Huy động vốn quốc tế cho các dự án điện: Cần coi trọng xếp hạng tín nhiệm quốc gia

TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, để huy động được nguồn vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập, đòi hỏi chúng ta phải tuân thủ các yêu cầu và luật chơi quốc tế. TCDN -

 TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, việc thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án điện còn gặp nhiều khó khăn.

TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, việc thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án điện còn gặp nhiều khó khăn.

Giai đoạn 2021 - 2030 nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện là 133,3 tỷ USD

Phát biểu tại Hội thảo về “Huy động vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập” ngày 24/11, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho hay, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào các dự án điện ngày càng khó khăn, việc thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân có vai trò và ý nghĩa quan trọng.

TS. Nguyễn Đức Hiển thừa nhận, việc thu hút đầu tư tư nhân vào ngành điện nói chung và vào các dự án điện độc lập (IPP) hiện nay còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguồn vốn huy động từ chủ sở hữu khó khăn do thị trường vốn chưa phát triển, khó đáp ứng các yêu cầu phát hành ra công chúng.

Nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng trong nước gặp khó khăn do các dự án năng lượng đòi hỏi nguồn vốn lớn song theo Luật các tổ chức tín dụng, tổng mức dư nợ cấp tín dụng của một khách hàng không vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại; tổng mức dư nợ của một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại.

Cùng với đó, các ngân hàng cũng gặp khó khăn khi phải cân đối nguồn cho vay do nguồn huy động ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn trong khi cho vay các dự án năng lượng là dài hạn. Lãi suất vay vốn các ngân hàng trong nước để thực hiện các dự án điện IPP còn khá cao, chưa có các chính sách khuyến khích và hỗ trợ của Nhà nước đối với các dự án năng lượng tái tạo, dẫn đến giá điện bán cao khiến các dự án khó thu xếp vốn trong bối cảnh hiện nay.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành điện cũng còn một số vướng mắc trong lĩnh vực quản lý ngoại hối như vấn đề chuyển đổi ngoại tệ, chuyển tiền thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư; chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài; chuyển nhượng vốn đầu tư, chuyển nhượng dự án đầu tư, rủi ro tỷ giá…

“Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn ODA với những điều kiện vay thuận lợi ngày càng hạn hẹp, cùng với đó là một số hạn chế về cơ chế, chính sách liên quan đến huy động vốn và phát hành chứng khoán trong nước đối với các dự án năng lượng, việc tìm kiếm, tiếp cận các nguồn vốn từ những định chế tài chính, tín dụng quốc tế để đầu tư vào các dự án nguồn phát điện, nhất là các dự án nguồn phát điện độc lập là yêu cầu hết sức cần thiết”, ông Nguyễn Đức Hiển chia sẻ.

Việt Nam có nhiều dự án điện, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Quy mô thị trường Việt Nam hấp dẫn

Theo TS. Nguyễn Đức Hiển, dòng vốn quốc tế sẽ chỉ dịch chuyển về các quốc gia đáp ứng 3 tiêu chí: (i) có quy mô thị trường đủ lớn; (ii) khả năng sinh lời ở mức hấp dẫn; và (iii) rủi ro thấp.

“Rõ ràng là, với tổng mức đầu tư gần 13-15 tỷ đô la Mỹ/năm, quy mô thị trường Việt Nam là đủ sức hấp dẫn. Để tăng khả năng sinh lời và giảm rủi ro nhằm thu hút được dòng vốn quốc tế, trên bình diện quốc gia, Việt Nam cần coi trọng vai trò của xếp hạng tín nhiệm quốc gia vì thông qua đó sẽ giúp Chính phủ, định chế tài chính và doanh nghiệp khi huy động vốn vay hoặc phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế có thể giảm được chi phí huy động vốn”, ông Nguyễn Đức Hiển khẳng định.

Để thu hút được nguồn vốn quốc tế, ông Nguyễn Đức Hiển cho rằng, cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước trong điều hành vĩ mô, nhất là về chính sách tài chính - tiền tệ và đầu tư; tiếp tục cải thiện tính công khai, minh bạch, phục vụ cho công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia; tăng cường phối hợp giữa cơ quan Việt Nam trong cung cấp thông tin và thực hiện công tác đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Đồng thời, phải phát triển thị trường vốn, tránh phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng từ hệ thống ngân hàng thương mại. Một thị trường vốn phát triển sẽ làm cho hiệu quả và năng suất cao hơn, thúc đẩy đầu tư dài hạn và sáng tạo hơn, ổn định tài chính hơn. Từ đó, thu hút vốn quốc tế cho các lĩnh vực nói chung, trong đó lĩnh vực năng lượng sẽ thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng cần phải thực thi để tuân thủ luật chơi quốc tế là cần phải chuẩn hóa, minh bạch theo thông lệ quốc tế về hợp đồng mua bán điện (PPA) vì đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định chi phí vốn, trong đó cần lưu ý có cơ chế chia sẻ, phân bổ rủi ro hợp lý, tránh chỉ đẩy rủi ro cho các nhà đầu tư.

Ngoài ra, cơ chế giá điện cũng cần đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư, từ đó bảo đảm khả năng sinh lời cần thiết để thu hút các dòng vốn quốc tế. Thực thi sớm yêu cầu đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ, cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới; minh bạch giá mua bán điện đã nêu tại Nghị quyết 55. Cần sớm triển khai nhân rộng và có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125 - 130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550 - 600 tỉ KWh.

Theo tính toán sơ bộ của Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2021 - 2030, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện là 133,3 tỷ USD, trong đó cơ cấu giữa nguồn điện và lưới điện là 72/28; trong giai đoạn 2031 - 2045 là 184,1 tỷ USD và cơ cấu tương ứng là 74/26.

Tính tới tháng 8/2020, các dự án nguồn điện độc lập (IPP) đã được đầu tư và vận hành có công suất khoảng 16.400 MW (chiếm 28,3% công suất đặt của toàn hệ thống).

Thanh Phương

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/huy-dong-von-quoc-te-cho-cac-du-an-dien-can-coi-trong-xep-hang-tin-nhiem-quoc-gia-d16968.html