Hủy hợp đồng BT sai phạm: Xác định thế nào?

Chuyên gia lo ngại luật pháp có khoảng trống dễ bị lợi dụng, đặc biệt nếu con người vì lợi ích cục bộ sẽ làm sự việc méo mó đi.

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi họp Thường trực Chính phủ mới đây để xem xét dự thảo nghị quyết của Chính phủ về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.

Để sớm khắc phục khoảng trống pháp lý trong đầu tư theo hình thức BT, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ Tư pháp và KH-ĐT rà soát, hoàn chỉnh lại dự thảo nghị quyết theo hướng tập trung xử lý chuyển tiếp đối với các dự án đã ký hợp đồng BT trước ngày 1/1/2018, không hồi tố nhưng bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho đầu tư phát triển, không gây khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng chỉ đạo của Chính phủ để hợp thức hóa sai phạm trong đầu tư dự án BT (nếu có).

Trường hợp phát hiện có vi phạm nhưng chưa gây thất thoát tài sản nhà nước thì phải thực hiện điều chỉnh lại hợp đồng BT; nếu phát hiện vi phạm thì phải tự hủy hợp đồng dự án, thu hồi ngay tài sản nhà nước, đồng thời xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Hoan nghênh chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội), cho rằng, điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc xử lý sai phạm trong các dự án, công trình BT, bởi nếu thử thống kê có bao nhiêu dự án BT có sai phạm thì có lẽ cũng không ít.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, việc xác định sai phạm của dự án BT để xử lý, khắc phục, thu hồi là chuyện rất khó, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các cơ quan chuyên môn, thanh tra, kiểm toán cũng như sự sự tham gia của chính quyền địa phương, các ngành mới có thể làm được.

Thủ tướng chỉ đạo khi phát hiện vi phạm tại dự án BT phải thu hồi ngay tài sản nhà nước, đồng thời xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Theo vị chuyên gia, thực tế, không dự án, công trình thực hiện theo hình thức BT trong thời gian qua đã xảy ra nhiều sai phạm.

"Chính phủ muốn tạo điều kiều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, gỡ khó khăn cho các dự án, công trình nhưng ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư cũng phải minh bach, có trách nhiệm trong làm ăn, tuân thủ quy tắc thị trường rõ ràng, không thể có chuyện làm được vài km đường buộc Nhà nước phải trả bao nhiêu hecta đất.

Việc lợi dụng quá mức sự thông thoáng, tạo điều kiện của Nhà nước để làm thất thu ngân sách, tiền của dân là không thể chấp nhận được. Do đó, tôi rất ủng hộ quyết tâm của Chính phủ Chính phủ trong việc xử nghiêm các dự án BT có sai phạm nhằm lập lại trật tự trong hình thức đầu tư này.

Doanh nghiệp nào cũng có cơ hội thực hiện các dự án nhưng phải làm rõ ràng, sòng phẳng, minh bạch. Luật pháp không rõ ràng, có khoảng trống bao giờ cũng dễ bị các đối tượng lợi dụng.

Bên cạnh đó, những con người thực hiện nếu không tận tâm vì lợi ích chung mà chỉ vì lợi ích cục bộ của mình hay một nhóm người nào đó sẽ càng khiến cho sự việc bị méo mó đi", GS.TS Đặng Đình Đào phân tích.

Để xác minh, làm rõ những sai phạm trong các dự án BT, sai phạm nào chỉ cần điều chỉnh hợp đồng, sai phạm nào đến mức phải hủy bỏ hợp đồng, theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, cần có sự vào cuộc, phối hợp của các cơ quan chức năng, chủ dự án, những người chịu trách nhiệm liên đới và cả các địa phương, xác định rõ trách nhiệm của mỗi bộ phận đến đâu.

"Sợ nhất là người ta 'đi đêm' với nhau. Vì vậy, cần phải yêu cầu Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan có văn bản hướng dẫn chặt chẽ, rõ ràng, đồng thời Chính phủ phải có biện pháp cương quyết cùng các địa phương - những nơi thực hiện dự án, quyết tâm làm.

Có vậy mới làm được, nếu chỉ đạo kiên quyết nhưng bên dưới thực hiện không nghiêm thì rất khó xử lý được triệt để", ông nói.

GS.TS Đặng Đình Đào nhấn mạnh, nếu trước đây, nguyên tắc hạch toán kinh doanh là Nhà nước còn kiểm tra, kiểm soát thực hiện từng chỉ tiêu một thì giờ Nhà nước chỉ kiểm tra hai mảng: doanh nghiệp có tuân thủ luật pháp không, có thực hiện nghĩa vụ đầy đủ không.

Việt Nam đã tham gia hàng loạt FTA, vào sân chơi của thế giới, vì thế cung cách làm ăn của doanh nghiệp Việt Nam cũng phải thay đổi theo, phải thượng tôn pháp luật.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/huy-hop-dong-bt-sai-pham-xac-dinh-the-nao-3371171/