Huy động nguồn lực xã hội cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật

Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một trong những chính sách quan trọng, có tính đột phá huy động nguồn lực xã hội cho công tác này. Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, việc triển khai trên thực tế còn nhiều khó khăn.

Bộ Tư pháp vừa có trả lời kiến nghị của các địa phương về giải pháp thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật.

Theo Bộ Tư pháp, thời gian qua, nhiều Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đã triển khai thực hiện chính sách về xã hội hóa. Huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở bao gồm cả nguồn nhân lực và kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm. Theo đó, đã huy động được sự đóng góp của cá nhân, tổ chức, DN cho tổ chức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hòa giải viên giỏi...

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện xã hội hóa đối với các lĩnh vực này trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do đây là các lĩnh vực không phát sinh lợi nhuận, hiệu quả còn phụ thuộc sự chủ động, sáng tạo và linh hoạt của từng Bộ, ngành, địa phương.

Bộ Tư pháp cho biết, sẽ tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cá nhân, tổ chức, DN tài trợ, tham gia xã hội hóa công tác PBGDPL. Ảnh minh họa

Bộ Tư pháp cho biết, sẽ tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cá nhân, tổ chức, DN tài trợ, tham gia xã hội hóa công tác PBGDPL. Ảnh minh họa

Trong bối cảnh còn khó khăn về kinh phí từ ngân sách Nhà nước, Bộ Tư pháp nhìn nhận, việc xã hội hóa công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật càng cần thiết.

Hiện Bộ Tư pháp đang nghiên cứu, đánh giá việc thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong đó, chú trọng tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cá nhân, tổ chức, DN tài trợ, tham gia vào các lĩnh vực công tác này.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng sẽ triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp như: Hướng dẫn, tạo điều kiện cho đội ngũ luật sư, luật gia, chuyên gia, người đang và đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, thẩm tra viên trong cơ quan tiến hành tố tụng, cán bộ, công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn đang thường trú ở cơ sở tham gia làm hòa giải viên hoặc hỗ trợ pháp lý cho tổ hòa giải ở cơ sở.

Chủ động mời các cá nhân, tổ chức, DN tài trợ kinh phí cho các hoạt động PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, nhất là trong việc hỗ trợ tổ chức cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hòa giải viên giỏi.

Ghi nhận, khen thưởng, tôn vinh các cá nhân, tổ chức, DN tài trợ, tham gia các lĩnh vực công tác này; nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong xã hội hóa để hướng dẫn nhân rộng.

Nguyên An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/huy-dong-nguon-luc-xa-hoi-cho-cong-tac-pho-bien-giao-duc-phap-luat-202584.html