Huy động hơn 24 tỷ USD làm đường sắt tốc độ cao thế nào?

Giai đoạn I của dự án cần hơn 24 tỷ USD để làm trước 2 chặng Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP.HCM.

Tư vấn đề xuất ưu tiên đầu tư trước đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM từ năm 2026 - Ảnh internet

Liên danh Tư vấn Tedi - Tricc - Tedishouth vừa đề xuất hình thức đầu tư và huy động vốn cho dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam. Theo đó, trong báo cao nghiên cứu tiền khả thi giữa kỳ, tư vấn đề xuất xây dựng mới tuyến đường sắt có chiều dài khoảng 1.545km, nối Hà Nội - TP.HCM và đi qua 20 tỉnh, thành trên cả nước. Dự án có suất đầu tư 38,84 triệu USD/km và cần khoảng 58,710 tỷ USD. Căn cứ chiến lược phát triển GTVT đường sắt đã được phê duyệt, tư vấn đề xuất phân kỳ ưu tiên trước 2 chặng Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM, với nhu cầu vốn là 24,662 tỷ USD.

Cùng đó, hình thức đầu tư dự án được đề xuất theo là PPP (đối tác công - tư) kết hợp với vốn Nhà nước, phân chia thành các dự án thành phần: sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (giải phóng mặt bằng, công trình tuyến, thông tin tín hiệu, trang thiết bị phục vụ chạy tàu…); sử dụng vốn đầu tư tư nhân (nhà ga, Depot… có thể khai thác được quỹ đất hoặc có tiềm năng).

Tàu đường sắt tốc độ cao tại Nhật Bản - Ảnh internet

Về phương án huy động vốn cho giai đoạn I, tư vấn đề xuất các phương án gồm: Phương án 1 từ ngân sách (tiết kiệm ngân sách cho đầu tư tương đương 0,7% GDP/năm, từ 2020-2030 (bằng 24,7 tỷ USD); Phương án 2, ngân sách và ODA (tiết kiệm ngân sách tương đương 0,3% GDP/năm, từ 2020-2030 (bằng 10,7 tỷ USD) và vay ODA phần còn lại (14 tỷ USD) còn lại trong giai giai đoạn 2025-2030); Phương án 3, ngân sách, ODA và BOT (tư nhân) (tiết kiệm ngân sách 0,3% GPD/năm, từ 2020-2030 (bằng 10,7 tỷ USD), vay ODA 13 tỷ USD trong giai đoạn 2025-2030, nhà đầu tư BOT 1 tỷ USD (mua sắm đoàn tàu, vận hành khai thác).

“Các phương án huy động vốn gồm: vốn trong nước, vốn vay ODA, vốn của doanh nghiệp, tư nhân (PPP); vốn thu từ quỹ đất. Đồng thời nghiên cứu các cơ chế tài chính theo hướng: nhà nước cấp phát đối với kết cấu hạ tầng; ngân sách nhà nước cấp phát kết hợp với xã hội hóa thông qua khai thác quỹ đất và dịch vụ tại các ga đô thị lớn. Xã hội hóa đầu tư hoặc doanh nghiệp vay lại để đầu tư phương tiện, đầu máy toa xe”, tư vấn lý giải và cho biết, đây là đề xuất sơ bộ và nội dung trên sẽ được nghiên cứu, làm rõ hơn trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cuối kỳ dự án.

Hồng Xiêm

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/huy-dong-hon-24-ty-usd-lam-duong-sat-toc-do-cao-the-nao-d270603.html