Huy động hiệu quả các nguồn lực

Quảng Ninh được đánh giá là địa phương thực hiện chương trình xây dựng NTM hiệu quả, thiết thực và bền vững. Để có được kết quả đó, tỉnh đã tập trung huy động nhiều nguồn lực thực hiện chương trình.

Cán bộ xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà) tuyên truyền xây dựng NTM cho các tiểu thương tại chợ trung tâm xã. Ảnh: Hoàng Giang

Cán bộ xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà) tuyên truyền xây dựng NTM cho các tiểu thương tại chợ trung tâm xã. Ảnh: Hoàng Giang

Ghi nhận tại Vân Đồn, năm 2020, huyện thực hiện 131 dự án, hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu với tổng vốn đầu tư là 367,3 tỷ đồng. Đến nay, 100% đường xã, liên xã, trục thôn, liên thôn được bê tông hóa; trên 90% đường ngõ xóm được bê tông hóa đạt chuẩn; 7/11 xã được đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn NTM... Diện mạo các xã nông thôn huyện đã được thay đổi, nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy KT-XH địa phương.

Hay tại xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà), với 98% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Ngay từ giai đoạn đầu triển khai xây dựng NTM, xã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách tích cực từ khâu tuyên truyền, vận động người dân tham gia đến việc huy động các nguồn lực xã hội cùng với nguồn ngân sách để tập trung hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM.

ĐVTN huyện Đầm Hà hỗ trợ làm đường NTM tại bản Lý Sáy Chảy, xã Quảng Lâm.

Huy động hiệu quả các nguồn lực, đến nay tỷ lệ đường trục thôn, bản và đường liên thôn đã bê tông hóa đạt 91,4%; đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện bê tông hóa đạt 100%; đường nội đồng bê tông hóa được 66%... Người dân đóng góp hàng nghìn ngày công lao động, hiến trên 20.000m2 đất các loại và nhiều cây cối hoa màu; trồng được hàng nghìn mét hoa chiều tím và cây xanh... Xã hoàn thành 20/20 tiêu chí và 53/53 chỉ tiêu, đang hoàn thiện hồ sơ công nhận xã đạt chuẩn NTM.

Theo Ban Xây dựng NTM tỉnh, năm 2020 tỉnh đã bố trí 208,2 tỷ đồng ngân sách hỗ trợ thực hiện các tiêu chí đảm bảo mục tiêu theo kế hoạch triển khai thực hiện chương trình NTM và chương trình OCOP.

Các địa phương đã tập trung triển khai, xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực địa phương, lồng ghép các chương trình với tổng số là 17,95 tỷ đồng. Trong đó ngân sách trực tiếp là trên 408 triệu đồng, chiếm 2,27%; ngân sách lồng ghép là gần 650 triệu đồng chiếm 3,59%; điển hình là huy động ngoài ngân sách từ tổ chức doanh nghiệp, HTX, từ người dân... là trên 16,9 tỷ đồng chiếm tỷ lệ tới 94,14%.

Đối với đầu tư xây dựng, tỉnh thực hiện nguyên tắc nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó Nhà nước hỗ trợ một phần giá trị công trình, hoặc hỗ trợ chi phí vật liệu. Phần còn lại, người dân tự nguyện hiến đất, giải tỏa cây cối, hoa màu, đồng thời góp ngày công lao động, máy móc và tự tổ chức thi công công trình đường giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng, ao, hồ phục vụ sản xuất...

Nhà văn hóa thôn 11, xã Hạ Long (huyện Vân Đồn) xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Việc triển khai thực hiện cũng được đảm bảo tính công khai, minh bạch, chú trọng việc nhân rộng mô hình điểm, ưu tiên chọn tiêu chí dễ thực hiện, ít tốn kém kinh phí, đạt hiệu quả thiết thực đến cộng đồng dân cư trước. Từ đó, vai trò chủ thể của người dân ngày càng được phát huy một cách rõ nét.

Trong huy động nguồn lực, hầu hết các địa phương đều ban hành các quyết định quy định hỗ trợ vật liệu xây dựng đầu tư công trình kết cấu hạ tầng nông thôn; nhiều địa phương vận động hiệu quả các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ thực hiện chương trình. Cùng với đó, dự toán, quyết toán công trình đều phân định rõ phần ngân sách nhà nước hỗ trợ và phần chi phí do người dân đóng góp...

Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021, tỉnh sẽ tiếp tục bố trí huy động ngân sách triển khai thực hiện chương trình với tổng số 22,98 tỷ đồng, huy động đóng góp trong cộng đồng dân cư, các nguồn hỗ trợ... để tập trung hoàn thiện hạ tầng đường giao thông nông thôn, thủy lợi, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế và môi trường...

Vân Anh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202101/huy-dong-hieu-qua-cac-nguon-luc-2516578/