Huy động hỗ trợ quốc tế để xây dựng 'tài khoản đại dương' cho Việt Nam

Việc áp dụng cách tiếp cận thông qua các 'tài khoản đại dương' mà các tổ chức quốc tế đang hỗ trợ sẽ giúp Việt Nam phát triển kinh tế biển một cách bền vững, sắp xếp các dữ liệu đại dương như xã hội, môi trường, kinh tế thành một khuôn khổ chung.

Việc áp dụng cách tiếp cận tài khoản đại dương sẽ hỗ trợ xác định phát triển kinh tế biển một cách bền vững.

Việc áp dụng cách tiếp cận tài khoản đại dương sẽ hỗ trợ xác định phát triển kinh tế biển một cách bền vững.

Kỳ vọng biến những cam kết thành hành động

Tại hội thảo “Nâng cao năng lực về nền kinh tế biển xanh” ngày 24/11, PGS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường nhìn nhận, sau những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, kinh tế ven biển và các ngành kinh tế biển đang ngày càng có vai trò quan trọng trong việc phục hồi kinh tế - xã hội và thúc đẩy tăng trưởng Việt Nam.

Các tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam hiện chiếm hơn 50% dân số cả nước. Đóng góp của 28 tỉnh, thành phố ven biển vào GDP cả nước hiện đã vượt ngưỡng 60%.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Thọ, phát triển kinh tế biển chưa thực sự gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Để hướng đến mục tiêu cao hơn như cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, Việt Nam cần tận dụng tốt các cơ hội cũng như nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để vừa phát triển bền vững kinh tế, vừa bảo vệ được tài nguyên biển.

Việt Nam đã thực hiện nhiều các cam kết quốc tế về phát triển kinh tế biển xanh. Qua đó cũng nhận được nhiều cam kết từ các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế về hỗ trợ tài chính, công nghệ và năng lực thực hiện.

"Tuy nhiên, cơ hội từ cam kết đến hành động còn nhiều khó khăn. Đến thời điểm này nhiều cam kết vẫn chỉ là cam kết, còn thiếu vắng những hành động, nguồn lực để đi vào thực tiễn. Hy vọng hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế sẽ giúp Việt Nam thực hiện được quy hoạch biển tốt hơn”.

PGS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

Hỗ trợ Việt Nam xây dựng tài khoản đại dương quốc gia

Trong khuôn khổ hợp tác với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT), ông Ben Milligan, Giám đốc Ban Thư ký Diễn đàn Hạch toán tài khoản đại dương vì phát triển bền vững (GOAP) cho biết, một "tài khoản đại dương" quốc gia sẽ giúp Việt Nam sắp xếp các dữ liệu đại dương (như xã hội, môi trường, kinh tế) thành một khuôn khổ chung, sử dụng cấu trúc tương tự như tài khoản quốc gia.

Tài khoản đại dương là một tập hợp có cấu trúc thông tin nhất quán và có thể so sánh được gồm bản đồ, số liệu thống kê và chỉ số liên quan đến môi trường biển và ven biển, các hoàn cảnh xã hội và hoạt động kinh tế, phù hợp với Sổ tay về “Hệ thống hạch toán kinh tế - môi trường” (được Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới đưa ra năm 1993). Mục đích chung của các tài khoản này là để thông báo và cho phép ra quyết định chính sách công về đại dương.

Ông Ben Milligan cũng nhấn mạnh, tài khoản đại dương sẽ cung cấp phương tiện để đo lường tiến độ hướng tới tăng trưởng bền vững của nền kinh tế đại dương. Qua đó, cung cấp cơ sở hạ tầng thông tin chung để xây dựng chính sách phát triển đại dương, quy hoạch không gian biển và quản lý môi trường tổng hợp.

Do đó, GOAP sẽ cùng Việt Nam xây dựng các loại tài khoản đại dương cho các mục đích và nhu cầu khác nhau. Trong đó, tài khoản đại dương có trọng tâm về kinh tế sẽ phân tách các tài khoản quốc gia hiện có để hỗ trợ quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể.

Tài khoản có trọng tâm môi trường tập trung thông tin có cấu trúc tốt hơn để hỗ trợ giám sát và kiểm soát, đánh giá sức khỏe môi trường, cấp phép các khu vực và xác định các loài được bảo vệ. Tài khoản có trọng tâm tổng hợp góp phần vào quy hoạch phát triển kinh tế biển và quy hoạch không gian ven biển, chỉ định các khu bảo tồn biển.

Cùng tham gia hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng các tài khoản đại dương, bà Nguyễn Thị Lệ Thu, đại diện Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, World Bank đang cùng Tổng cục Thống kê (GSO) xây dựng khung cho các tài khoản đại dương về phương pháp, thể chế, hạch toán tài chính với khai thác ven bờ và chia sẻ dữ liệu của các Bộ với GSO.

World Bank đề xuất Việt Nam thành lập một đơn vị chủ trì quản lý tài khoản quốc gia và đánh giá GSO có thể đảm nhiệm vai trò quản lý tài khoản đại dương của Việt Nam.

Bà Thu cũng chỉ ra ba vấn đề quan trọng tiến tới nền kinh tế biển xanh mà World Bank muốn hỗ trợ Việt Nam, gồm đánh bắt thủy sản bền vững, giảm thiểu ô nhiễm biển, tài trợ cho những ngành kinh tế biển mới (tiêu biểu là năng lượng tái tạo).

“World Bank cũng có các hỗ trợ liên quan đến quy hoạch không gian biển, quy hoạch ngành, đặc biệt là quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các tỉnh ven biển thông qua chia sẻ kinh nghiệm của các nước đã thành công trên thế giới”, bà Nguyễn Thị Lệ Thu thông tin.

Tài khoản đại dương đã được thí điểm hạch toán tại tỉnh Quảng Ninh từ tháng 9/2021 đến 3/2022 cho thấy, đóng góp từ kinh tế biển tăng từ 14,117 tỷ đồng vào 2018 lên 17,730 tỷ đồng vào 2020.

Trong kinh tế biển, đóng góp của khai thác và nuôi trồng thủy hải sản là lớn nhất (38%), công nghiệp và vận tải có mức đóng góp tương tự nhau (18,4% và 1,6%); dịch vụ khác 19,3% và thấp nhất là ăn uống, lưu trú, du lịch 5,3%.

Tổng diện tích rừng ngập mặn 2015 - 2020 ổn định, có xu hướng tăng nhẹ về diện tích 1,9%, tuy nhiên diện tích quy hoạch cho đặc dụng phòng hộ giảm mạnh do chuyển sang rừng sản xuất.

Cũng trong thời gian này, cỏ biển suy giảm mạnh về diện tích ở 1 số khu vực như vịnh Hạ Long (75%), Đầm Nhà Mạc (60%), đảo Quan Lạn (50%).

Nguồn: Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường

Phương Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/huy-dong-ho-tro-quoc-te-de-xay-dung-tai-khoan-dai-duong-cho-viet-nam-post14670.html