Hủy hoại cảnh quan thiên nhiên môi trường là tội ác!

Cảnh quan thiên nhiên, môi trường đang trở thành nạn nhân của con người. Một nhóm người đã tàn phá, hủy hoại cảnh quan thiên nhiên môi trường không thương tiếc, khiến cho nhân dân bức xúc và lo lắng về chất lượng cuộc sống của chính mình, của tương lai con cháu, của đất nước rồi đây sẽ ra sao?

Khai thác gỗ nghiến trái phép tại rừng đặc dụng Phong Quang, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Vietnam+)

Khai thác gỗ nghiến trái phép tại rừng đặc dụng Phong Quang, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Vietnam+)

Môi trường, cảnh quan thiên nhiên bị tàn phá để rồi không ai khác, chính người dân phải chịu hậu quả trực tiếp, dài lâu từ sự phá hoại của nhóm người lợi dụng mang danh đầu tư, lấy đất rừng, đất biển. Từ của công biến thành của tư, làm giàu bất chính cho nhóm lợi ích của mình, bất chấp sự phản đối của người dân, chuyên gia và nhà khoa học.

Niềm tin vào cuộc sống của nhân dân bị sụt giảm bởi điều kiện sống đang bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, có nguyên nhân sâu xa từ sự xói mòn đạo đức, sự tăng trưởng lòng tham đến mức vô độ của một bộ phận không nhỏ người nắm giữ chức vụ, quyền lực và có thế lực về kinh tế chi phối. Họ biết người dân đau khổ nhưng vẫn thờ ơ, vô cảm.

Bảo vệ cảnh quan thiên nhiên môi trường đó là trách nhiệm chính đáng của mỗi người, bởi ai cũng có một phần trách nhiệm xây dựng, gìn giữ cuộc sống của mình và cộng đồng. Trong trách nhiệm giám sát, thực thi quyền công dân của mình, không ai vô can khi để xảy ra vấn nạn hủy hoại môi trường, cảnh quan thiên nhiên.

Môi trường bị hủy hoại sẽ để lại hậu quả lâu dài cho cả xã hội. (Ảnh: TTXVN)

Những năm qua, Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia thuộc tốp đầu thế giới chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, hiện tượng nước biển dâng, El Nino, mưa bão bất thường, lũ quét… Và những vấn nạn này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Đó chính là hậu quả từ việc tàn phá môi trường, cảnh quan thiên nhiên một cách không thương tiếc.

Không thể dung dưỡng cho bất kỳ cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào có hành động giết chết cảnh quan thiên nhiên môi trường sống. Vì đó là tội ác. Khi môi trường bị hủy hoại nghĩa là đang gián tiếp giết người một cách thầm lặng chứ không chỉ là thiệt hại trước mắt, tính bằng thống kê hiện vật và càng không thể nhìn thấy bằng mắt thường ngay lập tức.

Sự phát triển kinh tế là quan trọng nhưng không vì thế mà bất chấp cảnh báo và tàn phá cảnh quan thiên nhiên, môi trường. Lợi ích trước mắt cho một nhóm người được hưởng nhưng để lại hậu quả lâu dài cho cả xã hội.

Khôi phục môi trường cảnh quan phải mất rất nhiều thời gian và công sức cũng như tiền bạc. Còn người dân thì luôn cảm thấy bất an khi mỗi ngày phải sống với tình trạng ô nhiễm môi trường, không yên tâm mỗi khi nghĩ về nguồn nước, nguồn không khí mà mình đang nạp vào cơ thể từng ngày, từng giờ… Và tiền làm ra không đủ để chữa bệnh!

Một dự án có Chủ đầu tư tự ý đổ đất đá lấn biển vịnh Nha Trang từng bị UBND Khánh Hòa ra quyết định xử phạt. (Ảnh: VTT.VN)

Đức Đạt-lai Lạt-ma bày tỏ ngạc nhiên về con người như sau “tuổi trẻ thì đổ sức khỏe ra kiếm tiền, làm bất chấp cho đến lúc sức khỏe cạn kiệt rồi lại đổ tiền ra kiếm lại chút sức khỏe”. Sự ngạc nhiên ấy của ngài khiến ai nghe qua, ngẫm nghĩ cũng giật mình thấy bản thân mình ở trong đó, nhưng rồi vẫn cứ lao đi, tiếp tục hành trình bon chen bất chấp sự cảnh báo.

Đạo Phật với đường hướng từ bi, trí tuệ, lấy tình thương làm đầu, thể hiện ngay trong nguyên tắc cơ bản đầu tiên của Phật tử là tôn trọng sự sống. Nguyên tắc ấy, hành giả nhận diện, không hủy hoại cảnh quan thiên nhiên, môi trường sống. Bức tử cảnh quan thiên nhiên, môi trường là gián tiếp giết người (như thiên tai) hoặc những cái chết âm thầm, lâu dài (như bệnh tật).

Với đôi mắt trí tuệ, những người con Phật cũng biết rằng, làm việc thiện chính là làm lợi cho mình, cho người không chỉ hiện tại mà cho cả tương lai. Do vậy, những người con Phật không chỉ không làm việc tổn hại mình và người khác mà còn nỗ lực để chống lại cái ác mang tên “bức tử cảnh quan thiên nhiên, môi trường sống của muôn loài”.

Bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường là hành động tôn trọng sự sống xuyên suốt trong đời sống. Đó không chỉ là những khẩu hiệu mà còn là những việc làm thiết thực, cụ thể - để mỗi người đều là sứ giả của cảnh quan thiên nhiên, môi trường trong lành, của trái đất xanh. Chúng ta nói KHÔNG với phá rừng núi, cảnh quan. Chúng ta nói KHÔNG với lấp Biển.

Ai cũng có một gia đình nhỏ với tràn đầy tình yêu thương con cháu của riêng mình. Hãy vì tương lai của chính con cháu chúng ta, kiên quyết đấu tranh tới cùng trong việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, chống lại bất cứ thế lực nào gieo rắc và hủy hoại môi trường sống. Mỗi ngày, chúng ta hãy trồng nhiều cây xanh cho đời sống của chính mình và thế hệ mai sau. Hãy nói KHÔNG với nạn “phá rừng - lấp biển”!

Nguyễn Hòa Văn

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/thoi-luan/huy-hoai-canh-quan-thien-nhien-moi-truong-la-toi-ac-d111316.html