Huy động sức dân để xây dựng nông thôn mới

Đến cuối năm 2018, tỉnh Đồng Nai có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đây là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Kết quả đó khẳng định chủ trương đúng đắn của tỉnh trong phát triển sản xuất, huy động nguồn lực của dân...

Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả

Thăm khu chuyên canh thanh long ruột đỏ của gia đình ông Bùi Đình Anh, xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc), chúng tôi thực sự ấn tượng bởi tư duy liên kết sản xuất, tích tụ ruộng đất để tạo thành vùng chuyên canh của ông. Giới thiệu với chúng tôi, ông Anh chia sẻ: “Nông trang của tôi rộng 40ha, được chia theo từng khu, mỗi khu có một mã số riêng để quản lý. Hiện tại, mỗi héc-ta thanh long ruột đỏ giống mới cho thu nhập cả tỷ đồng/năm. Có thu nhập, tôi luôn sẵn sàng ủng hộ địa phương xây dựng các công trình phúc lợi”. Đây là một trong những mô hình sản xuất mang lại lợi nhuận kinh tế cao nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn của nhân viên kỹ thuật trong chương trình xây dựng NTM. Nhân rộng mô hình này, chính quyền xã đã khuyến khích nhiều hộ nông dân học tập cách làm của gia đình ông Anh, liên kết với nhau xây dựng vùng chuyên canh cây đặc sản. Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết: "Đến nay, hầu hết diện tích cây lâu năm, cây ăn trái của huyện sử dụng giống mới. Huyện đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc biệt, nhân rộng mô hình cây trồng năng suất cao, như: Hồ tiêu, chuối, rau, mãng cầu, nấm, thanh long ruột đỏ…".

Ở huyện Vĩnh Cửu, mô hình làm giàu từ bưởi Tân Triều (xã Tân Bình) trở thành thế mạnh xây dựng NTM tại địa phương. Trong đó, gia đình anh Ngô Văn Sơn (Út Sơn), ấp Vĩnh Hiệp có vườn bưởi rộng gần 2ha với hàng nghìn gốc. Xuân này, anh Sơn đã tạo hình thành công 50 quả bưởi da xanh hồ lô in nổi hình bản đồ Việt Nam. Anh Sơn tâm sự: "Khi mới triển khai xây dựng NTM, gia đình tôi là một trong số các hộ được chính quyền xã, huyện hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng vườn bưởi chất lượng cao. Từ kinh nghiệm làm vườn và được tập huấn kỹ thuật chăm sóc bưởi da xanh, chúng tôi phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng trở thành thương hiệu của địa phương".

 Vườn bưởi của gia đình anh Ngô Văn Sơn là mô hình kinh tế tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Bình (Vĩnh Cửu).

Vườn bưởi của gia đình anh Ngô Văn Sơn là mô hình kinh tế tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Bình (Vĩnh Cửu).

Mới đây, ở xã Bảo Quang (thị xã Long Khánh) còn phát triển mô hình trồng trọt mới là “Ruộng lúa bờ hoa”. Mục đích của trồng hoa bên bờ ruộng là để dẫn dụ các loại chuồn chuồn, chim sâu, bọ rùa.... Các loại thiên địch này có tác dụng diệt trừ những sinh vật gây hại cho lúa nên lúa được bảo vệ một cách tự nhiên…

Còn nhiều mô hình kinh tế được chính quyền các địa phương nhân rộng, như: Tổ hợp tác may gia công (huyện Long Thành); tổ hợp tác trồng nấm (huyện Nhơn Trạch); tiếng kẻng môi trường, câu lạc bộ “Ngôi nhà xanh” (huyện Thống Nhất, huyện Cẩm Mỹ)… làm đổi thay diện mạo NTM trên địa bàn tỉnh.

Dựa vào dân để lo cho dân

Con đường nhựa phẳng lỳ ở ấp Hưng Thạnh, xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) được khánh thành các đây vài tháng. Đó là thành quả của sự chung sức, đồng lòng của nhân dân trong xã hiến đất, góp công sức mở đường, rộng thoáng. Ông Võ Văn Thành, ngụ tại ấp Hưng Thạnh chia sẻ: “Được các ban, ngành địa phương tuyên truyền, vận động, tùy theo khả năng, mỗi hộ dân đều tự nguyện tham gia. Người hiến đất, người góp của, người bỏ công hoàn thành con đường trong niềm vui của cả ấp”.

Điểm nổi bật trong xây dựng NTM ở Đồng Nai là huy động sức dân để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người trong tỉnh đạt 4.226 USD/năm, cao gấp 3,3 lần so với năm 2008; hoàn thành việc xây dựng nhà đại đoàn kết, xóa hoàn toàn nhà dột nát cho người nghèo… Có được kết quả đó, theo ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, chính nông dân đã đóng góp nhiều công sức, tiền của để làm thay da đổi thịt cho quê hương mình. Các cấp trong tỉnh đã huy động được 250.000 tỷ đồng, trong đó chỉ có gần 9% là ngân sách Nhà nước, còn lại nhân dân và doanh nghiệp đóng góp. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã huy động được sức dân tham gia hoàn thành nhiều tiêu chí quan trọng. Bởi vậy, chủ trương huy động sức dân, dựa vào dân để lo cho dân trong công cuộc xây dựng NTM đã mang lại thành công cho tỉnh.

Cụ thể hóa chủ trương đó, các ngành, các cấp tích cực tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của chương trình xây dựng NTM cho từng hộ dân, từng đoàn viên, hội viên; vận động nông dân tham gia xây dựng NTM bằng những việc làm thiết thực, như: Hiến đất, đóng góp ngày công lao động để làm đường giao thông, công trình thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng cơ sở hạ tầng… Theo bà Hoàng Thị Bích Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai, trong 5 năm gần đây, nông dân toàn tỉnh đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng xây dựng hạ tầng NTM; 104.389 ngày công lao động, hiến 809.333m2 đất… Từ sự đóng góp đó, đã có 1.963km đường giao thông nông thôn được sửa chữa, làm mới; kiên cố và nạo vét 605km kênh mương nội đồng; sửa chữa, làm mới 192 công trình điện, 693 cầu cống, 883 phòng học, trạm xá và 96 công trình phúc lợi... Ông Bùi Sơn Lộc, xã An Phước (huyện Long Thành), chia sẻ: “Hiểu rõ cái lợi của NTM phục vụ ngay cho đời sống, sinh hoạt của mình ngày một tốt hơn nên chúng tôi tích cực hưởng ứng chủ trương của địa phương, tự nguyện góp công, góp của để đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, khang trang”.

Bài và ảnh: YẾN LONG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/huy-dong-suc-dan-de-xay-dung-nong-thon-moi-566245