Hủy quyết định kỷ luật 13 cán bộ: Chờ bước tiếp theo

Xem xét kỷ luật với 13 cán bộ, công chức chỉ là bước đầu. Khi có kết luận rõ ràng cũng cần phải xem xét cả trách nhiệm người đứng đầu.

Hủy quyết định vì Bộ làm sai quy trình...

Ngày 9/9, Bộ GD-ĐT đã hủy bỏ quyết định việc xem xét xử lý trách nhiệm trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 với 13 công chức của Bộ, trong đó có Vụ trưởng, Cục trưởng, Chánh Thanh tra... Quyết định được hủy bỏ sau đúng 20 ngày ban hành khiến dư luận khó hiểu.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cũng nằm trong danh sách bị xem xét kỷ luật. Ảnh: Dantri

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cũng nằm trong danh sách bị xem xét kỷ luật. Ảnh: Dantri

Nói về giải thích của Bộ GD-ĐT, ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, Bộ GD-ĐT hủy bỏ một quyết định vội vàng, để chờ đợi kết quả xử lý theo đúng quy trình là hoàn toàn chính xác.

Ông Phúc cho biết, về mặt nguyên tắc, những cán bộ, Đảng viên có vi phạm phải tiến hành quy trình xem xét kiểm điểm trách nhiệm về mặt công tác Đảng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan theo đúng kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Sau khi có kết quả kiểm điểm trách nhiệm theo hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương lúc đó Bộ GD-ĐT mới thực hiện quy trình xem xét kỷ luật cán bộ, công chức theo quy định hiện hành.

Theo ông Phúc, việc Bộ GD-ĐT vội vàng ban hành ngay quyết định xử lý kỷ luật 13 cán bộ, công chức vi phạm là chưa theo đúng quy trình, phải hủy bỏ.

"Bộ GD-ĐT hủy bỏ quyết định xem xét kỷ luật với cán bộ, công chức có sai phạm không có nghĩa là cán bộ, công chức sai phạm sẽ không bị xem xét xử lý kỷ luật mà để thực hiện việc xem xét kỷ luật theo đúng kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương", ông Phúc nói.

Chỉ là bước đầu

Tương tự, PGS.TS. Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước và nhân sự - Học viện Hành chính Quốc gia cũng khẳng định, việc hủy bỏ quyết định sai để chờ ra một quyết định khác đúng quy trình, quy định hơn là việc cần thiết, phải làm.

Trên phương diện quản lý nhà nước, ông Sơn cho rằng trong quá trình ban hành văn bản việc xảy ra sai sót để phải hủy bỏ một văn bản sai quy trình vẫn có thể xảy ra. Nhìn từ góc độ tích cực, có thể nói Bộ GD-ĐT đã cầu thị và có động thái phản ứng kịp thời để sửa sai.

Việc sửa sai này không liên quan tới kết luận sai phạm cũng như hình thức xem xét kỷ luật đối với cán bộ, công chức có sai phạm.

"Quyết định kỷ luật phải chờ kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Việc này không có nghĩa cán bộ sẽ không bị xử lý mà thậm chí còn bị xử lý kỷ luật nặng hơn", ông Sơn nói.

Đó là về quy trình, còn trên phương diện tâm lý xã hội, vụ gian lận thi cử THPT 2018 là vụ sai phạm rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng và hậu quả trên diện rộng, do đó, động thái của Bộ GD-ĐT ít nhiều khiến dư luận băn khoăn.

Băn khoăn trước hết là về sự chuyên nghiệp cũng như về chuyên môn, nghiệp vụ của những người tham mưu, ra quyết định xem xét xử lý kỷ luật để rồi phải hủy bỏ.

Tiếp theo là dư luận băn khoăn có hiện tượng bao che cho cán bộ, công chức có sai phạm hay không?

Dư luận cũng băn khoăn, việc hủy quyết định có phải để kéo dài thời gian, rồi xí xóa, cho qua?

PGS Võ Kim Sơn cho rằng, những băn khoăn của dư luận là đúng nhưng cần hiểu đây là động thái tích cực để chờ đợi những kết luận điều tra mới cụ thể, rõ ràng hơn, qua đó việc xem xét trách nhiệm cũng sẽ cụ thể, khách quan hơn.

"Việc xem xét kỷ luật với 13 cán bộ, công chức Bộ GD-ĐT chỉ là bước đầu. Sau khi có kết luận cuối cùng, việc xử lý trách nhiệm của các địa phương cũng rõ ràng, cụ thể lúc đó mới xem xét tiếp trách nhiệm liên quan của cá nhân, lãnh đạo của Bộ GD-ĐT.

Vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu khi đó cũng phải được xem xét, làm rõ", ông Sơn nhấn mạnh.

Hủy quyết định kỷ luật 13 công chức Bộ GD-ĐT

Trước đó, liên quan vụ gian lận thi cử bị phanh phui năm 2018, Bộ GD-ĐT ra văn bản thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật công chức của Bộ, trong đó có ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, ông Sái Công Hồng - Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra, ông Tống Duy Hiến - phó chánh Thanh tra, ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, ông Nguyễn Sơn Hải - cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, bà Lê Thị Kim Dung - vụ trưởng Vụ Pháp chế…

Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành Quyết định và Thông báo và danh tính 13 cán bộ của Bộ GD-ĐT được công khai trên báo chí, nhiều người bày tỏ bức xúc vì trong bản mô tả "sai phạm", nội dung không rõ ràng.

Trong số 13 người bị xem xét, có người không trực tiếp chịu trách nhiệm trong triển khai, tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và có 6/13 cán bộ thuộc Thanh tra Bộ GD-ĐT.

Trong văn bản kiến nghị lên lãnh đạo Bộ, các cán bộ thanh tra đã cho rằng "không rõ hành vi vi phạm là hành vi nào, vi phạm điều nào của văn bản nào?". Về thủ tục xem xét của hội đồng kỷ luật đã không xác minh, đánh giá theo trình tự, thủ tục quy định về xem xét kỷ luật tại Nghị định số 34/2011/NĐ-CP của Chính phủ.

Do vậy, các cán bộ liên quan đề nghị Bộ GD-ĐT phải rút lại các văn bản xem xét kỷ luật này.

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/huy-quyet-dinh-ky-luat-13-can-bo-cho-buoc-tiep-theo-3387344/