Huy động sức mạnh đại đoàn kết trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia

Trong quá trình dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã luôn coi trọng nhân dân, luôn đề cao tư tưởng lấy dân làm gốc. Phát huy truyền thống đó, suốt 60 năm qua, lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) đã cùng với cấp ủy, chính quyền, nhân dân khu vực biên giới đoàn kết, thống nhất, xây dựng nên thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh.

Bác sĩ quân y Đồn Biên phòng Làng Ho (Quảng Bình) khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều tại xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy.

Đồng hành cùng những chiến sĩ quân hàm xanh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với vai trò tuyên truyền, vận động nhân dân; tập hợp, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc đã phối hợp đẩy mạnh nhiều hoạt động ý nghĩa, để “Ngày Biên phòng toàn dân” (Ngày BPTD) thật sự là ngày hội cả nước hướng về biên giới.

Năm 1989, Bộ Tư lệnh BĐBP tham mưu cho Bộ trưởng Nội vụ đề nghị với Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra quyết định số 16/HĐBT về tổ chức “Ngày Biên phòng” trong cả nước. Tiếp đó, năm 2003, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XI thông qua Luật Biên giới quốc gia trong đó quy định lấy ngày 3-3 hằng năm là “Ngày BPTD”. Qua 30 năm, việc thực hiện “Ngày BPTD”được tiến hành trong cả nước từ Trung ương tới địa phương một cách thường xuyên, liên tục với nhiều biện pháp, cách làm đa dạng và thực chất, góp phần từng bước nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, phát huy dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận trong xã hội và nhất là tạo chuyển biến trong nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân về công tác biên phòng, vấn đề biên giới lãnh thổ.

Trong công tác tuyên truyền, vận động xây dựng phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”, tùy thuộc vào tình hình cụ thể từng địa phương, các đơn vị BĐBP đã chủ động phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam tại 44 tỉnh, thành phố biên giới, bờ biển tổ chức thành lập được 1.587 tổ tự quản, 49.724 hộ gia đình và 60.493 cá nhân đăng ký tham gia tự quản 4.215,844 km đường biên, 3.141 mốc quốc giới trên đất liền; 3.219 tổ tàu thuyền an toàn với 22.712 tàu thuyền và 77.134 thành viên cùng 636 bến bãi, tổ sản xuất an toàn trên biển và 14.822 tổ với 327.737 thành viên tự quản an ninh trật tự khu vực biên giới.

Các phong trào được duy trì và phát huy hiệu quả tích cực như: Phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc biên giới” ở nhiều địa phương như: Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Trị; phong trào “Tàu thuyền, bến bãi an toàn” ở Hải Phòng, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Thuận, Kiên Giang, Vũng Tàu; phong trào “Thanh niên xung kích bảo vệ đường biên” ở Lào Cai, Hà Tĩnh, An Giang; phong trào “Người phụ nữ vì biên giới” ở Quảng Bình, Quảng Nam, Kon Tum; phong trào “Thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận” ở Nam Định, Thái Bình, Ninh Thuận; phong trào “Già làng trưởng bản gương mẫu” ở Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đác Nông...

Dưới “mái nhà” đại đoàn kết, đã có rất nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, củng cố quốc phòng, an ninh được gây dựng từ sức mạnh tổng hợp của cả nước hướng về biên giới, hải đảo. Có thể kể đến chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” với 7.000 căn nhà đại đoàn kết, 300 công trình dân sinh trị giá gần 340 tỷ đồng; chương trình “Bò giống cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” đã tiến hành trao 24.676 con bò cho đồng bào nghèo biên giới; chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” mỗi năm huy động hàng chục tỷ đồng để chăm lo cho đồng bào được đón Tết no đủ, tươi vui… Cùng với những đóng góp đáng trân trọng từ nguồn lực hậu phương hướng về biên giới, còn phải kể đến những cống hiến thầm lặng và bền bỉ của đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận, dân vận ở cơ sở và các đơn vị biên phòng. Nhờ nắm chắc tình hình địa bàn và thực trạng hoạt động ở địa phương, MTTQ các cấp đã cùng các ngành chức năng và lực lượng BĐBP chủ động tham mưu, đề xuất và thực hiện tốt chủ trương tăng cường cán bộ xuống cơ sở để bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ tại chỗ, góp phần củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng cũng hết sức được coi trọng và đề cao.

Một số đề án đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực như “Dự án thí điểm đưa 600 trí thức trẻ có trình độ đại học về làm phó chủ tịch UBND các xã đặc biệt khó khăn” của Bộ Nội vụ. Hay Bộ Quốc phòng chỉ đạo BĐBP thực hiện chủ trương đưa 323 cán bộ về tăng cường tại các xã biên giới đặc biệt khó khăn thuộc 27 tỉnh, thành phố và giới thiệu 1.447 đảng viên ở các đồn biên phòng tham gia sinh hoạt đảng tạm thời tại các chi bộ thôn, bản.

Hằng năm, vào dịp 3-3, “Ngày BPTD” đã được Tỉnh ủy, UBND, HĐND và Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố biên giới, bờ biển triển khai tổ chức trọng thể, trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, là ngày hội của tình quân dân, của sắc mầu văn hóa và tri ân những người có nhiều cống hiến cho đất nước, cho biên cương. Đây vừa là hoạt động nhằm sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm cho từng giai đoạn và cũng là cơ hội tôn vinh, gặp gỡ các tấm gương điển hình tiên tiến và đề ra các kế hoạch, định hướng cụ thể cho từng năm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội khu vực biên giới, tăng cường quốc phòng, an ninh, chăm lo xây dựng, củng cố lực lượng BĐBP vững mạnh về mọi mặt. Bên cạnh đó, nhằm triển khai hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở Hướng dẫn số 7210/HD-BQP của Bộ Quốc phòng, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã có chỉ đạo, hướng dẫn MTTQ các cấp tổ chức thực hiện “Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh các hoạt động lấy người dân làm chủ thể nòng cốt để phong trào có sức lan tỏa cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, mang lại không khí thi đua sôi nổi trong xây dựng nền biên phòng toàn dân và nâng cao vị thế của nhân dân, của các tổ chức chính trị - xã hội.

Có thể thấy rằng, qua 30 năm thực hiện “Ngày BPTD” đã tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quân dân, góp phần quan trọng vào việc giữ vững chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ tài nguyên môi trường, lợi ích quốc gia và an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển và hội nhập của đất nước. Trong thành tựu chung đáng ghi nhận đó, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ cùng với BĐBP và các ban, ngành chức năng để huy động được sức mạnh toàn dân tộc hướng về biên giới, biển đảo, tạo thêm được nhiều nguồn lực to lớn để đưa khu vực biên giới trở thành điểm sáng trên mọi lĩnh vực, chăm lo tốt hơn nữa cho đồng bào, chiến sĩ trên các tuyến biên giới, hải đảo xây dựng vững chắc thế trận biên phòng toàn dân nơi địa đầu Tổ quốc.

Trương Thị Ngọc Ánh

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/38887202-huy-dong-suc-manh-dai-doan-ket-trong-bao-ve-chu-quyen-an-ninh-bien-gioi-quoc-gia.html