Huy động mọi nguồn lực, sớm xây dựng Hoài Đức trở thành quận

Ngày 18-9-2018, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 4925/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án đầu tư, xây dựng huyện Hoài Đức trở thành quận vào năm 2020. Đề án này có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần hoàn thành chỉ tiêu về 'đô thị hóa' mà Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Đức Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Đỗ Đức Trung.

Sự chuẩn bị bài bản, căn cơ

- Thưa ông, huyện Hoài Đức có những lợi thế gì để phát triển trở thành quận?

- Hoài Đức là huyện ven đô, tiếp giáp với các quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông. Trong những năm qua, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn huyện diễn ra khá nhanh. Nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ, kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Huyện Hoài Đức đã thu hút nhiều nhà đầu tư xây dựng các khu đô thị. Trước tháng 8-2008, đã có 65 dự án khu đô thị, tái định cư và nhà ở xã hội được cấp có thẩm quyền cho phép triển khai thực hiện với tổng diện tích 2.778ha. Đến nay, một số dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng, cư dân sinh sống, như các khu đô thị: Bắc An Khánh, Nam An Khánh, Vân Canh, Bắc quốc lộ 32, Geleximco…

Việc nâng cấp huyện Hoài Đức trở thành quận là chuyển ngang hiện trạng, không thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính, không làm tăng thêm số lượng đơn vị hành chính. Do đó, đây cũng là một thuận lợi không nhỏ.

- Thời gian qua, huyện Hoài Đức đã chuẩn bị cho nhiệm vụ này như thế nào?

- Chủ trương xây dựng huyện Hoài Đức trở thành quận được thành phố và huyện triển khai từ nhiều năm qua. Năm 2011, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, huyện đã có những định hướng về việc này phải khác so với các địa phương lân cận. Một mặt là nâng cao đời sống nông dân, mặt khác phải làm tốt công tác quy hoạch, gắn với đô thị văn minh. Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đã có nghị quyết về việc phát triển huyện Hoài Đức trở thành đô thị văn minh, hiện đại. Đáng nói, huyện Hoài Đức đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố trên tất cả các mặt để huyện sớm trở thành quận.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, huyện Hoài Đức được quy hoạch là đô thị trung tâm của TP Hà Nội với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; các quy hoạch phân khu S2, S3, S4 và GS trên địa bàn huyện đã được UBND thành phố phê duyệt; 19/19 đồ án quy hoạch nông thôn mới của huyện đã được phê duyệt từ năm 2012 theo hướng phát triển đô thị. Việc ban hành Đề án đầu tư, xây dựng huyện Hoài Đức trở thành quận vào năm 2020 là việc làm cụ thể hóa các chủ trương trước đó.

Đã đạt 14/21 tiêu chí trở thành quận

- Có ý kiến cho rằng, là huyện nông thôn mới, để kết nối hạ tầng kỹ thuật trở thành quận sẽ gặp một số khó khăn. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

- Trên địa bàn huyện Hoài Đức có nhiều tuyến đường huyết mạch của Thủ đô, tạo sự kết nối giữa huyện với nội đô rất thuận lợi, như: Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 32. Với những nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới, 100% đường giao thông trục của huyện, đường làng, ngõ xóm ở Hoài Đức đã được nhựa hóa và bê tông hóa. Mỗi năm, huyện đã dành từ 600 đến 700 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Sáu trục đường giao thông từ ngân sách thành phố đầu tư cũng đang được triển khai trên địa bàn với mặt cắt nhỏ nhất là 24m, lớn nhất là 40m để kết nối huyện Hoài Đức với trung tâm thành phố và các quận lân cận, như: Tuyến đường Vành đai 3,5, đường đê tả Đáy, đường Cầu Khum - Cầu Đìa Sáo… Bên cạnh đó, huyện tập trung xây dựng 19 tuyến đường giao thông xung quanh các làng quê gắn với tiêu thoát nước và nhiều tuyến đường giao thông ở các khu đất dịch vụ, đất đấu giá… dài gần 100km.

- Vậy đến nay, huyện Hoài Đức đã đạt những tiêu chí nào để trở thành quận vào năm 2020?

- Năm 2017, Hoài Đức được công nhận là huyện nông thôn mới, đây là một trong những thuận lợi không nhỏ. Mặt khác, tốc độ tăng trưởng kinh tế thời gian qua của huyện khá cao, bình quân giai đoạn 2011-2016 là 11,3%. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ lên trên 90%, giảm tỷ trọng ngành Nông nghiệp xuống chỉ còn 9,73% và sẽ giảm mạnh trong thời gian tới. Cùng với đó, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện phát triển tốt với 1.697 doanh nghiệp và 10.155 hộ sản xuất kinh doanh. Qua đó, nâng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt trên 90%. Sản xuất nông nghiệp của huyện cũng có nhiều mô hình giá trị cao với các sản phẩm nông sản nổi tiếng, như: Cam Canh, phật thủ, bưởi, rau an toàn…, trong đó sản phẩm nhãn chín muộn của huyện Hoài Đức đã được xuất khẩu sang Mỹ. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được giữ vững ổn định, nhiều năm liền không có "điểm nóng".

Qua so sánh các chỉ tiêu về phát triển cơ sở hạ tầng đô thị theo tiêu chuẩn của quận, huyện Hoài Đức cơ bản đạt 14/21 tiêu chí. Còn 7 tiêu chí chưa đạt gồm: Mật độ đường giao thông đô thị; cơ sở y tế cấp đô thị; công trình thương mại dịch vụ cấp đô thị; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật; đất cây xanh công cộng; tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị tính trên tổng số trục phố chính; không gian công cộng của đô thị. Còn đối với tiêu chí chung về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, huyện Hoài Đức đã đạt 5/6 tiêu chí, chỉ còn 1 tiêu chí chưa đạt là cân đối thu, chi ngân sách có dư.

Đối với các xã, thị trấn so sánh với 15 tiêu chí thành lập phường (đô thị loại đặc biệt) cơ bản đều đã đạt từ 6 đến 13 tiêu chí, trong đó thị trấn Trạm Trôi hiện đạt 13/15 tiêu chí.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư

- Trên cơ sở kết quả đạt được, huyện Hoài Đức sẽ thực hiện những giải pháp nào để sớm “cán đích” trở thành quận vào năm 2020?

- Thời gian qua, cả hệ thống chính trị huyện Hoài Đức đã vào cuộc quyết liệt để xây dựng thành công huyện nông thôn mới. Với nền tảng vững chắc đó và sự đồng thuận cao của nhân dân, chúng tôi tin tưởng, việc thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng huyện Hoài Đức trở thành quận vào năm 2020, cán bộ và các tầng lớp nhân dân huyện sẽ vào cuộc mạnh mẽ hơn để đạt được mục tiêu đã đề ra.

Theo đó, ngoài các dự án đã được cân đối kinh phí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn mà huyện đang triển khai thực hiện, nguồn kinh phí dự kiến sẽ được bổ sung khoảng 7.224 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, huyện tập trung vào công tác quy hoạch xây dựng, ưu tiên thúc đẩy sớm các tiêu chí chưa đạt, như: Xây dựng mới thêm 18 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông; nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức đạt tiêu chuẩn bệnh viện loại I với 500 giường bệnh, đồng thời thu hút các nguồn lực xây dựng mới 2 bệnh viện chất lượng cao… Từ nay đến năm 2019, huyện đẩy mạnh triển khai, thu hút vốn đầu tư xây dựng 6 công viên cây xanh tập trung với diện tích gần 140ha; đầu tư các vườn hoa tại khu dân cư, làng xóm cũ với diện tích khoảng 30ha; cải tạo 39 ao, hồ; trồng cây xanh dọc các tuyến đường giao thông, cơ quan, đơn vị…, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp.

Thực hiện các nhiệm vụ trên, ngoài việc huy động các nguồn lực tại chỗ, sự hỗ trợ của thành phố, huyện Hoài Đức đẩy mạnh xã hội hóa thu hút đầu tư xây dựng bệnh viện, siêu thị, trung tâm thương mại… Đồng thời, huyện tập trung đôn đốc các dự án khu đô thị đẩy nhanh tiến độ và thực hiện nghĩa vụ tài chính, sử dụng 100% kinh phí thu từ sử dụng đất các đô thị để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi trên địa bàn. Ngoài ra, huyện tập trung đẩy nhanh thực hiện công tác đấu giá quyền sử dụng đất ở…

- Là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa, huyện Hoài Đức sẽ làm gì để khi trở thành quận mà vẫn giữ vẹn nguyên những giá trị cổ truyền và người dân thích nghi với đời sống đô thị?

- Thực tế, trong quá trình đô thị hóa, bên cạnh những mặt tích cực, sẽ không tránh khỏi những xáo trộn và bất ổn liên quan đến đời sống dân sinh. Tuy nhiên, huyện Hoài Đức xác định việc xây dựng, phát triển huyện trở thành quận sẽ không làm mất đi các giá trị văn hóa tốt đẹp vốn có tự ngàn đời nay của người dân. Ngược lại, với điều kiện kinh tế, xã hội phát triển, các truyền thống văn hóa tốt đẹp của địa phương sẽ có điều kiện để được bảo tồn, phát triển và lan tỏa.

Mặt khác, để tránh tình trạng “làng lên phố” chỉ là vỏ bề ngoài, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức pháp luật về văn minh đô thị, trật tự xây dựng, giữ gìn vệ sinh môi trường. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có một xã, một thị trấn hoàn thành gắn tên đường, đánh số nhà, số ngõ. Huyện Hoài Đức phấn đấu trong năm 2018, sẽ hoàn thành công tác này ở 100% số xã. Trở thành quận trong tương lai gần, Hoài Đức sẽ vẫn còn tồn tại các làng nghề truyền thống trong phố theo hướng đẩy mạnh khâu dịch vụ gắn với du lịch, sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Bạch Thanh thực hiện

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-thoai/914341/huy-dong-moi-nguon-luc-som-xay-dung-hoai-duc-tro-thanh-quan