Huy động vốn cho dự án PPP, cần minh bạch trách nhiệm nhà đầu tư - Nhà nước

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa thẩm định Dự thảo Luật Đầu tư công theo phương thức đối tác công tư (PPP) để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào phiên họp tới.

.

.

Đầu tư hạ tầng cần 480 tỷ USD đến năm 2030

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính, nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam trong giai đoạn 2017-2030 vào khoảng 480 tỷ USD. “Việt Nam đã sử dụng 5,7% GDP cho phát triển cơ sở hạ tầng, đứng đầu các nước trong khu vực và khó có thể tăng thêm. Vì vậy, Việt Nam cần thu hút khu vực tư nhân, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào dự án PPP nhằm thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng so với các nước trong khu vực và thúc đẩy phát triển kinh tế”, bà Linn Tho chuyên gia về PPP của Ernst & Young Singapore khuyến cáo.

Để khuyến khích khu vực tư tham gia đầu tư dự án PPP, bà Linn Tho cho biết, các nước trên thế giới thực hiện nhiều cơ chế chia sẻ rủi ro (bảo lãnh cho nhà đầu tư), Luật Đầu tư PPP của Việt Nam cũng nên tiệm cận các chính sách bảo lãnh cho nhà đầu tư như các nước trên thế giới đang thực hiện, đặc biệt là bảo lãnh ngoại tệ cho nhà đầu tư nước ngoài vì khác với nhà đầu tưu trong nước, nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn đầu tư bằng ngoại tệ trong khi thu hồi vốn (qua phí, giá) bằng đồng nội tệ phải chuyển ra ngoại tệ để thu hồi vốn nên cần phải có sự bảo đảm về khả năng chuyển đổi ngoại tệ và tỷ giá.

“Việt Nam nên có chính sách khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia dự án PPP bởi nhà đầu tư nước ngoài có khả năng vay được nguồn vốn lớn với lãi suất thấp hơn trong khi nhà đầu tư nội địa không thể làm được. Nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm, năng lực trong đầu tư PPP, khi có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia sẽ tăng tính cạnh tranh đem lại hiệu quả đầu tư cao hơn”, bà Linn Tho khuyến cáo.

Phương thức đầu tư PPP đã bắt đầu được triển khai tại Việt Nam vào những năm 1997-1998 và được thực hiện chủ yếu bằng bình thức BOT (hợp đồng xây dựng-khai thác-chuyển giao) và BT (hợp đồng xây dựng-chuyển giao). Sau khoảng 20 năm triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng thông qua BT và BOT, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện giám sát đối với hình thức đầu tư BOT.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, qua giám sát, Thường vụ Quốc hội đã đánh giá toàn diện, tổng thể hoạt động đầu tư BOT, kể cả mặt được và chưa được và ban hành Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH về một số nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thôn theo hình thức BOT.

“Nhu cầu vốn phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vô cùng lớn, trong khi ngân sách nhà nước có hạn nên phải đẩy mạnh xã hội hóa, đẩy mạnh các hình thức kêu gọi tư nhân đầu tư. Muốn vậy phải hoàn thiện cơ chế, chính sách. Việc xây dựng Luật Đầu tư PPP chính là việc hoàn thiện cơ chế, chính sách”, ông Thanh nhấn mạnh.

Nhà nước phải sòng phẳng với dự án PPP

Mặc dù phương thức đầu tư PPP đã được triển khai hơn 20 năm, nhưng khuôn khổ pháp luật chỉ là nghị định và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, theo ông Nguyễn Đức Kiên đã đến lúc phải ban hành thống nhất một văn bản pháp luật để cụ thể hóa vấn đề này.

Để dự án PPP có hiệu quả, theo ông Kiên phải trả lời được 6 nhóm vấn đề, trong đó phải đánh giá được hiệu quả của dự án theo các tiêu chí kinh tế - xã hội, hiệu quả của nhà đầu tư, lợi ích của Nhà nước và người dân khi sử dụng dự án. “Do không đủ nguồn lực để thực hiện các dự án cung cấp dịch vụ công nên Nhà nước phải huy động nguồn lực ngoài xã hội kết hợp với nguồn lực nhà nước để xây dựng, nhưng làm PPP ở những lĩnh vực nào thì cần phải tính đến, liệu có nên làm 7 lĩnh vực như Dự thảo không hay là mở rộng ra hoặc thu hẹp đi khi lấy tiêu chí hiệu quả để đo là nên làm PPP hay giao cho tư nhân làm hay là để Nhà nước làm”, ông Kiên đặt câu hỏi.

Trưởng Phòng Pháp chế, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, Dự thảo Luật Đầu tư PPP đã nhận được sự quan tâm rất lớn không của chỉ xã hội, báo chí mà còn của rất nhiều doanh nghiệp.

“Vài năm gần đây, qua dư luận, các dự án BOT và cả BT như là “tội đồ” khiến nhà đầu tư không còn mặn mà bỏ vốn đầu tư vào xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.“Cần phải có Luật Đầu tư PPP để minh định mọi hoạt động đầu tư, khai thác dự án, không chỉ bảo đảm quyền lợi của Nhà nước, của người dân (sử dụng dịch vụ công) mà còn phải bảo đảm lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư thì nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Còn như hiện nay, các nhà đầu tư có tâm lý e ngại”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Tuấn cho rằng, để kêu gọi đầu tư vào dự án PPP bằng các cơ chế khuyến khích, ưu đãi chưa đủ mà Nhà nước phải sòng phẳng với nhà đầu tư. “Cảng hàng không do doanh nghiệp bỏ tiền ra làm đã hoàn thành nhưng đường băng cho tàu bay cất, hạ cánh, Nhà nước lại không làm thì ai bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư? Cây cầu do doanh nghiệp bỏ vốn ra làm đã hoàn thành nhưng đường dẫn lên cầu thuộc trách nhiệm đầu tư của Nhà nước thì mấy năm mới xong, trong thời gian cây cầu không đưa vào khai thác do không có đường lên cầu thì ai chịu”, ông Tuấn nói lên tiếng nói của doanh nghiệp.

“PPP là hợp đồng giữa Nhà nước và doanh nghiệp ký với nhau. Trước đây chưa có luật, các văn bản dưới luật quy định thiếu chật chẽ mới dẫn đến tình trạng có cầu nhưng lại thiếu đường lên cầu, phần thua thiệt luôn thuộc về phía doanh nghiệp. Luật Đầu tư PPP cần phải quy định rõ, trong hợp đồng được ký kết giữa Nhà nước và doanh nghiệp phải quy định rõ việc xử lý vấn đề này trên nguyên tắc bên nào gây ra thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường, Nhà nước phải sòng phẳng với doanh nghiệp mới thu hút được doanh nghiệp bỏ vốn làm PPP”, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Huy Đông phát biểu.

Mạnh Bôn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/huy-dong-von-cho-du-an-ppp-can-minh-bach-trach-nhiem-nha-dau-tu---nha-nuoc-d106354.html