Huyện Bá Thước nỗ lực bảo tồn chữ Thái

Ngày nay, cùng với sự du nhập phát triển của văn hóa và hội nhập quốc tế, nhiều nét văn hóa truyền thống riêng có của cộng đồng dân tộc Thái đang dần bị mai một, đặc biệt là chữ viết. Trước thực trạng này, huyện Bá Thước đang nỗ lực bảo tồn, gìn giữ chữ viết của đồng bào dân tộc Thái thông qua việc mở lớp giảng dạy chữ Thái.

Nghệ nhân Ưu tú Hà Nam Ninh, Hà Công Mậu, ở thị trấn Cành Nàng (Bá Thước) dạy chữ Thái cho thế hệ trẻ.

Dân tộc Thái chiếm 35% dân số trong toàn huyện Bá Thước. Vì vậy, văn hóa Thái có ảnh hưởng khá lớn đến các dân tộc khác trong huyện. Tuy nhiên hiện đồng bào Thái còn rất ít người biết chữ Thái, chỉ sử dụng ngôn ngữ Thái trong giao tiếp hàng ngày. Trước thực trạng này, huyện Bá Thước đã chỉ đạo các xã có đồng bào dân tộc Thái tích cực đẩy mạnh việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có tiếng nói và chữ viết của dân tộc Thái.

Vốn là những người “nặng lòng” với các giá trị văn hóa của ông cha, hai Nghệ nhân Ưu tú Hà Nam Ninh, Hà Công Mậu ở thị trấn Cành Nàng (Bá Thước) đã dành hết thời gian, công sức mở lớp dạy chữ Thái. Học viên lớp học tiếng Thái đầu tiên của hai nghệ nhân Hà Nam Ninh, Hà Công Mậu là các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, cán bộ, công chức Huyện ủy, UBND huyện Bá Thước. Để dạy cho mọi người biết đọc, biết viết và hiểu ý nghĩa của từng từ, câu, ông Ninh và ông Mậu đã soạn ra những bài giảng có nội dung gần gũi, thiết thực gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày, giúp học viên dễ dàng tiếp nhận. Cùng với đó, hai nghệ nhân còn nghiên cứu, sưu tầm, dịch ra tiếng phổ thông những cuốn sách cổ của người Thái, đồng thời bổ sung một số tài liệu như: Lịch sử của Nhà phủ Mường Khoòng, Truyện thơ Khăm Panh, Khun Lú - Nàng Ủa... Từ lớp học đầu tiên do hai nghệ nhân Hà Nam Ninh, Hà Công Mậu sáng lập, nhiều cán bộ, công chức, viên chức của huyện, xã, thị trấn, các đơn vị sự nghiệp, những người đam mê chữ Thái cũng đăng ký tham gia học tập.

Nghệ nhân Ưu tú Hà Nam Ninh tâm sự: Được sự động viên của lãnh đạo huyện Bá Thước, cùng với tình yêu chữ Thái, tôi cùng với các nghệ nhân khác đem hết những kiến thức mà mình biết để truyền dạy chữ Thái cho các học viên. Hy vọng sau này những học viên này sẽ thay thế chúng tôi truyền dạy cho thế hệ mai sau góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của ông cha.

Từ năm 2018 đến nay, huyện Bá Thước đã phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức mở được 6 lớp học chữ Thái, gần 1.000 học viên tham gia học tập và được cấp chứng chỉ. Bên cạnh đó, huyện còn chỉ đạo các xã Thành Lâm, Lũng Niêm, Kỳ Tân, thị trấn Cành Nàng phối hợp với các nghệ nhân của huyện, mở 4 lớp tiếng Thái. Từ những lớp học chữ Thái, các học viên có khả năng truyền dạy lại cho người khác, qua đó hoạt động học tập, nghiên cứu tiếng nói và chữ Thái thu hút đông đảo đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn huyện Bá Thước.

Với mong muốn được hiểu và lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc riêng có của dân tộc mình, cứ vào thứ 7, chủ nhật tại Trung tâm văn hóa xã Kỳ Tân, 40 học viên lớp học chữ Thái vẫn miệt mài học cách đọc, cách viết từng con chữ. Người trẻ nhất 20 tuổi, già nhất 70 tuổi từ khắp các thôn, bản trên địa bàn xã, có cả những cán bộ đang nắm giữ trọng trách điều hành bộ máy chính quyền, cũng về chung một lớp. Lý do đơn giản của họ là người Thái phải biết tiếng Thái, để hiểu thêm về văn hóa dân tộc mình, từ đó bảo tồn, trao truyền lại cho các thế hệ mai sau. Ông Hà Văn Năm, thôn Buốc, xã Kỳ Tân - học viên của lớp học tiếng Thái cho biết: Dù bản thân mắt đã không còn tinh, tai không còn thính, nhưng được học chính chữ viết của dân tộc mình là một niềm hạnh phúc vô cùng to lớn. Tôi giờ cũng đã biết đọc, biết viết chữ Thái, giờ tiếp tục dạy lại cho con cháu, anh em trong dòng họ.

Ông Hà Văn Nguyệt, Chủ tịch UBND xã Kỳ Tân, cho biết: Những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương, phong trào học chữ Thái trong cộng đồng người Thái ở Kỳ Tân có bước phát triển mạnh mẽ. Việc mở lớp dạy tiếng Thái, không chỉ để mọi người hiểu về ngôn ngữ, chữ viết mà còn giúp mọi người hiểu về nhân nghĩa, gìn giữ nếp sống, phong tục tập quán đẹp của dân tộc mình. Với giá trị to lớn như vậy cấp ủy, chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện có thể để người dân tộc thiểu số nói chung và người dân tộc Thái nói riêng bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết: Bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái là rất cấp thiết bởi việc dạy và học chữ Thái không những là để tìm lại những nét đẹp, tinh hoa trong văn hóa Thái, mà còn góp phần bảo tồn, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện Bá Thước ngày càng phát triển. Trong thời gian tới, huyện Bá Thước tiếp tục gìn giữ bảo tồn và truyền dạy chữ Thái không chỉ với các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người cao tuổi người Thái, mà còn là các đối tượng thế hệ trẻ người Thái, để họ có thể viết được tiếng dân tộc mình. Tiếp tục tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy chữ Thái. Quan tâm, động viên, khích lệ các nghệ nhân đang từng ngày gìn giữ, trao truyền chữ Thái đến với thế hệ mai sau.

Một dân tộc muốn phát triển phải bảo tồn và phát huy được bản sắc văn hóa của dân tộc mình, trong đó, ngôn ngữ và chữ viết có vai trò to lớn trong phản ánh, giữ gìn bản sắc văn hóa. Vì vậy, làm tốt việc bảo tồn và phát triển chữ Thái sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện Bá Thước ngày càng phát triển.

Bài và ảnh: Xuân Cường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/huyen-ba-thuoc-no-luc-bao-ton-chu-thai/136490.htm