Huy động nhiều nguồn lực xây dựng nhà ở cho công nhân

Xác định NLĐ là “tài sản quý” nên các doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trên địa bàn thành phố đã có nhiều giải pháp thiết thực chăm lo, trong đó có việc tìm quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân, NLĐ. Chung cư Thiên Phát ở phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức của Công ty cổ phần sản xuất, xây dựng, dịch vụ, du lịch Thiên Phát (Công ty Thiên Phát) là một địa chỉ thân thiết của nhiều công nhân.

Từ năm 2014, Công ty Thiên Phát đã đưa vào sử dụng hai khối chung cư cao chín tầng, ở giữa có không gian xanh làm cảnh quan và nơi sinh hoạt chung cho cư dân. Chủ đầu tư xây dựng nhà trẻ, siêu thị nhỏ, sân chơi ngoài trời, thư viện để tăng thêm tiện ích cho người sử dụng. Công ty Thiên Phát dự định mở rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho nhiều NLĐ khác có nhu cầu.

Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam (KCX Linh Trung 1) cũng đã xây dựng ba dãy nhà lưu trú cho công nhân ở miễn phí với nhiều tiện ích như phòng đọc sách, hát ka-ra-ô-kê, phòng tập thể dục thẩm mỹ, khu vực tư vấn sức khỏe cho công nhân...

Tuy vậy, những nơi ở dành cho công nhân nêu trên hiện vẫn còn rất ít. Có chỗ ở để ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc là nhu cầu bức thiết hiện nay của hàng nghìn công nhân, NLĐ tại các KCX-KCN trên địa bàn thành phố. Số liệu của Ban Quản lý các KCX-KCN thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, toàn thành phố hiện có hơn 380 nghìn công nhân đang làm việc tại 17 KCX-KCN, cụm công nghiệp, nhưng các DN hiện chỉ mới đáp ứng nhu cầu về chỗ ở khoảng 15%, tương đương 15 nghìn người. Số đông còn lại đều phải chấp nhận thuê trọ bên ngoài trong những căn phòng chật hẹp, thiếu tiện nghi; nhiều chỗ trọ, tình hình trật tự, trị an không bảo đảm.

Ước tính đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ có khoảng 400 nghìn công nhân, NLĐ làm việc tại các KCX - KCN, cụm công nghiệp và vấn đề về chỗ ở cho công nhân vẫn là nhu cầu bức thiết của số đông công nhân, NLĐ, trong khi các dự án về nhà ở của thành phố triển khai vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Là một đô thị lớn, có nhiều DN hoạt động, NLĐ từ các địa phương khác tìm đến TP Hồ Chí Minh làm việc, mưu sinh vẫn đang tiếp tục tăng, thành phố cần sớm có những giải pháp mang tính đột phá để giải quyết nhu cầu về chỗ ở, nơi lưu trú cho công nhân, NLĐ. Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đực cho rằng, xây nhà ở và chăm lo nơi cư trú cho công nhân, NLĐ là trách nhiệm của địa phương và các cơ quan chức năng của thành phố. Hiện, các thủ tục, quy chuẩn về xây dựng nhà ở, nhà lưu trú cho công nhân vẫn còn cứng nhắc, chưa có sự linh hoạt để tháo gỡ nhằm huy động nhiều nguồn lực của xã hội cùng tham gia. Các tiêu chí về nhà giá rẻ chưa rõ ràng, thủ tục còn nhiều ràng buộc, nếu các cơ quan chức năng không sớm tháo gỡ thì khó thu hút được các nguồn lực xã hội.

Theo Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, ngày 22-5-2018 của Chính phủ quy định về quản lý KCN và khu kinh tế, việc quy hoạch KCN - đô thị - dịch vụ là mô hình mới đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Theo đó, khi quy hoạch KCN phải gắn liền với phát triển khu dân cư và các công trình xã hội, tạo được sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng. Đó là cơ sở để các DN mạnh dạn thực hiện các dự án về đầu tư công nghiệp cũng như các dự án về nhà ở để bảo đảm nơi an cư cho công nhân, NLĐ.

Để giải quyết nhu cầu về chỗ ở tại các KCX-KCN hiện nay, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Ngô Lê Minh, Khoa Kỹ thuật công trình, Trường đại học Tôn Đức Thắng cho rằng, các đơn vị có thể giải quyết vấn đề bằng giải pháp mua lại hoặc thuê đất của người dân để xây dựng chung cư nhằm tận dụng triệt để quỹ đất, bổ sung thêm nhiều chỗ ở cho NLĐ, giảm bớt số lượng phải sống tại các khu nhà trọ kém chất lượng; hoặc DN kết hợp với Nhà nước để tạo quỹ đất xây dựng các khu chung cư.

Thực tế hiện nay, một trong những nguyên nhân khiến việc triển khai thực hiện các dự án xây dựng nhà ở có thể đáp ứng nhu cầu của công nhân chậm là do bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài. Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố hiện đang triển khai 15 dự án nhà giá rẻ với quy mô 47 ha, nhưng có đến sáu dự án bị chậm tiến độ do khó khăn trong giai đoạn đền bù, giải tỏa. Nếu các dự án này được triển khai hoàn thiện sẽ giải quyết chỗ ở cho 95.000 công nhân. Cùng với đó, quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế; nguồn vốn dài hạn để hỗ trợ các chủ đầu tư vay thực hiện dự án nhà ở xã hội, hoặc cho các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội vay vốn mua nhà chưa ổn định.

Để tháo gỡ khó khăn nêu trên, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương phát triển đa dạng sản phẩm, loại hình nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng. Thành phố cũng đang rà soát, bố trí các quỹ đất, cân đối nguồn vốn ngân sách xây dựng nhà ở xã hội tại các quận, huyện, đồng thời có chính sách ưu tiên, khuyến khích DN tham gia tạo thêm nguồn lực để giải quyết vấn đề này.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/40290002-huy-dong-nhieu-nguon-luc-xay-dung-nha-o-cho-cong-nhan.html