Huyện Bá Thước đào tạo nghề gắn với phát triển du lịch

Văn hóa và Đời sống - Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề (ĐTN), giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) luôn được các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể huyện Bá Thước đặc biệt quan tâm. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn.

Giờ thực hành của các học viên lớp trung cấp kỹ thuật chế biến món ăn, do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bá Thước liên kết đào tạo.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, hằng năm, UBND huyện Bá Thước ban hành kế hoạch ĐTN cho LĐNT. Trong đó, chú trọng kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án ĐTN cho LĐNT cấp huyện; cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tuyên truyền đến Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về nghề nghiệp và tầm quan trọng của công tác ĐTN, giải quyết việc làm đối với phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH).

Hàng năm huyện Bá Thước đã chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức khảo sát, điều tra nhu cầu học nghề LĐNT, Phòng Giáo dục và Đào tạo quản lý, tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, giáo dục nghề nghiệp cho học sinh THCS và THPT; đẩy mạnh việc thực hiện phân luồng học sinh sau THCS theo Đề án 522 của Chính phủ, nhằm tăng tỷ lệ học sinh tham gia học nghề, tham gia thị trường lao động sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, giao nhiệm vụ cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) tổ chức các lớp ĐTN dựa trên nhu cầu thực tế của người lao động, gắn với quy hoạch phát triển KT - XH của từng xã, thị trấn.

Là đơn vị “chủ công” trong công tác dạy nghề cho LĐNT, dạy văn hóa và dạy nghề cho học sinh, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Bá Thước không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp mở các lớp công nghệ ô tô; may thời trang, công nghệ thông tin, kỹ thuật chế biến món ăn. Ngoài ra trung tâm còn mở 2 lớp dệt thổ cẩm, để tạo các sản phẩm đặc trưng phục vụ các điểm du lịch trên địa bàn.

Ông Phạm Văn Nghĩa, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Bá Thước cho biết: Việc ĐTN được triển khai kết hợp giữa lý thuyết và thực hành nên các học viên dễ hiểu, dễ áp dụng kiến thức vào thực tế. Cùng với đó, đào tạo theo nhu cầu của người học gắn với những tiềm năng thế mạnh của huyện, để học viên sau khi học nghề có thể áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2018, anh Hà Văn Dậu, xã Thành Sơn đã đăng ký học lớp kỹ thuật chế biến món ăn do Trung tâm GDNN - GDTX huyện Bá Thước liên kết với Trường Trung cấp nghề Thương mại và Du lịch Thanh Hóa đào tạo. Sau 3 năm miệt mài học tập anh đã tốt nghiệp và đi làm tại một khu du lịch với mức lương khởi điểm hơn 7 triệu đồng/tháng. Anh Dậu cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở xã nghèo, bố mẹ làm nông nghiệp, quanh năm lam lũ nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Lớn lên tôi quyết tâm đi học kiếm lấy cái nghề để lo cuộc sống sau này. Hiện nay, tôi đã đi làm, có thu nhập ổn định lo cho bản thân và giúp đỡ bố mẹ”.

Cũng như anh Dậu, 3 năm trước gia đình chị Hà Thị Tuyết, thôn Báng, xã Thành Sơn còn là hộ nghèo, khi Pù Luông có khách du lịch đến tham quan, chị đăng ký theo học nghề kỹ thuật chế biến món ăn và các lớp học ngắn hạn dạy kỹ năng làm du lịch cộng đồng. Có kiến thức chị bàn bạc với chồng, mạnh dạn vay vốn mở homestay. Nhờ làm du lịch, gia đình chị không những thoát nghèo, mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương với mức thu nhập 4-5 triệu đồng/ người/tháng. Chị Tuyết cho biết: “Được học nghề, tôi có thêm kiến thức để làm du lịch, nấu các món ăn ngon đáp ứng yêu cầu của du khách. Trước kia, tôi chỉ biết nấu vài món đơn giản, nay được học rồi có thể nấu được 36 món. Nhờ đó, khách du lịch đến ăn, ở lại homestay ngày càng đông, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình”.

Nhiều lao động ở các xã của huyện Bá Thước nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đã tham gia các lớp trung cấp, lớp bồi dưỡng như: Kỹ thuật chế biến món ăn, dệt thổ cẩm, đính cườm, nhân viên phục vụ bàn, buồng, phòng... Qua các lớp học nghề, người lao động có chứng chỉ nghề, kiến thức, kỹ năng áp dụng vào thực tiễn, nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống.

Ông Trương Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Thành Sơn cho biết: Xã Thành Sơn nằm trong khu vực Pù Luông có nhiều điều kiện phát triển du lịch cộng đồng. Vì vậy, trong quá trình thực hiện công tác ĐTN cho LĐNT, xã đã định hướng những gia đình có điều kiện phát triển du lịch,... Sau khi học xong nhiều lao động đã tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện Bá Thước đã đạt 50%. Điểm mới trong công tác ĐTN cho LĐNT ở huyện là gắn ĐTN với phát triển du lịch, dịch vụ của địa phương. Nhờ đó đã góp phần thúc đẩy KT - XH phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 5,96%, thu nhập bình quân đạt 30,1 triệu đồng/người.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Phú Hiền - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bá Thước, cho biết: Phần lớn lao động của huyện là người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn hạn chế, tập quán sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho KT - XH của huyện chậm phát triển. Đứng trước thực trạng này, huyện Bá Thước xác định lấy việc ĐTN cho LĐNT làm “bệ đỡ”, thúc đẩy KT - XH phát triển.

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Bá Thước phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65% trên tổng số người trong độ tuổi lao động. Để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, huyện tiếp tục tập trung phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động, theo doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh và nhu cầu của người học... Bá Thước đặt mục tiêu phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để hiện thực hóa điều này, cùng với việc thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, công tác ĐTN gắn với giải quyết việc làm cho LĐNT cũng được huyện chú trọng thực hiện.

Bài và ảnh: Xuân Cường

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/giao-duc/huyen-ba-thuoc-dao-tao-nghe-gan-voi-phat-trien-du-lich/19423.htm