Huy động các sáng kiến xanh cho Hà Nội phát triển bền vững

Hội thảo huy động các sáng kiến xanh cho Hà Nội - Từ câu chuyện của Seoul nằm trong dự án 'Cam kết thành phố tham vọng' và 'Không khí sạch, thành phố xanh.'

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 13/8, tại Hà Nội, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội phối hợp với Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live and Learn), Tổ chức ICLEI (Chính quyền địa phương hành động vì mục tiêu phát triển bền vững) tổ chức Hội thảo "Huy động các sáng kiến xanh cho Hà Nội - Từ câu chuyện của Seoul đến các sáng kiến địa phương."

Hội thảo nhằm huy động, chia sẻ các giải pháp và sáng kiến xanh cho mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu của thành phố Hà Nội.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Bùi Duy Cường cho biết nằm trong khuôn khổ hoạt động của các dự án "Cam kết thành phố tham vọng" và "Không khí sạch, thành phố xanh," hội thảo nhằm chia sẻ dự án, sáng kiến đang được triển khai tại Seoul-Hàn Quốc, Hà Nội và các địa phương khác.

Hội thảo tạo điều kiện cho các bên tham gia, bao gồm người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội chia sẻ các giải pháp và sáng kiến xanh, thiết thực cải thiện chất lượng không khí, giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hội thảo có hai phiên chính: Phiên 1- Bức tranh chung về thành phố. Phiên 2-Từ câu chuyện Seoul tới sáng kiến địa phương tập trung chia sẻ các kinh nghiệm và giải pháp quốc tế và địa phương trong các lĩnh vực ưu tiên như cải thiện chất lượng không khí; sử dụng năng lượng hiệu quả và bền vững; quy hoạch đô thị-xây dựng; quy hoạch đô thị-giao thông; quản lý chất thải...

Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng), Phó Giáo sư, tiến sỹ Lưu Đức Cường cho rằng thời gian gần đây, Hà Nội đã có những bước đi cụ thể nhằm xây dựng các hành động ngắn hạn và dài hạn để thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có việc tham gia vào Dự án "Cam kết thành phố tham vọng" từ tháng 10/2017.

Dự án này thực hiện với mục tiêu kêu gọi các thành phố lớn ở Đông Nam Á (bước đầu là 3 quốc gia gồm Philippines, Indonesia và Việt Nam) tham gia cam kết về việc "cắt giảm lượng khí thải nhà kính" và hỗ trợ các đô thị này nghiên cứu thành lập các chương trình hành động cụ thể.

Dự án này hướng tới một môi trường trong lành và khỏe mạnh cho thế hệ trẻ Việt Nam, trong đó bao gồm mục tiêu tăng cường hành động và thúc đẩy sáng kiến và giải pháp không khí sạch, thành phố xanh.

Đồng thời, Dự án mong muốn tăng cường vai trò, sự tham gia của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chia sẻ về những chính sách môi trường trọng điểm thành phố Seoul (Hàn Quốc), Giáo sư Youngsoo Choi, chuyên gia quốc tế cho rằng chính quyền Seoul đã dành ngân sách hàng tỉ đôla Mỹ và sẽ tăng thêm trong những năm tới để chuyển đổi những phương tiện xây dựng đời cũ sang phương tiện và thiết bị đời mới, giảm phát thải.

Cụ thể, thành phố thay toàn bộ xe buýt công cộng, xe buýt chở học sinh chạy xăng thành chạy điện hoặc xe thân thiện với môi trường; miễn phí lắp đặt thiết bị lọc khí (biến HC, NOx, CO thành CO2, N2, H2 ) cho các phương tiện trọng tải lớn như taxi, xe tải; hỗ trợ đổi ôtô chạy xăng sang ôtô chạy điện; trả 80% giá thành chênh lệch giữa máy sưởi hiệu suất cao, phát thải thấp so với máy cũ nếu người dân muốn đổi.

Seoul lắp đặt gần 3000 địa điểm sạc cho xe điện trên khắp thành phố.

Các chính sách dành cho khối công nghiệp vừa khuyến khích vừa kiểm soát, nổi bật là việc siết chặt dần định mức phát thải bụi mịn cho các ngành nghề gây ô nhiễm, đặc biệt như sản xuất gang, thép, ximăng, lọc hóa dầu.

Các công ty này được yêu cầu phải lắp thiết bị giám sát ô nhiễm và các thanh tra môi trường sẽ được tăng cường, điều động các thiết bị quan trắc di động đến kiểm tra đối chứng.

Bên cạnh đó, thành phố Seoul đã có nhiều chính sách môi trường trọng điểm, nhất là quan tâm đến việc cải thiện chất lượng không khí, tiết kiệm năng lượng, trước hết hướng tới các cơ quan hành chính nhà nước, sau lan tỏa tới cộng đồng, vận động người dân tham gia và sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng nhằm giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường.

Các đại biểu tham gia hội thảo cùng thảo luận nhóm để đưa ra các giải pháp và sáng kiến xanh góp phần cải thiện chất lượng không khí, giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đối khí hậu.

Đó là các sáng kiến về cải thiện chất lượng không khí (Xua tan khói than-bình an lá phổi); tăng cường sự tham gia của người dân vào theo dõi chất lượng không khí; giải pháp trường học xanh để trẻ em được hít thở bầu không khí sạch; từ sử dụng năng lượng tiết kiệm tới sáng kiến 1 triệu mái nhà xanh; giải pháp văn phòng xanh; giải pháp giao thông xanh, quy hoạch đô thị xanh và quản lý chất thải./.

Lý Thanh Hương (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/huy-dong-cac-sang-kien-xanh-cho-ha-noi-phat-trien-ben-vung/589791.vnp