Huy động sức dân cải tạo môi trường

Những thay đổi về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân đã góp phần làm thay đổi diện mạo tại các địa phương trên địa bàn Hà Nội. Đó là sự chung sức, đóng góp từ chính người dân và cán bộ cơ sở để nhân lên ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường.

Xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường

Về thôn 6, xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất, Hà Nội) vào những ngày cuối năm 2022, vùng quê như khoác lên mình “tấm áo mới” của sự khang trang, trù phú; đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao. Ngay từ đầu tỉnh lộ 419 dẫn vào, cổng chào được xây dựng to đẹp, bên cạnh có gắn biển: “Nhân dân thôn 6, chung tay xây dựng thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Đi sâu vào trong thôn, con đường gồ ghề cũ, hẹp trước đây giờ đã được trải nhựa, nhiều đèn thắp sáng đã được trang bị, hai bên đường đã trồng hoa. Những bức tường rào của các hộ gia đình, được trang trí bằng tranh cổ động, tranh phong cảnh nông thôn... Đặc biệt là sự thay đổi về ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường của người dân trong thôn, đã có chuyển biến rõ rệt.

Phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân đã góp phần làm thay đổi diện mạo tại thôn 6 xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất.

Phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân đã góp phần làm thay đổi diện mạo tại thôn 6 xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Như Xô - Bí thư Chi bộ thôn 6 (xã Đại Đồng) cho biết, thôn luôn xác định môi trường là yếu tố tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân. Môi trường cũng là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nói chung, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu hiện nay nói riêng. Bên cạnh đó, nhận thấy rằng việc giữ gìn vệ sinh môi trường nếu làm tốt thì nhân dân chính là người được hưởng thành quả, còn nếu để ô nhiễm môi trường thì người dân cũng là người gánh chịu. Và khi đó, thì cấp ủy, chi bộ, cán bộ đảng viên là người có lỗi với nhân dân.

“Thôn 6 có 524 hộ với 1.810 nhân khẩu; chi bộ thôn có 75 đảng viên. Các đoàn thể trong thôn luôn được kiện toàn đầy đủ. Để làm tốt vấn đề này, chi bộ đã luôn quan tâm, đưa nội dung vệ sinh môi trường vào nghị quyết của chi bộ; phân công chi ủy viên, đảng viên phụ trách, nhằm đôn đốc, theo dõi việc thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức trong thôn đưa công tác bảo vệ môi trường vào nội dung hoạt động của chi hội mình để cùng tổ chức thực hiện thống nhất, hiệu quả”, ông Nguyễn Như Xô cho biết.

Theo đó, trên hệ thống loa truyền thanh của thôn thường xuyên, kịp thời tuyên truyền phổ biến tầm quan trọng của phong trào giữ gìn, bảo vệ môi trường. Đồng thời, hướng dẫn, vận động nhân dân hiểu, đồng thuận hưởng ứng thực hiện các quy định liên quan đến việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, xây dựng nếp sống văn minh; thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại nhà, mang ra nơi tập trung, đúng thời gian và vị trí, theo hướng dẫn. Thôn cũng duy trì có hiệu quả, các buổi tổng vệ sinh vào sáng chủ nhật hàng tuần. Phong trào đã thực sự lôi cuốn được mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Trong đó, có cụ bà tuổi đã ngoài 80 như cụ Kiều Thị Kiên (89 tuổi ) vẫn nhiệt tình cùng các bà các chị trong Chi hội phụ nữ, nông dân tham gia quét dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm.

Để góp phần làm sạch đẹp thôn xóm, từ đầu năm 2022 đến nay, thôn 6 đã tổ chức vận động bà con xã hội hóa lắp đặt hơn 20 mắt camera an ninh trị giá trên 90 triệu đồng. Các camera này được đặt tại khu mô hình trang trại ngoài đồng và các điểm nút quan trọng trong thôn. Đồng thời phối hợp với Ban Chấp hành đoàn xã vận động nhân dân đóng góp tiền cùng nhiều vật liệu như sơn, xi măng, công lao động… phục vụ vẽ tranh bích họa, làm đẹp thôn xóm. Dưới sự động viên, hướng dẫn của Ban công tác mặt trận thôn, Chi hội phụ nữ, nông dân, hội người cao tuổi, đã tổ chức trồng trên 500 khóm hoa trên đoạn đường tự quản, cắt tỉa cành 2 bên đường, góp phần làm sạch đẹp đường làng ngõ xóm.

Thay đổi ý thức bảo vệ môi trường

Cũng là một trong số những địa phương tích cực huy động sức dân cải tạo môi trường sống, hiện nay, bộ mặt nông thôn An Hiền (xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cũng ngày càng khởi sắc. Trong thôn có những bức tường được tô vẽ, trang trí đẹp mắt như những tác phẩm nghệ thuật. 100% đường thôn, ngõ xóm được bê tông hóa, hệ thống rãnh thoát nước trong khu dân cư có nắp đậy, bảo đảm môi trường sạch sẽ. Ông Trần Quang Huy, Bí thư Chi bộ thôn An Hiền, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn An Hiền, cho biết: Bảo vệ môi trường nói chung và chống rác thải nhựa nói riêng cần bắt đầu từ ý thức mỗi người dân, mỗi gia đình. Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền của cả hệ thống chính trị, ý thức người dân trong thôn được nâng lên đáng kể. Đặc biệt, nhiều nơi có những cách làm, mô hình sáng tạo nhằm huy động sức dân chống rác thải nhựa.

“Chúng tôi lấy xã hội hóa làm nền tảng để xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường. Mỗi người dân luôn nhận thức là một chủ thể trong việc bảo vệ môi trường, cải tạo môi trường sống. Điển hình nhất là công trình nghĩa trang, quy tập được hơn 300 ngôi mộ, nhân dân ủng hộ hơn 1 tỷ đồng. Sân vận động rộng trên 3.000 m2 là do nhân dân tự nguyện hiến đất, mỗi nhà tự hiến một ít đất để làm sân vận động, hoàn thành năm 2011. Con đường trục chính của làng dài hơn 300 m với hơn 100 bồn hoa giấy. Một đường hoa rất đẹp được nhiều nơi ở huyện Chương Mỹ về đây học tập kinh nghiệm, cách làm”, ông Trần Quang Huy cho biết.

Người dân thôn 6 (xã Đại Đồng) tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường.

Không chỉ tại thôn 6 (xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất) hay thôn An Hiền (xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ) mà tại các địa phương khác, hoạt động bảo vệ môi trường cũng được người dân tham gia tích cực. Bên cạnh giải pháp quản lý, giải pháp công trình, công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường đã được đẩy mạnh đồng loạt trên toàn thành phố Hà Nội với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các sở, ngành, chính quyền các cấp. Trong đó, sự đồng lòng tham gia của nhân dân đóng một vai trò rất quan trọng. Nhiều mô hình bảo vệ môi trường từ nhân dân, sau đó đã được nhân rộng trên toàn địa bàn Thành phố. Tầm quan trọng của sức dân trong công tác bảo vệ môi trường cũng được đề cập trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Được biết, một trong những điểm mới quan trọng của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong các hoạt động bảo vệ môi trường; bổ sung “cộng đồng dân cư” vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng nhằm khẳng định vị trí, vai trò của nhóm đối tượng quan trọng này trong công tác bảo vệ môi trường. Luật cũng bổ sung các quy định giúp cộng đồng dân cư thuận lợi trong tham gia giám sát hoạt động bảo vệ môi trường; xác định mục tiêu xuyên suốt của các quy định là nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, bảo đảm người dân được sống trong môi trường trong lành. /.

Bảo vệ môi trường chính là trách nhiệm của mỗi người dân. Bởi vậy, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội các cấp, nhất là cấp cơ sở cần quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác xử lý, phân loại rác thải, chống rác thải nhựa ngay từ hộ gia đình, khơi dậy sức dân trong công tác bảo vệ môi trường.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/huy-dong-suc-dan-cai-tao-moi-truong-150317.html