sinh ở đây là thật. Người dân vì tôn kính bà mà tìm đến thờ cúng chứ không phải do mê tín dị đoan”.

Trao đổi với PV, một cán bộ văn hóa xã Cửa Cạn cho biết, theo một số tài liệu lịch sử ghi nhận anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực chỉ có một con trai với bà Lê Kim Định (hay còn gọi là bà Quan Lớn Tướng). Khi vừa sinh con, bà Quan Lớn Tướng lâm bệnh, qua đời (mộ hiện nay còn ở xã Cửa Cạn, Phú Quốc).

Đêm đêm, Nguyễn Trung Trực một mình ôm con chưa đầy tháng vượt vòng vây của giặc, vào làng xin sữa cho con bú. Giặc truy bắt gắt gao, cách ly Nguyễn Trung Trực khỏi dân làng. Đường cùng, ông ôm con đặt vào một bọng cây, với hi vọng có người phát hiện cứu đứa bé, rồi quay lại chiến đấu cho tới lúc bị thương, sa vào tay giặc (có tài liệu nói ông tự mình ra đối mặt với giặc để cứu dân làng khỏi chết oan).

Cho đến ngày nay, giai thoại Nguyễn Trung Trực đặt con ở bọng cây sao với nải chuối vàng để nếu có ai đó gặp mang về nuôi giúp vẫn còn được truyền tụng. Còn những chuyện kỳ bí quanh ngôi mộ bà Lớn Tướng thì có thể do lòng tôn kính bà Lớn Tướng mà người dân đã truyền tụng nên.

Lập Dương

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/giai-thoai-ve-co-mo-ven-bien-cua-can-313716.html